Tôi được Anh hùng LLVT nhân dân Lê Trung Nuôi, một người đồng đội và cũng là đồng hương của bà Trần Thị Sốt dẫn đến thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) để nghe bà kể chuyện đánh giặc. Không lập gia đình, ở tuổi 80, bà sống một mình trong căn nhà cấp 4 đơn sơ.

Ba mất khi Sốt còn trong bụng mẹ. Nhà neo người, Sốt không được đi học mà sớm phải theo các bạn chăn trâu, cắt cỏ. Cho đến khoảng đầu năm 1958, người cậu họ là Trần Văn Hạng (một cán bộ thuộc diện tập kết ra Bắc nhưng xin ở lại hoạt động) gặp Sốt nhờ đưa giùm lá thư cho người thân. Lúc ấy, cô không biết nội dung thư viết gì, cứ việc chuyển đến tay người nhận. Sau này cô mới biết, những lá thư đó là thử thách bước đầu và người nhận thư cũng không phải là cán bộ cách mạng mà chỉ là người trung gian. Lâu dần, Sốt tham gia phong trào từ lúc nào không hay.

Đến năm 1963, Trần Thị Sốt được bố trí lên căn cứ học cứu thương, sau đó quay về công tác tại đội công tác của xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Năm 1966, Huyện đội Hòa Vang chủ trương thành lập trung đội nữ bổ sung cho lực lượng bộ đội địa phương. Khi trung đội nữ chính thức được thành lập với quân số 30 người, biên chế thành 3 tiểu đội, Trần Thị Sốt là Trung đội trưởng, đồng chí Phan Thị Hoa là Trung đội phó. Nhiệm vụ chính của trung đội nữ là huấn luyện chiến đấu và chiến đấu cùng với các đơn vị bạn. Đồng thời, một số đồng chí được cử sang phối hợp cùng với giao liên để nghiên cứu địa hình, tìm hiểu tình hình địch từ dãy Bạch Mã đến xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

leftcenterrightdel

Bà Trần Thị Sốt cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm. Ảnh: SỸ LONG 

Tháng 10-1967, huyện Hòa Vang chia làm 3 khu (Khu 1, Khu 2 và Khu 3), trung đội nữ được biên chế về Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang. Trung đội trưởng Trần Thị Sốt được bổ nhiệm giữ chức Đại đội phó kiêm Trung đội trưởng. Ngay trong tháng 10-1967, trung đội nữ tham gia trận đánh đồn Mỹ đầu tiên trong đội hình đại đội. “Trước đó, chúng tôi đã tổ chức đánh nhỏ như diệt ác ôn, phá kìm. Đánh đồn Túy Loan mới là trận chính thức đánh địch trong công sự vững chắc”, bà Sốt nhớ lại.

Trận đó, trung đội nữ được bố trí đi cùng với các mũi chiến đấu của đại đội, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Trần Thành (hy sinh tháng 10-1969). Đến giờ G vẫn không nghe đơn vị bạn nổ súng như hiệp đồng, trong khi đó Đại đội 2 đã lót quân vào sát đồn địch. Tình thế vô cùng căng thẳng, nếu rút ra thì chắc chắn sẽ bị lộ. Đại đội trưởng Trần Thành hội ý chỉ huy với Đại đội phó Trần Thị Sốt và xạ thủ B40 Ngô Trường Quyến: “Bây chừ vẫn chưa có hiệu lệnh nổ súng. Ý các đồng chí như thế nào?”. Đại đội phó Trần Thị Sốt phát biểu: “Giờ rút ra là chết vì địch ở xung quanh. Đánh có thể cũng chết, nhưng không đánh thì chắc chết. Ăn thua là đồng chí Quyến phải diệt cho được ổ đại liên. Đánh mở đường máu rút ra còn có khả năng sống”.

Đại đội trưởng Thành nhất trí và lệnh cho đồng chí Quyến quyết diệt ổ đại liên của địch làm hiệu lệnh mở màn trận đánh cho toàn đại đội. Trời gần sáng, các mũi bắt liên lạc để chờ lệnh lui quân. Khi đại đội đang tổ chức lui quân thì bị địch phát hiện. Chúng bắn đuổi theo rát rạt. Tay xách súng AK, Đại đội phó Trần Thị Sốt chạy cùng một chiến sĩ. Bất ngờ, địch bấm mìn định hướng. Người chiến sĩ bên cạnh hy sinh tại chỗ, Trần Thị Sốt may mắn chỉ bị thương nhẹ. Sau trận đánh đầu tiên đó, trung đội nữ có một số đồng chí bị thương.

Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo sự phân công của mặt trận, 5 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, một trung đội của Đại đội 2 do Đại đội phó Lê Hữu Đông và Đại đội phó Trần Thị Sốt chỉ huy, phối hợp với một tổ gồm 3 trinh sát và 3 chiến sĩ đặc công, tập kích chiếm giữ ngã tư và cơ quan hội đồng xã Hòa Lương. Tối cùng ngày, địch tổ chức phản kích. Đại đội phó Trần Thị Sốt bị thương, được cơ sở chuyển thương theo đường Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) để lên căn cứ.

Điều trị một thời gian, vết thương chưa lành hẳn nhưng bà vẫn xin về đơn vị. Đây cũng là khoảng thời gian phong trào cách mạng ở Quảng Nam, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Địch đánh phá liên miên, chúng bịt hết đường từ vùng núi xuống đồng bằng. Đêm 22, rạng sáng 23-2-1969, Đoàn Pháo binh 575 bất ngờ bắn dồn dập vào sân bay Đà Nẵng và các cứ điểm Dương Mẹo, Bồ Bồ, khu xe cơ giới hành quân Sũng Mây (trước đây thuộc Hòa Mỹ, Hòa Vang, nay thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Theo mệnh lệnh chung, Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang đánh chiếm thị trấn Túy Loan. Tuy nhiên, khi bước vào chiến dịch, địch chống trả quyết liệt nên ta không tiếp cận được một số mục tiêu. Đại đội 2 cũng bị đánh bật ra khỏi thị trấn. Địch tập trung lực lượng, hỏa lực, xe thiết giáp bao vây, càn quét. Trước tình hình trên, các đơn vị được lệnh chuyển sang phòng ngự. Bà Trần Thị Sốt trực tiếp chỉ huy một hướng phòng ngự của đại đội. Lợi dụng bờ tre, ta quần lộn với địch từ 10 giờ đến 17 giờ ngày 23-2-1969. Địch dừng tiến công, đêm đó đơn vị cũng rút về căn cứ. Đại đội phó Trần Thị Sốt bị thương, nằm mê man bất tỉnh, được nhân dân phát hiện, che chở và đưa thẳng lên vùng địch đấu tranh, tố cáo quân Mỹ làm bị thương người dân vô tội rồi bí mật chuyển bà lên căn cứ để tiếp tục điều trị vết thương. Tháng 11-1969, bà ra Bắc an dưỡng.

Miền Nam giải phóng, bà về Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng công tác, sau đó chuyển sang ngành lương thực. Năm 1984, sức khỏe không cho phép, bà xin về hưu sớm. Từ đó đến nay, bà ở một mình nhưng thường xuyên được anh em, đồng chí quan tâm thăm hỏi nên không cảm thấy cô đơn.

NGUYỄN AN NHIÊN