QĐND - Phi-líp Đa-vít-xơn (Phillip Davidson) là viên tướng tình báo đầy kinh nghiệm trong chiến tranh Việt Nam đã viết cuốn “Việt Nam chiến sử 1946-1975” (Vietnam at war The History 1946-1975, NXB Presidio Press, 1988). Đánh giá cuốn sách, tạp chí quân sự Mỹ Military Review viết: “Có rất nhiều điều cần rút ra qua nghiên cứu chi tiết cuốn sách này, dành cho những ai dự trù việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ trên thế giới hôm nay”.
Cho rằng Mỹ đối đầu không thành công vì đã không đánh giá được sức mạnh của cuộc kháng chiến toàn dân của Việt Nam, Phi-líp Đa-vít-xơn đã viết trong chương cuối sách của mình, như sau: “Kết cục, Hoa Kỳ đã thua cuộc chiến tranh theo cách của những bên thua trong mọi cuộc chiến tranh: Chịu thất bại trước một chiến lược siêu việt, khoét sâu được các yếu huyệt và làm mất hiệu lực sức mạnh quân sự to lớn của chúng ta (Mỹ). Chúng ta đã thất bại trong việc khai thác các điểm yếu của phe cộng sản, và trên thực tế, đã tiến hành chiến tranh theo cách (way) làm tăng cả sức mạnh của đối phương lẫn những gì là yếu kém của Mỹ”.
Tướng Đa-vít-xơn đã nêu được những ý tiếp cận tính chính nghĩa của kháng chiến vì sự nghiệp thống nhất nước nhà của Việt Nam. Nhận định dưới đây của Đa-vít-xơn gợi lại ý của Cơ-rít Rô-bin-xơn (Chris Robinson), biên tập viên NXB RECON, đề tựa cuốn “Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh này như thế nào” (How we won the war) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản tại Mỹ năm 1976. Đa-vít-xơn viết: “Chúng ta đã thua vì chính phủ Mỹ đã không thể thấu hiểu được chiến lược của chiến tranh cách mạng, và vì thế, thất bại trong đối phó với cuộc chiến tranh này. Nhưng giả sử những người lãnh đạo của Hoa Kỳ thời đó có thấu hiểu được chiến tranh cách mạng đi nữa, thì chính phủ Mỹ, vì những nguyên nhân chính trị, tâm lý, thể chế, và hành chính-quan liêu, cũng khó có thể điều hành cuộc chiến tranh này một cách hiệu quả”.
 |
Sách Việt Nam chiến sử 1946-1975 của Phi-líp Đa-vít-xơn.
|
Cơ-rít Rô-bin-xơn đã nêu một nguyên nhân chính thắng lợi của sự nghiệp thống nhất đất nước của Việt Nam, đó là áp dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự thế giới vào hoàn cảnh Việt Nam, điều này, viết sách nhiều năm về sau, tác giả Đa-vít-xơn cũng đề cập kỹ lưỡng. Phân tích sinh động sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn khi không còn nhận được tiếp viện ồ ạt của Mỹ, tướng Đa-vít-xơn viết: Sự sụp đổ của Sài Gòn đã khởi phát một dòng thác lời giải thích về căn nguyên của nó. Nhiều trong số đó là tự biện hộ, nhiều giải thích khác được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị hoặc ý thức hệ, đa số trong chúng có phần đúng có phần sai. Câu trả lời vì sao chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH) sụp đổ, vì thế, là phức tạp. Kết liễu của chính quyền VNCH đến từ nhiều nguyên cớ, và tất cả những nguyên cớ ấy tương quan với nhau, gắn kết với nhau, thành một cạm bẫy không thể thoát ra.
Sẽ là giản đơn khi chỉ quy chụp vì sự kém năng lực của Thiệu, của Bộ Tổng tham mưu VNCH. Dĩ nhiên là những nhà lãnh đạo và các cơ cấu thuộc chính quyền VNCH đóng vai chính trong sự kết liễu của chế độ này, nhưng sự sụp đổ ấy không thể xảy ra nếu thiếu động lực mạnh là quân đội Bắc Việt. Chính đòn tiến công Buôn Ma Thuột đã xúc tác kế hoạch của Thiệu cắt xén lãnh thổ VNCH. Cũng chính đòn tiến công vào các Quân khu I và II (Trung Bộ và Tây Nguyên) đã đập tan những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân lực VNCH. Và cuối cùng, chính cuộc cơ động binh lực nhanh chóng của bộ đội Bắc Việt Nam vào các tỉnh Nam Bộ, dẫn đến cuộc tiến đánh Sài Gòn ngay sau đó, đã kết thúc cuộc chiến, trước khi quân lực VNCH kịp co cụm lại và tổ chức lại lực lượng để bảo vệ Đô thành Sài Gòn.
Miền Bắc đã đạt được kỳ tích này nhờ tung vào trận một lực lượng áp đảo, không chỉ về số lượng và hỏa lực, mà cả về chất lượng chỉ huy hiệp đồng và huấn luyện, về ý chí chiến đấu. Quan trọng nhất, là lần đầu tiên trong cuộc chiến mười ngàn ngày của thế kỷ XX, miền Bắc đã thiết lập được một hệ thống tiếp tế hậu cần hoàn chỉnh, hiện đại, chu toàn.
Các quan sát viên đều cáo buộc giới quan chức của VNCH đóng vai trò chủ yếu gây nên sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn này. Trước tiên và xuyên suốt trong cuộc chiến Đông Dương, là sự kém cỏi của giới lãnh đạo VNCH. Trong giai đoạn 1973-1975, Thiệu và những thuộc cấp chủ chốt của ông ta đã ra những quyết định quân sự khốc hại. Ban đầu, họ quyết giữ mọi địa bàn. Tới khi không thực hiện được điều này, Thiệu đột ngột quyết định để mất nhiều địa bàn lớn rơi vào tay đối phương. Chính điều này khởi phát quá trình tan rã, tê liệt, dẫn tới thất bại hoàn toàn. Thiệu duy trì quyền lực của mình dựa trên những vay-trả vụ lợi dành cho những ai ủng hộ mình (purchased support). Điều này đã tất yếu tạo nên một bộ máy, nơi những đồng minh chính trị xoàng xĩnh và những phần tử cánh hẩu với Thiệu, nhưng bất tài, nắm giữ những ghế quan trọng, nơi tham nhũng đại trà xói mòn kỷ luật và luân lý. Yếu tố tiên quyết để một chế độ đứng được-một đội ngũ lãnh đạo tận tụy và thạo việc-chính là điều mà chế độ Sài Gòn, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, đã không thể có được.
Cần nêu thêm những yếu kém khác về lãnh đạo của VNCH. Khâu huấn luyện quân sự, vì luôn bị xem thường, đã không bao giờ đạt mức cần thiết. Cộng thêm với những khó khăn về trang thiết bị và tiếp tế vào năm cuối tồn tại của VNCH, do Quốc hội Mỹ thông qua cắt giảm viện trợ. Sự thiếu thốn về hậu cần khiến các hoạt động tác chiến bị ngáng trở, làm thương vong tăng lên, làm mất tinh thần quân lính. Nhưng việc phía Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự tự nó không dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Ngay cả khi được Mỹ tiếp tục hỗ trợ về quân sự ở mức 1972-1973, thì một tổng của các yếu kém cố hữu của chính phủ Thiệu cộng với sức mạnh và quyết tâm của đối phương, sớm muộn cũng dẫn đến sụp đổ chế độ VNCH.
Bộ Tổng tham mưu (BTTM) quân đội VNCH là một nguồn nữa đầy những yếu kém. Luôn bị Thiệu đe nẹt, cơ quan này đã không thể chủ động đề đạt các ý tưởng về quân sự, hoặc lên được các kế hoạch cứu vãn tình hình. BTTM VNCH cũng bắt chước người Mỹ làm kiểu chiến tranh công nghệ cao, theo cung cách viễn chinh hao tốn, trong khi quân lực VNCH đã không có được tiềm lực hậu cần như thế, lại không được huấn luyện để tác chiến kiểu quân Mỹ. BTTM VNCH luôn kêu ca về sự thiếu hụt hàng ngũ tướng chỉ huy kế cận, nhưng lại không hề tìm cách tạo đội ngũ này. BTTM VNCH thậm chí đã không làm được chức năng chính yếu của nó: Phát triển một chiến lược có tính lý luận và khả thi cho cuộc chiến, và thảo những kế hoạch ứng phó với những biến động tình hình, nhằm đương đầu với đòn tấn công chính của Bắc Việt Nam.
Một điều có thể lý giải cho tất cả những hờ hững và thiếu chủ động chính là nếp nghĩ kỳ lạ của nhiều quan chức VNCH, là Mỹ rốt cục sẽ can thiệp trở lại bằng không kích ồ ạt. Họ ấp ủ huyễn hoặc này sau khi mất Phước Long, sau sự tan rã của các Vùng chiến thuật I và II (Trung Bộ và Tây Nguyên), sau thất bại ở Xuân Lộc, và họ vẫn cứ tiếp tục nuôi ảo vọng này khi 20 sư đoàn quân Bắc Việt áp sát Sài Gòn. Họ vẫn tiếp tục tự huyễn hoặc, cả sau khi nhiều quan chức Mỹ nói rằng, Mỹ sẽ không can thiệp trở lại, và cả sau khi Quốc hội Mỹ thông qua một luật cấm Mỹ can thiệp quân sự vào Đông Dương.
Sài Gòn đã nuôi hy vọng hão huyền này vì họ nhận thấy cách duy nhất VNCH cứu được VNCH là dùng sức mạnh quân sự của Mỹ. Họ biết rằng Le-đơ (Laird-cựu Bộ trưởng Quốc phòng), A-bram (Abrams-cựu Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, cựu tư lệnh chiến trường Nam Việt Nam) và những quan chức Mỹ khác sẽ không bao giờ chịu thừa nhận rằng, Việt Nam hóa (giai đoạn chiến tranh của Mỹ dưới thời Ních-xơn (Nixon) đã thất bại. Họ biết rằng chính quyền của họ đã hết thời… Họ biết rằng, chỉ có một đội hình dằng dặc những chiếc B-52 là có thể cứu được VNCH.
Nhưng, bầy B-52 đã không bay đến, và một vài giờ trước khi lá cờ Bắc Việt Nam tung bay trên đỉnh dinh Độc Lập, một vô tuyến điện viên nay không rõ tên gửi về Mỹ bức điện sau đây: “Đây là một cuộc chiến lâu dài và ác liệt và chúng ta đã thua… Sài Gòn dừng phát sóng”. Hoa Kỳ đã-lần đầu tiên-thua một cuộc chiến tranh.
LÊ ĐỖ HUY (dịch)