Ở vùng đèo núi chiến lược này, Hoàng soái Tây Sơn đã nói với tả hữu:

- Nay ta tự tới đây, thân đốc thúc việc binh, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chỉ nội mươi ngày là có thể đuổi được người Thanh thôi!

Kèm với lời khẳng định chắc nịch về đại cuộc đánh giặc, cứu nước này, còn có một câu nhận định cụ thể về “nước cờ Tam Điệp”: “Cho giặc vào Thăng Long ngủ trọ một đêm rồi sẽ lại đuổi chúng đi” của Ngô Thì Nhậm trước đây.

- Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của quân Thanh, đành chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, bên trong thì khiến lòng quân phẫn khích, bên ngoài thì khiến lòng giặc kiêu căng. Đó là một kế rất hay. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ trương, lúc hỏi (Nguyễn) Văn Tuyết thì quả đúng như thế!

Việc “hỏi Nguyễn Văn Tuyết” của chủ soái Tây Sơn đã được sử sách cho biết: Đó là vào ngày 24-11 năm Mậu Thân, tức ngày 21-12-1788 dương lịch. Như vậy, Quang Trung đã có non một tháng (25 ngày, từ 21-12-1788 đến 15-1-1789) để hình thành tư tưởng quân sự-ý tưởng mở chiến dịch giải phóng Thăng Long, mà sau đấy sẽ có hai trận đánh then chốt, làm nên tên gọi của chiến dịch là Ngọc Hồi-Đống Đa.

leftcenterrightdel
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ tại Công viên văn hóa Đống Đa (Hà Nội), 2018. Ảnh: Vân Nhi

Nhưng chắc chắn, chỉ với 10 ngày đứng chân ở Tam Điệp (từ ngày 15 đến 25-1-1789, tức 30 tháng Chạp năm Mậu Thân-thời điểm phát lệnh mở màn chiến dịch), nhờ ở gần và trực tiếp nắm tình hình hoạt động của đối phương, việc “bài binh bố trận”(tổ chức chiến dịch) của Quang Trung mới được rạch ròi thành hình, chu đáo và cụ thể đến từng chi tiết, như sau:

1. Hai mươi chín vạn quân Thanh, dưới quyền chỉ huy của chủ tướng Tôn Sĩ Nghị, phó tướng Hứa Thế Hanh bên cạnh và cùng với sai lầm chết người (do mắc phải “nước cờ Tam Điệp” của Ngô Thì Nhậm) là: Đang ở thế chủ động ồ ạt tiến quân, bỗng khựng lại, thụ động trở thành một thế lực nhàn tản, và chờ… ăn Tết. Tuy nhiên, ở việc đóng quân, giặc cũng vẫn tỏ ra rất bài bản. Trong đó có thể thấy rõ là giặc đã chủ yếu chọn hướng đối phó (và sau khi ăn Tết xong thì tiến công) với đại quân Tây Sơn theo trục đường cái quan (bây giờ là Quốc lộ 1) và đích tập trung nhằm vào Tam Điệp.

Vì thế, cách “bài binh bố trận” của Quang Trung cũng là: Tạo một đội hình hành tiến-tấn công theo dạng thức của một “bàn tay (bên phải) xòe 5 ngón”, chủ yếu từ Tam Điệp, với:

- Trung quân-"ngón tay giữa" do chính Quang Trung chỉ huy; các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân… làm tiên phong; hậu bị-“hậu quân”-là lực lượng yểm trợ của Hán (Hô) Hổ hầu. Đạo Trung quân này gồm: Bộ binh, kỵ binh, tượng binh (với hàng trăm voi chiến), pháo binh (đại bác đặt trên lưng voi và đặc biệt là “hỏa hổ”-ống phun lửa)…; dùng đường cái quan để đi tới trận (đích) tấn công chủ yếu là Ngọc Hồi, sau khi đã xử lý xong các đồn trại tiền tiêu của giặc và trước khi tràn thẳng tới Thăng Long.

- Hữu quân: Gồm hai đạo quân thủy. Đạo “ngón tay đeo nhẫn” do Đô đốc Tuyết chỉ huy, dùng thuyền, đi đường biển tới Hải Dương, giải quyết (xử lý) đạo quân thủy của nhà Thanh, đang giữ vai trò tả quân của chủ tướng Tôn Sĩ Nghị mà đóng ở đấy. Đạo “ngón tay út” do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng dùng thuyền, đi đường biển, nhưng vòng xa hơn: Vào cửa Lục Đầu, chốt quân ở Phượng Nhãn (Bắc Giang), chẹn đường rút chạy về nước của đạo trung quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, một khi chúng bị đánh thua ở Thăng Long.

- Tả quân: Gồm hai đạo quân đánh bộ. Đạo “ngón tay trỏ” do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi đường tắt-song song, bên trái đạo trung quân-qua Sơn Minh (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội ngày nay) ra Đại Áng (thuộc huyện Thanh Trì ngày nay) phục sẵn ở đó, với ngựa chiến, voi trận, chờ đám tàn quân nhà Thanh ở đại đồn Ngọc Hồi, một khi bị đạo trung quân của Quang Trung đánh bại, xua chạy về vùng Đầm Mực (Quỳnh Đô-Thanh Trì) thì đổ ra tiêu diệt. Đạo “ngón tay cái” do Đô đốc Long chỉ huy, cơ động vòng xa về phía tây, dùng lại đường thượng đạo, tức đường lai kinh (chính là Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua Ninh Bình, Hòa Bình ngày nay), bí mật, bất ngờ đổ ra xử lý đạo quân Thanh của Sầm Nghi Đống đóng ở “xứ Đống Đa” (quận Đống Đa, TP Hà Nội bây giờ), rồi tiến lên, “thọc dao vào sau lưng” đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, phối hợp với đạo trung quân của Quang Trung, sau khi hạ xong đại đồn Ngọc Hồi thì tràn tới, “đánh vỗ mặt” vào phía trước đạo trung quân giặc.

2. Mở màn chiến dịch vào đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức ngày 25-1-1789 dương lịch, đạo trung quân-“ngón tay giữa” của Tây Sơn do Hoàng soái Quang Trung trực tiếp chỉ huy, trong hai ngày Mồng Một và Mồng Hai Tết Kỷ Dậu của giai đoạn đầu chiến dịch, đã hành tiến-chiến đấu dọc trên đường cái quan được hơn 60km (tức hai phần ba) chiều sâu của chiến dịch, đánh hạ, tiêu diệt gọn tất cả các đồn trại tiền tiêu của địch-bố trí ở Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo… trên đường tiến quân. Đến giữa đêm Mồng Ba Tết thì áp sát căn cứ Hà Hồi của giặc, bất ngờ và đồng loạt bật hồng, hò reo, dùng ánh sáng và tiếng động dữ dội uy hiếp, kết hợp với lời gọi loa dụ hàng, gọn gàng và nhanh chóng hạ nốt căn cứ này.

Hà Hồi ở phía trước và chỉ cách Ngọc Hồi hơn 6km! Hoàn toàn có thể từ đấy tiến đánh tòa đại đồn của quân Thanh này ngay trong sáng sớm mồng 4 Tết!

Nhưng điều đó đã không xảy ra! Suốt mồng 4 Tết, Quang Trung cho quân sĩ dừng lại, đóng trại tại chỗ mà ngày nay gọi là “Cánh đồng Cung”, ở mạn nam làng Hà Hồi!

Vì sao lại như vậy? Câu hỏi này đã được nhiều lần giải đáp là: Để cho quân ta được nghỉ ngơi, dưỡng sức, còn quân địch thì phải căng thẳng, mệt mỏi việc đối phó và đợi chờ giờ bị đánh!

Nhưng thật ra căn cốt nằm ở sự điều hành (điều phối) và chỉ huy chiến dịch. Cụ thể như sau: Đạo trung quân do đánh giỏi và có đường sá thuận lợi đã tiến quân nhanh quá! Vì thế, cần phải có ngày mồng 4 Tết để:

- Chờ đợi đạo tả quân thứ nhất-“ngón tay trỏ” của Đô đốc Bảo, khắc phục việc voi, ngựa cồng kềnh trên đường đất không thuận, kịp đến được và mai phục ở Đại Áng, để trực tiếp phối hợp với trung quân mà đánh trận Đầm Mực;

- Chờ đợi đạo hữu quân thứ nhất-“ngón tay đeo nhẫn” của Đô đốc Tuyết-đi thuyền và đi vòng đường thủy-kịp đến được Hải Dương để xử lý đạo thủy binh là cánh tả quân của giặc;

- Chờ đợi đạo hữu quân thứ hai-“ngón tay út” của Đô đốc Lộc-cũng đi thuyền và càng vòng xa hơn-kịp đến được Lục Đầu giang và chốt chặn đường tháo chạy về nước của trung quân Tôn Sĩ Nghị ở Phượng Nhãn;

- Đặc biệt là chờ đợi đạo tả quân thứ hai-“ngón tay cái” của Đô đốc Long-quân bài bí mật, bất ngờ, nhưng có vị trí và ảnh hưởng rất lớn đối với toàn chiến cuộc và chiến dịch, nhưng lại phải đi vòng đường núi xa nhất-kịp đến được vùng Khương Thượng, đánh trận Đống Đa, rồi tiến lên “thọc dao vào sau lưng” đại bản doanh và trung quân giặc.

Thực tiễn cụ thể của tình hình chiến sự ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, tức ngày 30-1-1789 dương lịch, đã cho thấy động thái dừng binh của đạo Trung quân Tây Sơn trước đại đồn Ngọc Hồi ngày mồng 4, là biểu hiện và kết quả của một sự điều chỉnh và chỉ huy chiến dịch nhịp nhàng, nhuần nhị, kịp thời và chính xác, của “nghệ thuật chiến dịch” Quang Trung và Tây Sơn, với những hiệu quả to lớn và thắng lợi hoàn hảo của chiến dịch "5 ngón tay" như lịch sử đã ghi nhận.

Giữa trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, cách những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019 này đúng 230 năm, Hoàng soái Quang Trung-với chiếc chiến bào đỏ sạm đen khói súng, dẫn đầu đại quân Tây Sơn, từ Ngọc Hồi-Đầm Mực, tiến đến cửa Nam thành Thăng Long. “Bỗng cổng thành (sửa là cửa ô, vì đây là chỗ cửa ô Đồng Lầm, tức Kim Liên sau này-TG) bật mở, cờ Tây Sơn hiện đỏ khắp mặt thành (sửa là mặt lũy). Đô đốc Long, từ trong thành, phi ngựa ra đón"-đó là lời thuật trong sách “Minh đô sử” của tác giả Vũ Phạm Hàm ở thế kỷ 19. Sách này viết tiếp những lời tung hứng rất khéo và cảm động giữa Quang Trung và Đô đốc Long.

Quang Trung: Ta là chủ soái mà đến chậm, sau nhà ngươi, thật lấy làm xấu hổ!

Đô đốc Long: Bệ hạ đem chính binh đánh mặt trước. Tôi dẫn kỳ binh vòng phía sau. Dám đâu so sánh với bệ hạ!

Vua tôi cùng cả cười, giữa quang cảnh, được nhà thơ đương thời là Ngô Ngọc Du ghi lại trong tác phẩm “Long Thành quang phục kỷ thực”:

Đầy thành già trẻ mặt như hoa

Chen vai thích cánh, cùng nhau nói:

Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta!

Đấy là những hình ảnh, cảnh tượng còn đọng lại mãi, vào lúc kết thúc một chiến dịch lịch sử, mà gọi tên theo mục tiêu của chiến dịch, thì đó là: “Chiến dịch giải phóng Thăng Long”; gọi theo đặc điểm thời gian diễn biến của chiến dịch, thì đó là: “Chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu 1789”; còn gọi theo tên những trận đánh chính của chiến dịch, thì đó là: “Chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa”.

Giáo sư LÊ VĂN LAN