Năm 1948, thực dân Pháp mở rộng khu vực chiếm đóng ở vùng đồng bằng. Địch lập nhiều chốt trên các tuyến đường giao thông quan trọng. Tại Mặt trận Đường 6, giặc Pháp cho lính chốt giữ khu vực Xuân Mai. Chủ trương của Tỉnh ủy Hà Đông là phá tan các chốt trên trục đường giao thông nối liền với khu giải phóng. Phạm Việt Trung khi đó gia nhập bộ đội địa phương huyện Thường Tín, trực tiếp chiến đấu tại huyện nhà. Nhờ biết tiếng Pháp trong thời gian học tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Thường Tín nên Trung được cấp trên điều động tham gia vào Ban Địch vận của tỉnh Hà Đông, hoạt động tại Mặt trận Đường 6. Nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền kêu gọi binh lính Âu-Phi từ bỏ chiến tranh phi nghĩa, hạ vũ khí, rời khỏi hàng ngũ của địch, ủng hộ chính quyền cách mạng. Trong điều kiện chiến đấu rất khó khăn, địch thường xuyên lùng sục càn quét, Phạm Việt Trung cùng đồng đội phải bí mật in truyền đơn, tờ rơi, sau đó đi rải khắp nơi. Ngoài ra, anh còn đi viết khẩu hiệu trên tường nhà, hàng rào nơi địch đi qua với nhiều nội dung kêu gọi như: “Hãy trở về với gia đình”, “Mẹ con anh đang chờ anh ở nhà”… Những tờ rơi, truyền đơn được coi là giấy bảo đảm. Nếu tên địch nào tự nguyện ra hàng khi cầm tờ giấy đó, lực lượng của ta sẽ tiếp nhận.

leftcenterrightdel
Phạm Việt Trung (ngoài cùng, bên phải) cùng Fofanna (đứng giữa) tại Mặt trận Đường 6. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguy hiểm nhất là hình thức tuyên truyền trực tiếp ngoài mặt trận. Tổ tuyên truyền thường có hai người, phương tiện vật dụng chỉ là vũ khí chiến đấu cá nhân cùng với chiếc loa kêu gọi hàng địch. Hằng ngày từ 16 giờ, Phạm Việt Trung cùng với Nguyễn Văn Thành vượt chặng đường hơn 20km từ khu cơ sở của ta tới vị trí bốt Gốt trên Đường 6. Sau khi tới đây, lợi dụng địa hình, địa vật thuận lợi, hai người đào hố chiến đấu cá nhân, đến khoảng 22 giờ đêm mới tiến hành tuyên truyền. Đây là thời điểm thuận lợi nhất. Trong không gian yên ắng, Phạm Việt Trung hướng loa về phía bốt Gốt kêu gọi binh lính Âu-Phi nhìn rõ tính chất của cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp gây ra, kêu gọi họ từ bỏ vũ khí, quay trở về với gia đình. Ông Trung nhớ lại: “Nghe tiếng loa, địch bắn trả rất ác liệt. Đợi chúng ngừng bắn, tôi lại tiếp tục tuyên truyền. Mặc dù chỉ dùng loa kêu gọi địch ra hàng nhưng cũng rất nguy hiểm do thực hiện nhiệm vụ độc lập, không có lực lượng yểm hộ phía sau. Tuy vậy, bất chấp mọi hiểm nguy, chúng tôi tổ chức hoạt động không theo quy luật, thường xuyên tiến hành vào ban đêm khiến binh lính địch mệt mỏi. Trong đêm tối, địch chỉ dùng súng bắn về phía có tiếng loa chứ không dám đi càn vì sợ lực lượng của ta phục kích”.

Kiên trì tuyên truyền vận động, nhiều binh lính Âu-Phi đã tự nguyện ra hàng. Sau đó, có những người đã giác ngộ và hoạt động tích cực cho ta. Ông vẫn còn nhớ người lính Algeria tên là Fofanna. Sau khi ra hàng, Fofanna tình nguyện ở lại phục vụ chiến đấu. Nhờ ông Trung trực tiếp kèm cặp, Fofanna được bổ sung vào đội công tác địch vận. Đội công tác đã sử dụng phương pháp dùng hàng binh để vận động binh lính địch, đem lại hiệu quả rất cao. Ông Trung kể: “Fofanna nhiệt tình tham gia rải truyền đơn, kêu gọi những người cùng quê hương ra hàng. Đến các chốt, Fofanna thường hô lớn: “Hỡi các anh em binh lính! Tôi đã ra đây rồi, tôi được tiếp đãi tử tế, các anh hãy từ bỏ hàng ngũ lính Pháp để hưởng chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng”. Không chỉ có vậy, Fofanna là người có thể hình to lớn, sức khỏe tốt đã giúp đội tuyên truyền mang vác các dụng cụ in ấn nặng hành quân cơ động vượt rừng núi”.

leftcenterrightdel
Phạm Việt Trung (giữa) cùng Philip (bên trái) tại Mặt trận Đường 6.

Sau này, công tác với Phạm Việt Trung còn có người bạn Philip cũng là hàng binh người Ba Lan. Cả Philip và Fofanna đều tự nguyện phục vụ chiến đấu cho đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Năm 1964, Mỹ gây hấn ở vịnh Bắc Bộ chuẩn bị chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Trước tình hình đó, vì lý do an toàn, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung những người ngoại quốc để họ hồi hương. Khi Philip và Fofanna trở về quê hương, ông Trung vẫn giữ liên lạc và luôn gìn giữ tình cảm với những người bạn quốc tế ấy.

VŨ DUY