Qua câu chuyện của họ, bên cạnh hình dung về một vị tướng quân sự tài ba, chúng tôi còn được biết đến câu chuyện tình đặc biệt giữa ông và phu nhân, cũng là một nhà cách mạng lão thành-bà Phạm Thị Trinh (1916-2019). Năm ấy, vì lý do sức khỏe nên bà Phạm Thị Trinh không thể có mặt tại lễ tưởng niệm. Nhưng sau đó khi tiếp chúng tôi tại tư gia, từ những dòng ký ức không còn mạch lạc nhưng rất rõ ràng của mình, bà đã bổ sung cho chúng tôi nhiều thông tin giá trị để thực hiện bài viết của mình về tướng Nguyễn Chánh, cũng như mối tình của hai người luôn hằn sâu trong tâm trí bà.

Mối tình nảy nở trong tù ngục

Nguyễn Chánh và Phạm Thị Trinh đều là những người con của quê hương Sơn Tịnh, Quảng Ngãi nên trước khi cùng hoạt động trong một tổ chức thì họ đã biết về nhau. Bà Trinh có người anh trai tên Sáu Tân, là bạn thân cùng hoạt động với Nguyễn Tải-anh trai ruột của Nguyễn Chánh. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Chánh làm công tác tuyên truyền cho Phân ban Bắc Trà (phía bắc sông Trà Khúc) của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bấy giờ Tỉnh ủy tuyển một số thanh niên làm công tác tuyên truyền, trong đó có Phạm Thị Trinh. Là cô gái nông thôn không được học hành nhiều, tính lại hay lo nên Trinh rất lúng túng. Người quen nhất ở ban là đồng chí Nguyễn Chánh nên Phạm Thị Trinh cứ bám lấy mà hỏi han. Nhưng càng nghe, thấy công việc mình sắp làm lớn lao quá, lại bị một số đồng chí đi trước “dọa” nên Trinh càng hoảng. “Đừng lo, chúng mình sẽ giúp nhau. Ban đầu khó, sau quen dần chứ ai tài giỏi sẵn đâu. Các anh ấy trêu chứ trai gái đều như nhau. Đảng ta không phân biệt, nam nữ đều bình đẳng, bình quyền”, lời động viên ấy của anh Chánh trong những ngày đầu đi làm cách mạng tôi nhớ mãi, mà cũng nhờ sự hướng dẫn của anh mà tôi dần trưởng thành”, bà Trinh nhớ lại.

leftcenterrightdel
Vợ chồng đồng chí Nguyễn Chánh và các con tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, năm 1952. Ảnh tư liệu

Từ những người đồng chí cùng lý tưởng mà tình yêu lứa đôi đã dần nảy nở. Và tình yêu ấy đến trong một hoàn cảnh thật đặc biệt, khi hai người cùng bị giam trong nhà tù của đế quốc. Tháng 2-1931, sau Tết Nguyên đán hai ngày, lính lê dương kéo đến, nổ súng tấn công xóm Phái Nhì, xã Tư Cung. Chúng ra sức lùng sục, bắt bớ. Nhận định đã bị chỉ điểm, cơ sở bị lộ, đồng chí Nguyễn Chánh quyết định đưa đoàn công tác rời xã Tư Cung trên hai con thuyền để bảo toàn lực lượng tiếp tục đấu tranh và vận động nhân dân đối phó với kẻ thù. Nguyễn Chánh được Tỉnh ủy phân công về lại Sơn Tịnh cùng tổ công tác có cả Phạm Thị Trinh chỉ đạo cuộc biểu tình ngày 1-5-1931. Trong khi cuộc biểu tình ở các huyện đều bị ngăn chặn, khủng bố thì ở Sơn Tịnh diễn ra thành công. Tuy nhiên sau đó, tình hình Nghĩa Hành phức tạp, trên chỉ đạo Nguyễn Chánh tổ chức cuộc họp cốt cán để bàn sách lược. Cuộc họp bị lộ, địch bao vây nên Nguyễn Chánh bị bắt. Mặc dù không ký án nhưng đồng chí vẫn bị địch kết án hai năm tù. Ít lâu sau Phạm Thị Trinh cũng bị bắt. Cả hai cùng bị giam trong nhà lao Quảng Ngãi.

Do thừa hưởng khả năng thơ phú từ mẹ nên Nguyễn Chánh cũng ham thích và giỏi làm thơ. Trong tù, thấy Phạm Thị Trinh thích làm thơ nhưng không biết gieo vần hay hành luật nên Nguyễn Chánh giúp đỡ tận tình. Dần dần, Phạm Thị Trinh biết làm thơ. Trong cảnh tù đày, hai người trở thành đôi bạn tâm giao. Họ làm thơ và truyền lửa cho các đồng chí trong lao tù khiến bọn cầm quyền lo sợ đây là cách thức mà những người cách mạng nâng cao trình độ và tuyên truyền lý tưởng. Chúng sợ đến mức phải đe dọa, ra tù nếu còn làm thơ sẽ bỏ tù lại.

Sự nghi ngờ của kẻ thù cũng có phần đúng, nhưng chúng đâu biết rằng, đằng sau những vần thơ đầy nhiệt huyết cách mạng ấy còn có một tình yêu đẹp đang dần được nhen nhóm bất chấp sự lạnh lẽo, tăm tối và khổ hình tàn bạo của chốn tù ngục. Hai người bạn thơ-đồng chí, Nguyễn Chánh-Phạm Thị Trinh ngày càng hiểu nhau hơn. Nguyễn Chánh thấy nhớ giọng đọc thơ vụng về của cô gái có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn ẩn trong dáng người có vẻ nam tính. Còn Trinh cảm phục và thầm yêu "thầy giáo" của mình sau mỗi lần ông giảng giải cho bà về Đường thi, về cách làm sao đưa được lý tưởng vào thơ. Và rồi khi được ra tù trước, Nguyễn Chánh để lại câu thơ: “Bạn ơi bể cạn non mòn/ Mà ta với cuộc trần hoan vẫn chờ”, còn Phạm Thị Trinh nhắn lại rằng: “Tiễn đưa hồi hộp thức thâu đêm/ Về ở ta mình dạ chớ quên/ Họa khó nên vần trang vẫn trắng/ Thơ chưa thành thể mực còn đen/ Non sông ghi nhớ trang hào kiệt”.

Nhớ lời ước hẹn thầm kín ấy, Nguyễn Chánh một mực chờ đợi Trinh ra tù, bất chấp lời hối thúc của mẹ già ở nhà với khẳng định: “Con dâu của mẹ còn ở trong tù. Khi nào cô ấy được ra, con sẽ đưa về thưa chuyện với mẹ!”.

Duyên ngắn ngủi mà tình thiên thu

Một thời gian sau Phạm Thị Trinh cũng ra tù, nhưng cả hai không gặp được nhau ngay vì bị quản thúc tại gia. Thỉnh thoảng, hai người đi đò dọc sông Trà để được nhìn thấy nhau, tình cảm ngày càng sâu đậm. Trong một lá thư, Nguyễn Chánh bày tỏ lòng mình và ngỏ ý xin cưới Trinh. Nhưng họ lại vấp phải sự phản đối của gia đình hai bên bởi nỗi khổ trong nhà đều có ba, bốn người tù cộng sản. “Trong làng người ta xì xầm; “Trai tù lại lấy vợ tù, cả nhà tù tội”, rồi lại chê tôi “người gầy, đen, khô như con trai”... Vậy mà, bỏ qua những lời gièm pha đó, anh quyết tâm làm đám cưới với tôi", bà Trinh kể.

Nhưng chỉ 3 hôm sau ngày cưới, hai người phải cùng đến nhà tù thay cho "lễ lại mặt" như phong tục vì có kẻ tố cáo họ là cộng sản. Mấy ngày sau, do không đủ bằng chứng, cả hai được thả. Chỉ được yên ổn bên nhau một thời gian ngắn, một buổi chiều cuối năm 1939, Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên Nguyễn Chánh sau chuyến đi công tác về nhà chuẩn bị làm giỗ mẹ, trong lúc chờ vợ đi chợ thì bọn lính ập đến còng tay bắt đi. Ra đường gặp vợ, ông chỉ kịp nói gian ngắn “Tôi bị bắt”. Phải đến 16 ngày sau, đi dò hỏi khắp nơi bà mới được gặp chồng, hai tay bị xiềng chặt. Thấy cảnh ông bị quất roi tra tấn, người gầy ốm, bà trào nước mắt. Lúc này, ông bà đã có hai người con là Nguyễn Trực và Nguyễn Tuyết Minh.

leftcenterrightdel
Bạn bè, người thân của gia đình đồng chí Nguyễn Chánh tại Lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất của ông. Ảnh: TUẤN TÚ

 “Ba mẹ tôi thường hay xưng mình với nhau. Mẹ tôi sinh dày, lại vất vả vừa công tác vừa chăm con nên khi cha bị bắt bà ốm nặng, chân bị bại, mắt tự nhiên không nhìn thấy gì. Bà ngoại phải xuống đưa mẹ và hai chị em tôi về nhà chăm sóc. Biết mẹ ốm, ba viết thư cho mẹ, có đoạn: "Tôi muốn chia sẻ nỗi khổ với mình như những ngày tôi lén bà con chòm xóm, lén gia đình đi giặt quần áo cho mình trong lúc đêm khuya khi mình sinh đẻ. Thôi, đứng lên Trinh ơi! Tôi tin rằng người bạn tri kỷ, đáng tin cậy sẽ vượt mọi khó khăn để sống...". Có lẽ nhờ vậy mà mẹ cố gắng, mấy tháng sau dần hồi phục”, cô Tuyết Minh kể.

Chồng bị đi tù khổ sai, bản thân mới khỏi bệnh, nhưng Phạm Thị Trinh vẫn gồng gánh vừa nuôi con vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày đồng chí Nguyễn Chánh được ra khỏi nhà lao Huế, bà được tổ chức giao nhiệm vụ đi đón. Ở với gia đình được mấy tiếng đồng hồ, chưa kịp gặp các con, ông lại đi. Bà cũng gửi các con lại cho mẹ, cho chị dâu, ra cơ quan tỉnh nhận công tác. Cùng cơ quan nhưng do phải giữ bí mật, hai người không dám thân mật, nhận nhau là vợ chồng. Phải đến đêm họ mới giả vờ múc nước hộ cho nhau giặt quần áo để trò chuyện. Rồi ông về núi rừng Ba Tơ lãnh đạo đội du kích, bà trở về cơ sở để xây dựng các tổ chức quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, hòa trong niềm vui chung của cả nước, gia đình sum họp. Hai người có với nhau tất cả 6 người con, nhưng sinh ở 3 giai đoạn khác nhau của cách mạng. Ông ở chiến trường, bà công tác ở Tỉnh ủy, các con của họ sống trong vòng tay yêu thương của họ hàng, bạn bè. Sau ngày hòa bình lập lại, cả hai ra Thủ đô nhận công tác. Ông về Bộ Quốc phòng còn bà phụ trách công tác cán bộ ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Những tưởng ngày tháng bên nhau sẽ kéo dài từ đây, chẳng ngờ ông mắc bệnh nặng rồi đột ngột qua đời, lúc mới 43 tuổi. Khi ấy, bà Trinh đang học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, không kịp về gặp ông lần cuối.

Với tình yêu dành cho chồng và gia đình, vượt qua nỗi đau mất mát ấy, bà một mực ở vậy thờ chồng, tiếp tục công tác và nuôi dạy các con nên người. Nhà văn Nguyệt Tú, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, cùng công tác với bà Trinh từ ngày mới về nhận công tác đến khi nghỉ hưu, nhận xét: "Tôi thường xuyên làm việc cùng chị Trinh. Chắc có bối cảnh tương đồng nên được chị tâm sự nhiều. Tôi cũng có vài lần gặp anh Chánh. Tính chị Trinh thẳng thắn, kiên quyết nhưng khắt khe và hay tự ái. Trái lại, anh Chánh luôn dịu dàng, tế nhị, tình cảm và nền nếp. Mỗi người một cá tính nhưng cả hai rất hiểu nhau, luôn biết nhường nhịn, dung hòa để giữ lửa hạnh phúc”.

SONG THANH