Nơi vết thương được chữa lành

Chúng tôi gặp Ted khi ông đang mê mải “gom” cảnh vật và con người quanh Hồ Gươm, Hà Nội qua các khuôn hình. Mỗi lần bấm máy là mỗi lần người cựu binh Mỹ nở nụ cười hài lòng vì đã thỏa mãn được khao khát cháy bỏng.

Ted sinh năm 1947. Tháng 3-1968, Ted-trung sĩ trong không lực Hoa Kỳ bị buộc phải tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Từ tháng 3 đến tháng 6-1968, Ted là thành viên đội kiểm soát không quân chuyển tiếp, chỉ đạo các cuộc không kích ở phía bắc Sài Gòn. Sau đó được điều vào đội cố vấn số 55, hỗ trợ các binh lính của ngụy quyền. Đến tháng 3-1969, ông may mắn được trở về quê hương.

leftcenterrightdel
Cựu binh Mỹ Ted Engelmann.

Tuy chỉ ở Việt Nam một năm, nhưng những ảnh hưởng cảm xúc tâm lý trước ranh giới sinh tử của chiến tranh, các hành động tàn sát, giết chóc vô nhân tính đã trở thành ác mộng hằng đêm, một niềm ân hận day dứt, một vết thương luôn rỉ máu trong trái tim Ted. Điều này đã thôi thúc Ted quay lại Việt Nam để sẵn sàng đối diện với chính mình và tội ác ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp cùng quân đội Mỹ gây ra trên mảnh đất yêu chuộng hòa bình này. Ted cho biết: Đầu năm 1989, lần đầu tiên tôi “dám” trở lại Việt Nam. Tôi nghĩ, những gì chúng tôi gây ra trong chiến tranh sẽ khiến nhân dân Việt Nam căm thù và sẵn sàng trút giận lên đầu bất cứ người Mỹ nào.

Tuy nhiên, hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của Ted, đất nước và con người Việt Nam mở rộng vòng tay đón Ted. Đặc biệt hơn, khi ông trình bày rằng: “Tôi từng là lính Mỹ tham chiến ở chiến trường Việt Nam và tôi rất ân hận vì điều đó” với những cựu chiến binh hay người Việt Nam ông gặp thì không ai tỏ thái độ thù hằn, ghét bỏ mà trái lại còn chia sẻ sự tha thứ cho các hành động lỗi lầm trước kia của Ted. Lòng khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam đã giúp Ted ổn định tâm lý cũng như chữa lành vết thương trong tim và căn bệnh “hội chứng chiến tranh ở Việt Nam”. Chính vì vậy, từ đó đến nay, Ted đã đến Việt Nam hơn 20 lần.

Tâm nguyện của Ted

Từ nhỏ, Ted đã rất yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, Ted đã chụp gần 400 bức ảnh. Năm 1989, lần đầu đến Việt Nam, Ted đã rung động trước sự sôi động, duyên dáng, nhân ái và vị tha của đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, ông có ý tưởng xây dựng một quyển hồi ký bằng ảnh có tựa đề “One solider’s heart: Emotional wounds of war” (Trái tim một người lính: Những tổn thương tâm lý trong chiến tranh).

leftcenterrightdel
Trí và Trang bên hồ Ngọc Hà, Hà Nội năm 2019 và 1989. Ảnh: TED ENGELMANN.

Cho tôi xem những bức ảnh, Ted giới thiệu: Đây là hai anh em ruột, Trí và Trang mà tôi vừa gặp. Còn đây là Trí và Trang vào năm 1989. Năm 1989, tôi đến làng hoa Ngọc Hà và bị thu hút bởi đôi mắt sáng, đôi má bầu bĩnh, nét hồn nhiên của hai bé nên đã chụp hình. Năm 2005, được các bạn Việt Nam tìm giúp, tôi gặp lại được hai bé. Lúc đó Trang và Trí đã là thanh niên, nhà cửa và khung cảnh đều thay đổi. Lần này gặp lại, Trang đã lấy chồng và có cậu con trai một tuổi rưỡi. Trí mở một công ty riêng về xây dựng. Mỗi lần gặp lại các em, tôi cảm nhận được sự thay đổi, phát triển đi lên của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, lòng tôi rất vui và hạnh phúc.

Sau chiến tranh, Ted là nhiếp ảnh gia, nhà sư phạm và cây bút tự do. 30 năm qua, Ted đã chụp hàng nghìn bức ảnh về Việt Nam thời hậu chiến - một Việt Nam có sức sống mãnh liệt và phát triển. Ted tâm sự:

- Những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam đều bị rối loạn chấn thương tinh thần. Thời gian qua, tôi đã đem các bức ảnh tôi chụp ở Việt Nam qua các thời kỳ chiến tranh và hòa bình để truyền đạt cho các cựu binh Mỹ những cảm nhận tình yêu của tôi với Việt Nam như: Người Việt Nam luôn thân thiện, cởi mở, tốt bụng; mảnh đất này thật đẹp, đồ ăn thật ngon. Từ đó giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh của bóng ma chiến tranh, tự tha thứ cho bản thân khi nhìn thấy một Việt Nam đổi mới, hòa bình và rộng mở.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ