Những gì diễn ra trong thời khắc cuộc chiến tranh vừa kết thúc đã được ông ghi chép cẩn thận: Ngày 30-4-1975 đối với tất cả chúng tôi là một ngày rất dài. Sáng sớm đã bị đánh thức bởi tiếng gầm rú của những chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, chở những người lính hậu vệ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn. Trong đó có cả Đại sứ Mỹ G.Mác-tin (Graham Martin), người vẫn cố kiên trì làm người cuối cùng lên máy bay. Ông ôm chặt cái túi xách cùng lá cờ nhiều sao và vạch mà trước đó còn đặt cạnh bàn làm việc trong văn phòng của ông, và cũng biến mất với số người Mỹ còn lại, bay ra biển. Chính trong lúc này, đoàn xe tăng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội miền Bắc Việt Nam từ ngoại thành đang tiến đến các điểm trọng yếu tiếp quản quyền lực: Dinh thự, đài phát thanh, thượng viện, ngân hàng quốc gia, Bộ Quốc phòng.
Đoàn phóng viên quốc tế được bố trí đi trên một chiếc xe Jeep và họ không tin vào mắt mình khi thấy một chiếc xe tăng có cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đột ngột xuất hiện rồi biến mất sau tầm nhìn trên một con phố trung tâm. Rồi ngay sau đó, khi chiếc xe tăng kế tiếp xuất hiện, mọi nghi ngờ của các nhà báo quốc tế đều tan biến và cùng thốt lên: “Sài Gòn, đó là thời khắc số 0”.
Và trong thời khắc số 0 đó, nhà báo Gien Nan-tốp đã nhanh chóng tiếp cận với lực lượng giải phóng. Gien Nan-tốp viết: Trước mắt chúng tôi là vô vàn hình ảnh: Các chiến sĩ từ mọi phía dồn dập tiến quân vào thành phố. Rồi như đập nước đã vỡ, hết đoàn xe tăng này đến đoàn xe tăng khác lũ lượt gầm rú tràn vào Sài Gòn. Trên cầu cảng mới qua con đường chính dẫn vào Sân bay Tân Sơn Nhất, khắp mọi nơi đều thấy cờ trắng xuất hiện tại các hành lang và cửa sổ. Đường phố đông đặc người, không nhà cửa nào có thể chứa hết. Lớp thanh niên nô nức đi theo các đoàn xe, đoàn xe quân đội bị các xe gắn máy vây quanh ở mọi phía. Trên các tháp xe tăng, các chiến sĩ trong quân phục màu xanh lá cây giương cao nắm tay và miệng cười rạng rỡ. Giờ phút giải phóng có dáng vóc như thế đấy!
Cũng trong hướng đó, binh sĩ của quân đội Sài Gòn đi thất thểu, xếp thành hàng dài trên lề đường. Một số còn mặc quân phục và đội nón sắt, số khác đã vứt bỏ tất cả. Họ lê bước đi vào thành phố cùng với những người chiến thắng. Những trận chiến cuối cùng dọc theo sông Sài Gòn đã kết thúc vào buổi chiều. Những ổ kháng cự cuối cùng đã bị dập tắt. Ngay cả quân dù lẩn trốn trong một nhà máy sửa chữa tàu thủy cũng đã đầu hàng. Một sự yên tĩnh mệt mỏi bao trùm lên sông Sài Gòn. Giờ phút thất bại có dáng vóc như thế đấy!
Trong những tuần lễ đầu tiên, các nhà báo quốc tế hầu như chỉ chú ý đến những người cầm quyền mới. Họ ngồi trong trụ sở các bộ và làm việc cật lực. Họ ngủ ngay trong phòng làm việc và tiếp tục làm việc vào sáng sớm hôm sau. Rõ ràng đây là một công việc phi thường. Trong thời gian ngắn phải phác thảo một kế hoạch tổng thể cho cơ quan quản lý hành chính Trung ương mới. Sau đó mấy ngày, các chuyên viên đầu tiên từ Hà Nội vào đây. Và sau 3 tuần lễ đã có hơn 2.000 chuyên viên có trình độ cao đến từ miền Bắc Việt Nam. Đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ công tác. Bản thân họ đã luôn nỗ lực...
Trong 3 tuần lễ ở Sài Gòn, chứng kiến, trải nghiệm ở một thành phố bắt đầu lại từ “thời khắc số 0”, ra khỏi cuộc chiến tranh và bắt đầu cuộc sống mới, Gien Nan-tốp đã kết thúc bài ghi chép đăng trên tờ Information một tháng sau đó bằng lời ngỏ: Những con người phi thường đang đứng đây. Các bạn hãy ngắm nhìn họ đi!...
TRANG THANH (Theo “Thành phố Hồ Chí Minh, Giờ khắc số 0-Những phóng sự về kết thúc chiến tranh 30 năm”, NXB Thời đại, 2010)