Dưới vỏ bọc là một quán cà phê, giải khát, quán Nhan Hương thu thập, truyền báo tin tức phục vụ cách mạng.

Nhiều người đến đây chăm chú đọc, tìm hiểu bảng giới thiệu di tích, tham quan hiện vật trưng bày tái hiện hoạt động kinh doanh nhộn nhịp của quán Nhan Hương giữa khu vui chơi, giải trí lâu đời của Sài Gòn. Với phương châm “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, năm 1963, Bộ tư lệnh Miền đã chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng cơ sở hoạt động bí mật.

leftcenterrightdel
Tái hiện hoạt động kinh doanh làm bình phong nuôi giấu cán bộ cách mạng tại quán Nhan Hương.

Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Miền, ông Nguyễn Văn Tửng, một cơ sở biệt động Sài Gòn, sinh năm 1913 tại Trà Vinh, đã đứng ra thành lập quán bằng khoản tiền tích cóp cá nhân và đặt tên quán là Nhan Hương, theo tên người vợ của ông. Để bảo đảm an toàn, bí mật, ông Tửng bố trí nhân viên phục vụ quán đều là con cháu, người nhà của ông và họ đều tin tưởng, ủng hộ cách mạng. Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, nhớ lại:

- Sau một thời gian hoạt động, Bộ tư lệnh Miền đánh giá đây là nơi hoạt động rất an toàn, bí mật và hiệu quả. Quán Nhan Hương trở thành cơ sở nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cấp quân khu, chỉ huy lực lượng biệt động và cán bộ các nơi đến thành phố công tác, nhận chỉ thị của lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là “sở chỉ huy” giao nhiệm vụ, động viên tinh thần anh em trước các trận đánh. Vừa núp bóng kinh doanh để hoạt động cách mạng, gia đình ông Tửng vừa dành nguồn thu cung cấp hỗ trợ tài chính cho cách mạng.

Suốt thời gian dài tồn tại ngay trong lòng địch (1963-1975), hằng ngày, khách đến quán Nhan Hương có nhiều sĩ quan Mỹ và nhân viên an ninh phục vụ cho ngụy quyền Sài Gòn, nhưng chúng không hề phát hiện dấu hiệu khả nghi nào. Trong rất nhiều cuộc ăn nhậu của chúng, các “nhân viên” phục vụ quán đã nắm được nhiều bí mật quân sự của địch. Những thông tin này đã được ông Tửng thu thập, đối chiếu, báo lên trên để kịp thời có biện pháp ứng phó.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, 74 tuổi, cháu nội của ông Nguyễn Văn Tửng cho biết: Lúc bấy giờ bà đã biết ông nội mình đi theo cách mạng nên bản thân bà mỗi khi đến quán cũng rất cẩn thận, đề cao cảnh giác và tự ý thức bảo vệ ông nội cùng các đồng chí của ông. Những người trong gia đình luôn coi việc an toàn, bảo mật là trách nhiệm của mình. Điều này đã góp phần giúp quán Nhan Hương hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò vỏ bọc để hoạt động cách mạng.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương là hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, đài phát thanh Sài Gòn, bộ tổng tham mưu, đại sứ quán Mỹ, bộ tư lệnh hải quân... làm lung lay tận gốc chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nguyên cán bộ Phòng Quân báo Miền (A54), Trưởng ban liên lạc khối điệp báo đơn vị A54 khu vực phía Nam, kể: Công tác phối hợp giữa Phòng Quân báo Miền với các cơ sở cách mạng, trong đó có quán Nhan Hương, rất chặt chẽ, tuyệt đối bí mật và bảo đảm an toàn cho cơ sở. Nhiều thông tin từ quán Nhan Hương chuyển về đã được cấp trên chọn lọc, điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến trong các trận đánh của lực lượng biệt động, góp phần vào Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm qua, các cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn thường xuyên trở lại quán Nhan Hương để gặp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào. Năm 2014, quán Nhan Hương được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Quán được trùng tu, bảo tồn, bổ sung tư liệu, hiện vật để phục vụ tham quan, giáo dục lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã bố trí không gian tái hiện cảnh buôn bán, sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Văn Tửng với nhiều khu vực như nhà bếp, nơi nấu ăn, chỗ ngủ, các bàn ăn, khu vực tính tiền… để ghi dấu một cơ sở cách mạng trong Thảo Cầm Viên ngay giữa lòng Sài Gòn.

Bài và ảnh: YẾN LONG