Ban liên lạc tình nghĩa điệp báo Nam Bộ cứ “vơi dần” theo quy luật khắc nghiệt của thời gian. Nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn cũng đã chia tay đồng đội đi xa mãi mãi 13 năm trước. Và giờ đây, Đại tá Nguyễn Nho Quý nhớ về mùa xuân năm ấy, lần đầu tiên ông móc nối với Phạm Xuân Ẩn, khi nhà tình báo chiến lược đi học ở Mỹ về…
Tháng 11-1959, Nguyễn Nho Quý với tên gọi mới là Mười Nho, được lệnh trở về Xứ ủy Nam Bộ phụ trách tình báo chiến lược, dưới quyền của Trưởng ban Tình báo Xứ ủy Mai Chí Thọ (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau đổi tên là Bộ Công an). Thời kỳ này, sau vụ vỡ lưới tình báo năm 1958 do Diệm-Nhu-Cẩn đánh phá gắt gao, đa số điệp viên của ta hoặc bị địch bắt, hoặc đang náu mình chờ bắt liên lạc. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của Mười Nho và ban tình báo là rà soát, lựa chọn những cán bộ tình báo trong kháng chiến chống Pháp còn ẩn dật để tổ chức bộ phận điệp báo chiến lược.
Đầu năm 1961, chị Tám Thảo (tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung) công tác ở nội thành Sài Gòn báo với Mười Nho là đang học tiếng Anh thầy giáo Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo đi học ở Mỹ mới về cuối năm 1959, hiện đang làm việc cho hãng thông tấn Reuters. Tám Thảo biết nhà báo này từng tham gia phong trào sinh viên hồi kháng chiến chống Pháp. Nhưng chị không hay biết rằng, năm 1952, Phạm Xuân Ẩn đã vào Chiến khu Đ gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ và được giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Năm 1954, anh làm ở phòng chiến tranh tâm lý của quân đội viễn chinh Pháp. Năm 1957, anh được đồng chí Mai Chí Thọ và Mười Hương (Trần Quốc Hương, sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) chỉ đạo sang Mỹ học ngành báo chí để về nước phục vụ cách mạng. Phạm Xuân Ẩn mang bí số X6 với tên mới Trần Văn Trung-Hai Trung. Mười Nho bèn viết một bức thư giao cho Tám Thảo đưa đến tận tay mời Hai Trung lên Bời Lời (căn cứ của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Nóng lòng muốn nối liên lạc lại với tổ chức, Hai Trung nhận lời ngay. Theo quy định, về mặt chuyên môn, bộ phận tình báo chiến lược xứ ủy chịu sự chỉ đạo của Ban Tình báo Xứ ủy, nhưng về tổ chức đảng lại trực thuộc sự quản lý của Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định lúc bấy giờ là đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Nghe Mười Nho báo cáo, đồng chí Võ Văn Kiệt nói:
- Về Hai Trung, hồi trước anh Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) và Phạm Ngọc Thạch có nói chuyện với tôi. Vậy cậu báo với anh Tám Cao (Mai Chí Thọ, thời điểm này đang làm Bí thư Khu ủy miền Đông) đến để chúng ta cùng gặp luôn.
Lúc này đã giáp Tết Tân Sửu 1961. Người dân Sài Gòn nhộn nhịp mua sắm đón năm mới, nhưng ở căn cứ Bời Lời vẫn yên ắng như vốn có. Đời sống cán bộ căn cứ hồi đó vô cùng kham khổ, thiếu thốn. Anh Hai Thương (Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thương) lúc này đang làm bảo vệ riêng cho Mười Nho, đi nhủi được ít cá về kho làm bữa trưa “chiêu đãi” nhà báo quốc tế từ Sài Gòn xuống và để mọi người ăn Tết sớm.
Hai Trung đến căn cứ trong bộ y phục kiểu Tây, đúng với dáng điệu của một nhà báo quốc tế. Anh ôm chầm các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm (Phó trưởng ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an), Mười Nho. Anh xúc động bởi bao nhiêu năm hoạt động đơn tuyến trong lòng địch với những biến động thời cuộc, nay mới được gặp lại các đồng chí thân yêu của mình. Anh báo cáo về chặng đường đã trải qua kể từ lúc lên đường sang Mỹ học, đến tin tức về những người chỉ huy của mình trước đây đã bị rơi vào tay địch. Trở về nước cuối năm 1959, anh không khỏi lo lắng nhưng vẫn rất tin tưởng ở tổ chức đảng. Sau một thời gian chờ đợi, xét thấy mình chưa bị lộ bởi sự kiên trung tuyệt vời của các đồng chí trong nhà lao của giặc, lại thêm tấm bình phong khá vững chắc, anh đang có trong tay nhiều thông tin tối mật nên rất nóng lòng nối liên lạc với tổ chức để đóng góp cho cách mạng. Anh thân thiết với Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của ngụy quyền Sài Gòn. Với vỏ bọc là nhà báo được đào tạo từ Mỹ, Hai Trung có thể tiếp cận với các chính khách, tướng lĩnh cao cấp, sĩ quan Mỹ, kể cả CIA và đến những nơi rất ít người có thể đến được. Các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Mười Nho đánh giá Hai Trung có những vị thế của một tình báo viên ngang hàng với điệp viên tầm cỡ quốc tế. Khu ủy giao nhiệm vụ cho Mười Nho bằng mọi giá phải giữ vững liên lạc với Hai Trung và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho anh.
Đó là mùa xuân đáng nhớ, một cuộc trùng phùng mang dấu ấn lịch sử của ngành tình báo chiến lược. Bắt đầu từ đây, Mười Nho nhận được các tài liệu tuyệt mật vô cùng quan trọng của Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn do X6-Hai Trung cung cấp, đánh dấu sự trỗi dậy của ngành tình báo Nam Bộ. Những tài liệu đó giúp ích rất nhiều cho bộ thống soái tối cao của Đảng chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Với bản lĩnh vững vàng, trí thông minh và tài ứng biến trong mọi tình huống, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn trở thành một trong những điệp viên huyền thoại của tình báo quốc phòng Việt Nam, được thế giới ngưỡng mộ.
Cũng từ ngày gặp nhau ở căn cứ Bời Lời, để giữ bí mật tuyệt đối, Phạm Xuân Ẩn chỉ liên lạc với Mười Nho qua Tám Thảo, sau này là chị Nguyễn Thị Ba. Rồi Mười Nho ra Bắc, làm việc ở Tổng cục II. Cuộc trùng phùng của họ diễn ra lần thứ hai tại TP Hồ Chí Minh năm 1975, khi đất nước đã thống nhất.
Lại một mùa xuân đến với nhà tình báo quê Quảng Nam trung dũng, kiên cường. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đời lầm than nô lệ, trong nỗi đau chia cắt đất nước, ký ức khó quên nhất, khó phai mờ nhất đối với Đại tá Nguyễn Nho Quý là khoảnh khắc trong ngày vui đại thắng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Từ năm 1975 đến nay, biết bao điệp viên cách mạng trong 4 cụm tình báo Nam Bộ mà ông góp phần gây dựng từ buổi đầu đã được vinh danh. Cụm tình báo Phú Hòa Đông (Củ Chi) do ông kiêm nhiệm làm cụm trưởng, ngoài Phạm Xuân Ẩn, cả hai liên lạc viên là Nguyễn Thị Ba và Tám Thảo đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Riêng ông về hưu vẫn sống cuộc đời bình dị như bao công dân của Thành phố mang tên Bác, tự hào vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho những mùa xuân lịch sử của đất nước.
HỒNG SƠN