Mà với ai ông cũng nhiệt tình và hài hước. Câu chuyện xung quanh chủ đề Tết xưa, Tết nay của tác giả “Góc sân và khoảng trời” với chúng tôi rôm rả mà cũng rất sâu sắc...

Tết là những ngày vui

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông quan niệm thế nào là Tết?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tết đối với tôi là những ngày vui. Chả thế, các cụ bảo: Vui như Tết. Và niềm mong mỏi, phấn đấu của chúng ta là làm sao ngày nào trong đời mình cũng phải là ngày vui. Ai có được hạnh phúc ấy thì người đó có Tết quanh năm. Vậy thì đừng biến những ngày vui đó thành những ngày buồn. Thực tiễn, có rất nhiều người, nhiều gia đình mất Tết, vì rất nhiều lý do chẳng ra làm sao cả. Trong đó có cả những lý do rất đỗi vu vơ, phi lý, ví như bị tai nạn giao thông chẳng hạn. Có những cái Tết hàng trăm người chết, rồi đến mấy trăm người bị tàn phế suốt đời. Khổ lắm! Tôi cầu mong, mỗi người Việt Nam trên cả hành tinh này, không có ai bị mất Tết trong năm nay. Và muốn thế, mỗi người Việt chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ niềm vui của mình và giữ gìn hạnh phúc cho nhau.

PV: Cùng với những biến đổi của xã hội, Tết xưa và nay tất nhiên cũng có khác nhau. Tuy nhiên, có những thay đổi như thay vì về quê mỗi khi Tết đến, Xuân về, nay một số người lại chọn đi du lịch, dã ngoại, thậm chí ra cả nước ngoài. Năm trước, ông đã rất phản đối điều này. Ông có thể nói rõ hơn quan điểm về những biến đổi của Tết hiện đại?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi vừa nói, Tết là những ngày vui. Trong đó có niềm vui đoàn tụ. Dù ai ở đâu, làm đâu, ngày Tết cũng tìm đường về quê, về với bố mẹ, với ông bà tiên tổ. Người sống trở về, người chết cũng trở về. Ở các làng bản, nhiều gia đình còn có phong tục cắm trước nhà cây nêu và cành phan. Cây nêu để trừ ma quỷ, còn cành phan, thường làm bằng một cây vầu, hay cái sào tre rất cao, trên đỉnh phất phơ mấy rảnh lá xanh. Người ta buộc vào đó những dây lụa xanh, đỏ. Đấy là tín hiệu để linh hồn ông bà, tổ tiên biết đường mà về với con cháu. Có những người Tết không về được với gia đình, vì những hoàn cảnh đặc biệt. Ví như những bà con công tác, học tập ở nước ngoài, hay những chiến sĩ đang canh giữ nơi biên cương, hải đảo. Đấy là những người chúng ta thương nhất trong những ngày Tết này. Không về được quê trong ngày Tết thì mang Tết quê đi theo.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Những năm gần đây, do được nghỉ Tết dài, vì ngày Tết trùng với hai ngày nghỉ cuối tuần, điều kiện kinh tế cũng khá hơn, nhiều người chọn Tết làm ngày đi du lịch. Điều đó cũng tốt thôi, tùy từng hoàn cảnh. Tôi đâu có phản đối điều đó, tôi chỉ lưu tâm đến những người già. Đừng quên những người già. Người già sợ nhất sự cô đơn, nhất là trong những ngày vui, ngày đoàn tụ gia đình. Cụ già nào cũng chỉ mong Tết để gặp cháu con. Gặp con cháu vui lắm, vì mình được gặp lại chính mình. Gặp tuổi trẻ của mình trong con. Gặp tuổi thơ mình trong cháu. Nhưng rất nhiều người lại không để ý điều này. Họ đến với ông bà, bố mẹ như một thứ nghĩa vụ. Có người cho ông bà, bố mẹ cả một đống tiền. Có người còn sắm cho ông bà, bố mẹ điện thoại di động. Nếu nhớ con, nhớ cháu thì cứ a lô là gặp con cháu ngay. Nhưng người già có ăn được nhiều đâu, cũng chẳng có nhu cầu mua sắm gì. Thế thì tiền là vô nghĩa. Muốn nói chuyện với cháu, với con lại cứ phải nói với chúng qua “cái ống nhổ”, chẳng thấy mặt mũi chúng, chỉ nghe tiếng thèo thèo bên tai. Thế thì có khác gì nói chuyện với ma. Người vẫn còn đang sống mà đã thành ma rồi! Nhiều cụ nói với tôi thế đấy. Đừng bao giờ quên người già. Tôi chỉ muốn nói điều đó thôi, chứ đâu có phản đối chuyện du lịch Tết. Nếu có du lịch Tết thì đưa các cụ đi cùng. Nếu các cụ không đi được thì điều chỉnh thế nào đó, đừng để các cụ mất Tết. Vì Tết năm nay còn bố mẹ, nhưng Tết sang năm chắc gì bố mẹ còn. Người già như ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào. Khi bố mẹ mất rồi, dù chúng ta có bỏ ra hàng nghìn tỷ cũng không thể gặp được. Những ngày vui cũng chẳng nhiều đâu…

PV: Nhà thơ có thể kể một vài kỷ niệm sâu sắc về những cái Tết đã qua của mình, nhất là Tết hồi quân ngũ, Tết ở “Đảo chìm”?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi là lính hải quân. Năm nay, anh em truyền hình VTV1 có tạo điều kiện cho tôi ra Trường Sa, tham gia một đầu cầu truyền hình. Nhưng tôi còn mẹ già. Bà cụ đã 99 tuổi nên không thể đi được mà chỉ tham gia được ở đầu cầu Hà Nội. Tôi cũng đã từng biết Tết ở Trường Sa rồi. Ngày Tết vẫn nóng rừng rực. Hồi chúng tôi đến với lính đảo là những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy, Trường Sa vất vả lắm. Không nói những gì cao siêu, chỉ xác định ngày tháng đã vất vả rồi. Đất liền rất quan tâm, dành tất cả những gì tốt nhất cho Trường Sa. Tiểu đội nào cũng có lịch, thậm chí từng người lính cũng có lịch bỏ túi, nhưng chỉ lơ đễnh không xé lịch là khó xác định rồi. Mở đài, thấy tín hiệu chập chờn, áp tai mới nghe được, thấy có tường thuật bóng đá, biết chính xác là chủ nhật, nhưng tháng có đến 4 chủ nhật. Vậy là chủ nhật nào. Chính trị viên đành chọn một ngày để làm ngày của đảo. Thế đấy. Bây giờ Trường Sa đã khác. Một vùng cây lá xanh rì như công viên sinh thái trên Biển Đông. Đảo có điện thoại di động, có thể “gặp” bố mẹ, vợ con bất cứ lúc nào. Phát thanh và truyền hình đều rất nét. Có thể cập nhật tin tức thế giới và trong nước từng giây. Tết đảo cũng chẳng khác gì đất liền. Có chăng thiếu chút lạnh heo heo, thì cũng như ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam thôi. Công cuộc đổi mới của chúng ta quả là một điều kỳ diệu!

Năm Mậu Tuất sẽ là năm Tết

PV: Nhìn lại năm Đinh Dậu với nhiều sự kiện ấn tượng, cả về kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Với ông, điều gì là ấn tượng nhất về tình hình đất nước trong năm qua?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Rất nhiều sự kiện. Chúng ta cũng đã làm được nhiều việc để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC. Chính trị, kinh tế từng bước ổn định theo chiều hướng phát triển. Điều đặc biệt là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mà chúng ta vẫn gọi là cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và chỉ đạo đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, củng cố được niềm tin của dân đối với Đảng, với thể chế. Đấy là điều rất hay.

leftcenterrightdel

“Thần đồng” Trần Đăng Khoa đọc thơ với các bạn cùng lớp năm 8 tuổi (1966). Ảnh tư liệu

PV: Tết năm nay, Ban Bí thư ban hành chỉ thị, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cấp trên; cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Người dân rất vui vì quyết định này. Điều quan trọng là cần thực chất chứ không phải hình thức. Nhiều người cũng lợi dụng ngay cả việc biếu quà để đục khoét của dân. Các cụ bảo: “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” là vì thế. Cần có sự giám sát chặt chẽ. Mà dân biết hết đấy. Ai thế nào, dân biết cả, chỉ có cán bộ không biết nên mới làm liều mà thôi.

PV: Cán bộ chúng ta phải học Bác Hồ, Tết phải đến với dân, đến với người nghèo. Lãnh đạo phải đến thăm dân, chúc Tết dân…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Nhưng không ít đồng chí cán bộ chỉ đến thăm các doanh nghiệp thành đạt. Đến các doanh nghiệp thành đạt cũng là cần thiết, nhưng đừng quên người nghèo. Ngày xưa, Bác luôn đến với những người nghèo. Bác luôn hướng đến người lao động nghèo. Bác còn dành lương mua quà tặng người nghèo. Vào những dịp Tết đến, Xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Chuyến thăm thường là rất bí mật, không báo trước, tránh để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác. Một chị lao công ở trong khu hẻm nhỏ, đêm Ba mươi Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu...”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ. Đó cũng là bài học mà chúng ta cần phải học đấy.

PV: Ông hy vọng gì trong năm Mậu Tuất 2018?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Năm Mậu Tuất sẽ là năm vui. Tết Mậu Tuất cũng là Tết vui. Như tôi nói ở phần đầu: Tết là vui. Và như thế, không phải chỉ có Tết chúng ta mới vui mà vui quanh năm. Như vậy, năm Mậu Tuất sẽ là năm Tết. Tết quanh năm. Và với các bạn, những người lính, những đồng đội của tôi, tôi chúc các bạn mãi mãi là lính thời bình. Việt Nam là xứ sở hòa bình. Chúng ta luôn chìa bàn tay nhân ái, luôn muốn biến kẻ thù thành bạn, chứ không bao giờ lại biến bạn thành thù. Thực tiễn có nhiều kẻ thù của chúng ta xưa, giờ đã thành bạn bè, thành đối tác chiến lược. Trong bài thơ “Lính thời bình”, tôi có viết: Các cậu đến làm bạn/ Rượu ta xả láng chơi/ Còn nếu sang làm giặc/ Chúng tớ cho chầu giời/ Pháo nằm như mơ ngủ/ Mây núi giăng giăng tình/ Ước gì ta mãi mãi/ Cứ là lính thời bình…

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa! 

HOÀNG TIẾN (thực hiện)