QĐND - Đó là Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Chuyên viên tác chiến chiến lược, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu). Theo lời ông kể thì việc chế tác tên lửa phòng không bằng tre cót (ra-cót) lừa địch là một cơ duyên.

Khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, cậu bé 14 tuổi Hoàng Bảo đang dạo chơi ở phố Hàng Bài (Hà Nội) thì đại bác từ ngoại ô bắn xối xả vào thành Hoàng Diệu. Hốt hoảng, cậu chạy thục mạng về phía nam rồi nhảy vào một đơn vị bộ đội trú nấp. Trong không khí sục sôi của ngày Toàn quốc kháng chiến, từ đây, Hoàng Bảo bắt đầu tham gia quân ngũ. Khởi đầu bằng công việc liên lạc cho đơn vị. Rồi được tôi luyện trong các chiến dịch kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại tá Hoàng Bảo.

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp cao đẳng cầu đường, Thượng úy Hoàng Bảo được cấp trên điều động về Cục Không quân, đảm trách “Chủ nhiệm sân đường bay”. Đầu năm 1965, chính quyền Giôn-xơn dùng không quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, ông được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng trận địa tên lửa Đờ-vi-na (Mỹ gọi là SAM-2) đầu tiên của Trung đoàn Tên lửa 236 bảo vệ yếu địa thủ đô Hà Nội. Thời gian này, Mỹ sử dụng nhiều loại máy bay trinh sát không người lái hiện đại như: BQM-34A (bay tầng cao); RF-101, 147J, 147S (bay tầng thấp)…, ngày đêm hoạt động chụp ảnh các trận địa phòng không của ta. Rồi sử dụng không quân ném “bom tinh khôn” (Walleye) có gắn máy ảnh và hệ thống tự động điều chỉnh theo ảnh để đánh phá mục tiêu với độ chính xác cao. Trong khi đó, theo giáo trình huấn luyện của chuyên gia Liên Xô, các trận địa tên lửa Đờ-vi-na phải được bố trí cố định, trên diện tích tương đối rộng, từ 9 đến 10ha. Câu hỏi thiết kế trận địa thế nào để dễ dàng xạ kích nhưng bảo đảm góc che khuất bề mặt phản xạ cho các đài 1, 2 trên một khu đất rộng cứ đeo đẳng trong đầu ông.

Tên lửa giả (ra-cót) được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

Đêm đêm, ông chong đèn với những bộ sách tiếng Nga viết về tên lửa phòng không. Ngày đến, ông đôn đáo khắp nơi khảo sát địa hình, thảo luận với chuyên gia Liên Xô và đồng đội. Nghiên cứu quy luật hành động của không quân Mỹ, ông nhận thấy chúng thường xuất phát từ Thái Lan, bay qua biên giới Việt-Lào, cắt dãy Hoàng Liên Sơn ở Sơn La vào đánh phá Việt Trì, Lâm Thao… Đồng thời, trong một lần khảo sát địa hình ở huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ), ông thấy nhân dân đan cót, khi phơi cứ quấn tròn như chiếc thùng phuy. Từ đó ông nhận định: Để bảo vệ tên lửa và nâng hiệu quả tác chiến cần vận dụng chiến thuật cơ động, phục kích, đón lõng, nhử địch đến mà đánh và phải tạo lập trận địa giả lừa địch. Sau nhiều lần thảo luận, bàn bạc, cuối tháng 6-1965, cơ quan tham mưu báo cáo Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng một phương án tổ chức trận đánh lớn, khu vực tác chiến là vùng Suối Hai-Trung Hà thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội) và được chuẩn y. Theo đó, Trung đoàn Tên lửa 236 triển khai như sau: Tiểu đoàn 63 bố trí tại đồi Chùa Ghề, Yên Kỳ, sát bờ sông Đà, gần bến phà Trung Hà. Tiểu đoàn 64 sẽ chiếm lĩnh Điểm cao 39, khu vực rừng Vô Khuy, gần hồ Suối Hai.

Ngày 18-7-1965, lực lượng công binh cùng hơn 1.000 học viên của Trường Sĩ quan Lục quân và Trường Sĩ quan Phòng không với hàng trăm tự vệ, dân quân của Nông trường Ba Vì và các xã trong khu vực đã tiến hành đào đắp, xây dựng trận địa. Cùng thời gian đó, dưới sự chỉ đạo của Thượng úy Hoàng Bảo, các học viên Trường Sĩ quan Phòng không gấp rút chế tạo hai bộ khí tài giả bằng tre cót có đủ 12 bệ phóng, sơn màu xám, đính những tấm tôn mạ kẽm sáng choang làm “mặt phản xạ” để địch dễ trinh sát.

Đúng như dự đoán, khoảng 15 giờ ngày 24-7-1965, nhiều tốp máy bay địch trong đội hình bay đường dài (do chưa có sự đề phòng hỏa lực tên lửa) từ hướng tây Hà Nội bay về khu vực ta bố trí trận địa. Khi chúng vào phạm vi hỏa lực, những “con rồng lửa” bất thần lao vun vút tìm tốp máy bay bốn chiếc F-4C ở độ cao trên 7.000m. Trong tích tắc, mục tiêu bị diệt gọn. Khi nhân dân còn vui mừng đón nhận chiến thắng thì các tiểu đoàn tên lửa được cơ động đến vị trí mới. Theo kế “chuồn chuồn thoát xác”, trận địa Vô Khuy, Chùa Ghề được bố trí hai bộ khí tài giả do Hoàng Bảo chuẩn bị trước đó.

Quá bất ngờ vì máy bay bị tiêu diệt ở độ cao lớn, ngày 26-7-1965, địch liên tiếp cho máy bay BQM-34A và RF-101 vào do thám nhưng bị Tiểu đoàn 64 (ở trận địa mới) bắn rơi tại vùng núi rừng Thanh Sơn. Ngày 27-7-1965, ngay sau khi hai chiếc RF-101 trinh sát được mục tiêu bay về căn cứ, Giôn-xơn lập tức quyết định cho sử dụng 50 máy bay (các loại) cất cánh từ Thái Lan vào đánh hủy diệt “hai trạm tên lửa Suối Hai”. Nào ngờ chúng đã sa vào thế trận phục kích của súng, pháo phòng không ba thứ quân của ta và chịu thiệt hại nặng nề với 5 máy bay rơi tại chỗ. Thảm cảnh đó được Lầu Năm Góc tóm lược: “Kết quả oanh tạc vào hai căn cứ tên lửa ở tây bắc Hà Nội hiện đang bị những điều bí ẩn bao trùm”!

Tên lửa giả “ra-cót” sau này được bộ đội ta sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo, góp phần lập nên nhiều chiến thắng giòn giã làm nức lòng quân dân. Nó khẳng định, khi trí tuệ, tinh thần của con người được truyền vào vũ khí sẽ luôn tạo nên sức mạnh phi thường.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC HOÀI