Đại tá, nhạc sĩ Nguyên Nhung tên thật là Nguyễn Bá Nhung, sinh ngày 15-11-1933 ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1950, ông vào bộ đội, hoạt động ở mảng văn nghệ, làm diễn viên, nhạc công. Có thời kỳ nhạc sĩ chuyển sang hoạt động trên đất Lào và Campuchia. Năm 1960, bài hát “Tiếng đàn môi” của ông đã gây ấn tượng đối với công chúng. Năm 1963, ông được cử đi học tại trường âm nhạc chuyên ngành sáng tác. Giai đoạn 1968-1969, Nguyên Nhung được cấp trên điều động vào “tuyến lửa” Quân khu 4 phục vụ chiến đấu. Đây là thời kỳ “thai nghén” cho những sáng tác nổi tiếng của ông sau này. Với những đóng góp cho sự nghiệp sáng tác văn học-nghệ thuật, năm 2001, nhạc sĩ Nguyên Nhung được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều giải thưởng khác… Năm 2009, nhạc sĩ qua đời tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Dần, nhân vật nguyên mẫu trong bài hát “Cô dân quân làng Đỏ” của nhạc sĩ Nguyên Nhung.

Bài hát “Cô dân quân làng Đỏ” nằm trong bản hợp xướng “Thành Vinh ra trận” ra đời trong giai đoạn không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội. Lúc này, thành phố Vinh (Nghệ An) được coi là “túi bom”. Có ngày máy bay Mỹ đánh phá tới 14 lần vào các trọng điểm như phà Bến Thủy, ga Vinh, cầu Cấm…

Để tăng cường bảo vệ các trọng điểm như phà Bến Thủy, nhà máy điện, kho xăng, bên cạnh các đơn vị trực chiến, các trung đội dân quân, trong đó có trung đội dân quân làng Đỏ được thành lập có 9 nữ, 2 nam với một khẩu 12,7mm.

Bà Nguyễn Thị Dần kể lại: “Khoảng 17 giờ ngày 25-7-1968, khi đang cùng đồng đội trực chiến tại ga Vinh, nghe tiếng máy bay, tôi hướng súng ngắm vào mục tiêu đang bay đến. Khi thấy hai chiếc F-4H bổ nhào xuống cắt bom, tôi liền bóp cò. Một chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy rồi rơi xuống khu vực xã Nghi Phú, cách ga Vinh khoảng 400m. Không nghĩ là mình đã bắn trúng cho đến khi các đồng đội nhảy xuống công sự ôm và hò reo: “Dần ơi, mi bắn rơi máy bay địch rồi!”.

Với những thành tích trong chiến đấu, ngày 25-8-1970, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đơn vị dân quân du kích làng Đỏ. Sau chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, nữ dân quân được mời đi kể chuyện tại các lớp học nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhờ những lần đi kể chuyện đó, nhạc sĩ Nguyên Nhung có dịp tiếp xúc, trò chuyện với cô dân quân Nguyễn Thị Dần. Khâm phục trước tinh thần chiến đấu anh dũng của những nữ dân quân làng Đỏ, cảm xúc lắng đọng, ùa về, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát “Cô dân quân làng Đỏ”. Tác giả viết câu mở đầu: Em hát giọng đò đưa mênh mang đất trời xứ Nghệ, nghe sông Lam nước lấp lánh vỗ về, từ chiến hào tay súng em dương lê...

“Sau khi nghe bài hát, tôi không nghĩ nhạc sĩ đã lấy mình làm nguyên mẫu. Đặc biệt, lời bài hát đã diễn tả đúng tâm trạng, cốt cách của người dân Hưng Dũng. Những câu hát cùng lời ca, điệu nhạc, âm thanh rộn ràng đã diễn tả lại khung cảnh chiến đấu của những trung đội dân quân nữ lúc bấy giờ. Chúng tôi cảm ơn nhạc sĩ Nguyên Nhung đã có bài hát khắc họa chân dung người dân quân xứ Nghệ”-bà Dần bồi hồi nhớ lại.

Chất liệu âm nhạc dân ca Nghệ Tĩnh “mì la lố” hòa quyện, nói lên khí chất, tính cách con người xứ Nghệ với sự ngọt ngào, sâu lắng, mênh mang và da diết đã làm nên thành công của bài hát “Cô dân quân làng Đỏ”. Lời bài hát rất gần gũi, chân chất đã khắc họa những nét sinh hoạt, chiến đấu trong những năm kháng chiến ác liệt của người dân Quân khu 4 anh hùng. Đặc biệt, đây là một trong những bài hát đầu tiên khắc họa hình ảnh những nữ dân quân miền Trung một cách chân thực và sinh động do người nhạc sĩ đã chiến đấu chính nơi “tuyến lửa” Quân khu 4 sáng tác. Từ chiến hào tay súng em dương lê đến đường cày lúa hàng hàng thẳng tắp, em trải đẹp đời lên từng mảnh đất... Ơi cô gái sông Lam ta đó.

Bài hát khi ra đời được nhiều ca sĩ thế hệ đầu như Minh Huệ, Thu Hồng thể hiện thành công. Những năm tháng chiến tranh, bài hát có mặt khắp chiến trường đã cổ vũ, động viên toàn dân đánh giặc. Từ đây, hàng nghìn thanh niên ưu tú của mảnh đất Nghệ Tĩnh anh hùng đã tự nguyện hăng hái lên đường nhập ngũ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

Bài và ảnh: VÕ ĐÔNG