Cụ Bạch Thái Bưởi không phải là con nuôi người Trung Quốc
Cụ Bạch Thái Bưởi là một trong 4 doanh nhân tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” do có công trong việc chấn hưng tinh thần kinh doanh của dân tộc (3 người còn lại là các cụ: Trịnh Văn Bô, Lương Văn Can và Nguyễn Sơn Hà).
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được nhiều người biết đến với các danh xưng như: "Vua tàu thủy Việt Nam", "Chúa sông Bắc Kỳ" và "Vua mỏ nước Việt". Cụ cũng là người ôm khát vọng từ đầu thế kỷ 20: “Làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.
    |
 |
Ông Bạch Thái Hải cùng vợ và con gái. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp |
Đã có nhiều cuốn sách, nhiều bài báo viết về nhà đại tư sản Bạch Thái Bưởi lý giải việc cụ đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch vì làm con nuôi một gia đình giàu có họ Bạch ở Trung Quốc. Thế nhưng theo chị Bạch Quế Hương, chắt nội và là người đang thờ cúng cụ Bạch Thái Bưởi thì không phải như vậy. Chị Quế Hương cho chúng tôi xem nhiều kỷ vật, tư liệu về gia đình cụ Bạch Thái Bưởi và khẳng định: Cụ nội của chị nguyên gốc người họ Đỗ ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (trước đây), nay là phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Thuở bé, tên của cụ là Đỗ Thái Bửu. Cha của cụ là thầy đồ ở quê có tên là Đỗ Văn Cóp. Do cha mất sớm nên cụ Bửu và hai người em là Đỗ Thái Sơ và Đỗ Thị Chinh ở với mẹ là Nguyễn Thị Bạng. Nhờ chí lớn, Đỗ Thái Bửu xin đi giúp việc cho các hãng buôn của Pháp ở Tràng Tiền, đồng thời học cách kinh doanh, học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ rồi mở mang sự nghiệp kinh doanh. Chị Hương chia sẻ: "Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, lúc lập nghiệp, cụ vẫn dùng tên Đỗ Thái Bửu cho đến khi làm nên sự nghiệp, thành danh trên thương trường. Để đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và khắc ghi những tháng ngày gian khó, cụ đã đổi họ thành Bạch-mang ý nghĩa là từ hai bàn tay trắng mà cụ làm nên sự nghiệp lớn".
Sau này, người em trai của cụ là Đỗ Thái Sơ và người em gái Đỗ Thị Chinh cũng đổi sang họ Bạch theo anh trai. Hằng năm vào ngày giỗ tổ họ Đỗ, con cháu cụ Bạch Thái Bưởi vẫn về làng Yên Phúc thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Chị Quế Hương kể lại: “Theo những người già quen biết gia đình ở Hải Phòng, đám tang cụ tôi lớn nhất thời bấy giờ ở Hải Phòng. Người đưa đám kéo dài hàng ki-lô-mét. Trong đó có những người lao động nghèo từng được cụ giúp đỡ ở các tỉnh, biết tin cụ mất cũng kéo về”. Mộ của cụ Bạch Thái Bưởi nằm trên một quả đồi của gia đình ở Uông Bí, Quảng Ninh. Bởi trước đó, sự nghiệp của cụ gắn chặt với vùng đất này. Năm 2003, gia đình chị Quế Hương đã di chuyển mộ doanh nhân Bạch Thái Bưởi về quê là khu Văn Quán, Hà Đông. Mộ của cụ được thiết kế hình con tàu, như cuộc đời cụ, một con người luôn luôn có khát vọng vươn ra biển lớn…
Khởi xướng Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Ít ai biết rằng khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" quen thuộc và đã trở thành phong trào rộng lớn mấy thập kỷ qua lại xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỷ 20 bởi nhà tư sản ái quốc, doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Khi đó, dịch vụ vận tải đường sông là lĩnh vực độc quyền của tư bản người Hoa và người Pháp, còn đối với người Việt, đó là "vùng cấm". Nhưng bằng lòng quả cảm, quyết tâm không chịu thua kém doanh nhân nước ngoài, Bạch Thái Bưởi đã thuê lại 3 chiếc tàu của người Pháp, kêu gọi sự ủng hộ của chính đồng bào mình để đi tàu của ông, “Người Việt hãy đi tàu Việt”. Lời kêu gọi đó đã trở thành sức mạnh. “Tàu Bưởi” đã chiến thắng tàu Hoa, tàu Pháp. Sau lĩnh vực vận tải, cụ cũng thành công trong cả các lĩnh vực đóng tàu, khai thác mỏ… Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã trở thành nguồn cảm hứng xuyên thế kỷ cho phong trào khởi nghiệp của đội ngũ doanh nhân Việt. Phong trào “Chấn hưng thương trường và cổ động thực nghiệp” mà cụ và các cộng sự của mình phát động trong những năm đầu thế kỷ trước vẫn vẹn nguyên giá trị trong những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp thời nay”.
Con cháu cụ Bạch Thái Bưởi sau này mỗi người một chí hướng nhưng vẫn luôn giữ nếp gia phong. Khi cho tôi xem bản tóm tắt lý lịch người cha của mình, chị Bạch Quế Hương tự hào nói: “Bố tôi, Thượng úy Bạch Thái Hải là cháu đích tôn của cụ Bạch Thái Bưởi. Cả bố và mẹ tôi đều đã từng công tác ở Báo QĐND. Trong những năm chống Mỹ ác liệt, tôi được các cô, các chú của báo đưa về trại trẻ ở Bắc Giang chăm sóc và học tập tại đó để bố mẹ yên tâm công tác tại tòa soạn”. Rồi chị còn cho tôi xem giấy viết tay của ông Bạch Thái Hải (có xác nhận của Sở Tài chính Hải Phòng) nhờ Sở Tài chính Hải Phòng giữ hộ nhà ở của ông ở Hải Phòng để ông yên tâm công tác trong quân đội.
Theo hồ sơ của Thượng úy Bạch Thái Hải thì ông sinh năm 1928, tham gia cách mạng từ tháng 9-1945. Đến tháng 11-1946, ông được tuyển dụng vào làm việc ở Phòng Chính trị Công an Bắc Bộ. Ông nhập ngũ ngày 1-1-1948, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như tình báo, cán bộ văn hóa… trước khi trở thành phóng viên của Báo QĐND năm 1957. Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao kể rằng, trước khi nghỉ hưu (năm 1981), Thượng úy Bạch Thái Hải phụ trách Ban Tư liệu của Báo QĐND. Ông là người có tri thức uyên thâm, rất giỏi tiếng Pháp và còn nói được tiếng Nga.
Bà Nguyễn Thị Kim Quý, vợ của Thượng úy Bạch Thái Hải năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Bà nhớ như in thời điểm hơn 60 năm trước, đám cưới của ông bà được tổ chức tại tòa soạn Báo QĐND (số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội). “Lúc đó, tôi là nhân viên nấu ăn thuộc Phòng Hành chính-Trị sự của báo, còn anh ấy là phóng viên. Đám cưới được tổ chức theo đời sống mới có bánh kẹo, thuốc lá rất vui. Các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo đều đến dự và chúc mừng vợ chồng tôi”. Bà Quý sau đó được chuyển ngành về Phòng Thương nghiệp khu phố Đống Đa (nay là quận Đống Đa, TP Hà Nội), còn ông Bạch Thái Hải vẫn tiếp tục gắn bó với Báo QĐND cho đến lúc nghỉ hưu.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ