Cuối năm 1953, Đội TNXP 34 làm nhiệm vụ mở đường và bảo đảm giao thông trên tuyến đường dài gần 200km từ Suối Rút (Hòa Bình) đến cây số 31 Tuần Giáo đi Điện Biên. Các tuyến đường đều được yêu cầu làm nhanh chóng và bí mật. TNXP trở thành lực lượng sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, tham gia trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng như mở đường, rà phá bom các loại và san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt; tổ chức vận chuyển lương thực, vũ khí, chăm sóc thương binh...

Ông Danh kể: “Hồi đó, núi rừng Tây Bắc còn hoang sơ, cây cối rậm rạp. Chiều tối chập choạng, trời âm u và rét, đơn vị của tôi đang gồng gánh lương thực, vật chất hậu cần vượt đèo. Đường dốc cheo leo, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Bỗng một con cọp rừng ở đâu lao tới, định vồ lấy tôi. May mắn tôi nhanh trí lùi lại, xoay người, con cọp chỉ vồ được đôi gánh và lao xuống vực. Thoát được móng vuốt của cọp trong gang tấc, tôi hô hoán: “Có cọp, có cọp anh em ơi!”. Tất cả mọi người xúm lại, soi đèn và châm đuốc, chỉ kịp thấy bóng dáng con cọp nhanh chóng vùng dậy rồi lao vào rừng sâu. Lại có lần, đơn vị tôi đi gánh gạo. Đã nhiều hôm trời đổ mưa, đường trơn, đất ngấm nước lâu ngày nên sạt lở. Tôi đi trước, bỗng dưới chân chao đảo, đất sụt lún, bao gạo đang vác trên vai rơi xuống vực, hai chân bị chôn chặt dưới bùn đất, lôi mãi mới lên. Trong khi đó, một mảng lớn đất đá trên núi sạt xuống, có hai đồng đội trong đơn vị đi sau, không may bị vùi lấp. Cả đơn vị gào thét, cố gắng đào bới đất đá cứu đồng đội nhưng không kịp. Họ đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân ở Tây Bắc...”.

leftcenterrightdel

 Ông Nguyễn Đình Danh và em gái Nguyễn Huyền Cơ. 

Đầu năm 1954, nhằm ngăn chặn ta mở đường, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch ngày càng đánh phá ác liệt. Chúng đánh vào những nơi xung yếu như đầu mối giao thông, cả trên bộ và trên sông. Đối với những trọng điểm như Cò Nòi (Sơn La), chúng giội đến hàng trăm quả bom mỗi ngày. Nhiều lần, ông Danh thoát chết thần kỳ trước làn mưa bom của địch. Có ngày, ông cùng anh em trong đơn vị đang làm đường, địch bất ngờ giội bom. Ông Danh ở vị trí xa đội hình, chạy sau tìm chỗ ẩn nấp nhưng không kịp. Quả bom rơi cách chỗ ông một quãng không xa, hất ông ngã dúi dụi, bị đất vùi lấp. Ngớt trận bom, các anh em trong đơn vị hốt hoảng chạy lại, nghĩ ông đã hy sinh, nhưng ông lồm cồm bò dậy, may mắn người chỉ sây sát nhẹ.

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, các đơn vị bộ đội, dân công lần lượt hành quân về xuôi, Đội TNXP 34 nhận nhiệm vụ ở lại cùng một số đơn vị hậu cần của Quân đội thu dọn chiến trường và hành quân ngược lên biên giới Lai Châu-Trung Quốc làm đường chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch mới. Đến năm 1957, ông Danh mới trở về quê. Lúc ông Danh đi TNXP, em gái mới 2 tuổi, còn bế trên tay, khi ông trở về thì em gái đã lớn phổng. Bà Nguyễn Huyền Cơ, em gái ông Danh, kể: “Anh ấy đi biền biệt 5 năm, không thư từ, không tin tức, gia đình ở quê nhà những tưởng anh đã hy sinh. Ngày anh Danh về, mặc bộ đồ TNXP, cả nhà ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Lúc anh đi, các em còn bé, chưa nhớ mặt anh trai nhưng qua lời kể của bố mẹ đều rất nhớ thương, thấy anh về thì vui lắm, chạy ra ôm chầm lấy anh”.

Trở về quê, ông Danh học y tá, được kết nạp Đảng và chuyển sang công tác tại Trạm Y tế xã, rồi nghỉ hưu. Nay ở tuổi 97 và đã có 60 năm tuổi Đảng, cựu TNXP Nguyễn Đình Danh luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, phát huy hào khí Điện Biên Phủ, động viên gia đình, con cháu góp sức xây dựng xóm làng, quê hương.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ