Trung tuần tháng 2-2023, chúng tôi đến thăm nhà Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tấn, nguyên Chỉ huy trưởng Xưởng X203, đang trú tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ở tuổi 81, Đại tá Nguyễn Văn Tấn vẫn không thể quên những sự kiện của mấy chục năm về trước.
“Ngay từ khi được thành lập giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, năm 1967, Đội cơ động sửa chữa 2 (tiền thân của Xưởng X203 ngày nay) được thành lập với quân số ban đầu chỉ có 43 cán bộ, chiến sĩ, song Đội đã nhanh chóng ổn định, huấn luyện kỹ thuật, tổ chức nhiều tổ cơ động kịp thời đến các trận địa sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật xe xích cho các đơn vị. 5 năm (1967-1972), Đội đã cơ động đến các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô, các trọng điểm giao thông trên Quốc lộ 1A, vào Nghệ An, đến Quảng Trị, tới Nam Lào để thu hồi, sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe xích, xe Gaz, trạm nguồn điện... bàn giao cho các đơn vị, kịp thời đưa vào tác chiến”, Đại tá Nguyễn Văn Tấn cho biết.
Đại tá Lưu Văn Xá, Chính trị viên Xưởng X203 thông tin thêm, cho đến bây giờ, mỗi lần thăm lại đơn vị, các cán bộ đã từng công tác tại Xưởng lại nhắc nhớ những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ. Như đồng chí Vũ Văn Lanh, ngày 28-12-1971 đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ sửa chữa xe xích kéo pháo thu hồi được của địch trên chiến trường Đường 9-Nam Lào. Năm 1972, đơn vị điều một tổ áp tải xe xích, xe Gaz vào Quảng Bình để giao cho các đơn vị tăng viện các mặt trận. Ngày 5-6-1972, máy bay Mỹ oanh tạc vào đúng đội hình đang giao xe ở bến phà Long Đại, đồng chí Nguyễn Quang Ta anh dũng hy sinh. Mất mát chồng đau thương, 6 tháng sau, một bộ phận của đơn vị lên ga Khúc Rồng (Thái Nguyên) tiếp nhận xe xích, xe Gaz để đưa vào chiến trường đã bị máy bay Mỹ đánh trúng đội hình, đồng chí Nguyễn Văn Túc và Trần Hồng Bàng hy sinh anh dũng.
Đại tá Nguyễn Văn Tấn kể: “Cuối năm 1973, đơn vị được giao cấp tốc vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) để sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật xe, máy công trình cho Sư đoàn 473 mở Đường 14 ở bờ Nam sông Ba Lòng. Hơn một năm ở Khe Sanh, trong điều kiện chiến trường ác liệt, nhiều đồng chí bị thương, song đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đầu năm 1975, đơn vị lại nhận được lệnh của trên hành quân cấp tốc vào chiến trường B3 phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Sau đó, các tổ, đội của Xưởng đi theo đội hình các đơn vị, bảo đảm kỹ thuật cho cuộc hành quân thần tốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Trung tuần tháng 6-1975, đơn vị được lệnh chuyển quân ra Bắc. “Cán bộ, chiến sĩ vừa củng cố doanh trại, nhà xưởng, vừa triển khai cơ động sửa chữa xe xích cho các đơn vị và thực hiện công tác thu hồi xe chiến lợi phẩm thu được của địch từ các chiến trường. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với phương châm “pháo ở đâu, xe xích ở đó”, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lại hành quân cơ động theo sát các đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Văn Tấn nhớ lại.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những khó khăn, thử thách của cơ chế thị trường, tình trạng kỹ thuật xe xích của các đơn vị ngày càng xuống cấp do sử dụng lâu năm, vật tư thay thế khan hiếm... với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cán bộ, chiến sĩ toàn Xưởng tích cực học tập, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa xe xích, trạm nguồn đạt chất lượng cao. “Những năm qua, Xưởng đã tổ chức 22 đoàn cơ động với hơn 300 lượt cán bộ, lái xe, thợ sửa chữa tham gia, sửa chữa lớn được 174 xe xích, 121 cụm động cơ A650... Để hoàn thành nhiệm vụ tại Xưởng và cơ động đến sửa chữa ở các đơn vị, chúng tôi vừa phải tính toán các phương án, đổi mới giải pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành phù hợp; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm giảm nhân công, thời gian, tăng năng suất lao động. Toàn Xưởng đã có 67 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, có sáng kiến làm lợi cho ngân sách hàng trăm triệu đồng. Quá trình xây dựng và trưởng thành, Xưởng X203 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác”, Đại tá Lưu Văn Xá cho biết.
PHẠM THỦY