Tháng 11-1967, chiến sĩ Trần Thị Dự được điều động từ Đại đội V14 (Huyện đội Nam Tam Kỳ) về Đại đội Thông tin (Tỉnh đội Quảng Nam) với chức danh tiểu đội phó. Lúc này, LLVT của tỉnh đang tập trung chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Dự được đơn vị phân công phục vụ cho Ban chỉ huy Tỉnh đội, có nhiệm vụ chuyển công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy sở đến chỉ huy tiền phương và ngược lại. Để hoàn thành nhiệm vụ, cô phải tìm đường luồn lách, bơi sông, vượt suối và quyết không để tài liệu rơi vào tay giặc. “Một quy định bắt buộc là dù bất cứ lý do gì, công văn phải đến tay chỉ huy trước thời gian quy định. Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chỉ huy sở Tỉnh đội Quảng Nam đứng chân trên địa bàn đông nam huyện Tiên Phước, còn chỉ huy tiền phương thì đứng sát nách tỉnh lỵ Quảng Tín, cách nhau khoảng 3-4km”, bà Dự nhớ lại.

Những đêm trời tối, sương mù, với bộ quần đùi áo cánh, cô gái chưa tròn hai mươi tuổi tự định hướng đi, vượt sông, suối, trèo đèo chạy công văn hỏa tốc. Lúc cao điểm, công văn hỏa tốc phải chuyển 4 đến 5 lần đi về trong ngày, Trần Thị Dự như con sóc len lỏi giữa rừng già. Khi đi vào vùng địch, cô phải tìm mọi cách hóa trang, cải trang. Một lần, chúng theo dõi và nghi ngờ, đón chặn đường cô quay về. Luôn cảnh giác trong khi làm nhiệm vụ, Trần Thị Dự nhanh trí giả vờ đến mé suối để đi vệ sinh. Vừa khuất tầm nhìn của địch, cô nhanh chóng tuột xuống suối, lặn một hơi qua bên kia bờ thoát hiểm. Hoàn thành nhiệm vụ phục vụ cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Trần Thị Dự được đơn vị xét kết nạp Đảng.

leftcenterrightdel

Anh hùng Trần Thị Dự hồi trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau đó, cô tiếp tục được phân công phục vụ thông tin liên lạc trực tiếp cho các chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ở vùng đông Thăng Bình (Quảng Nam). Bất cứ đêm hay ngày, có công văn hỏa tốc là cô lại lên đường. Nguy hiểm nhất là muốn sang vùng tây Thăng Bình, dù muốn đi bí mật hay hợp pháp cũng phải vượt qua Quốc lộ 1, nơi địch đóng các chốt điểm dày đặc. Một lần, vào tháng 5-1968, nhận công văn hỏa tốc vào khoảng 12 giờ rưỡi đêm, Trần Thị Dự tìm người đi cùng về vùng tây Thăng Bình nhưng không có. Cô xác định dù hy sinh cũng phải giữ được mạch máu thông tin cho chỉ huy nên vội dùng chéo dù nịt công văn thật chặt vào lưng, vác súng, dắt lựu đạn ra đi. Lợi dụng địa hình đêm tối, cô bám sát mé cầu Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam) để di chuyển, vì nơi đây địch chủ quan và có ít mìn. Khi vượt qua khỏi Quốc lộ 1 chừng 200m, cô phát hiện một toán lính địch phục kích. Do đã nhận định từ trước nên cô không bất ngờ. Tìm đường đi vòng hay đánh địch vượt qua? Quan sát thấy địa thế sát mé sông Hương An có nhiều thuận lợi, cô quyết định rút lựu đạn đánh liên tiếp 3 quả vào đội hình địch rồi ôm súng nhảy xuống sông, bơi ngược dòng, mang công văn hỏa tốc về cho chỉ huy đúng giờ quy định. Hôm sau, tin cơ sở mật báo cho biết ổ phục kích của địch đêm qua bị quân ta tiêu diệt 2 tên và làm bị thương 3 tên khác.

Làm nhiệm vụ thông tin liên lạc ra vào vùng địch kiểm soát nên việc đụng địch phục kích đối với Trần Thị Dự không phải là chuyện hiếm. Vào một chiều tháng 6-1968, cô được cấp trên phân công chạy công văn từ tỉnh đội xuống Quế Sơn. Ra đến xã Phú Thọ (Quế Sơn) khoảng 4 giờ chiều. Lúc này, cán bộ và bộ đội ta chưa thể vượt đường 105 vì đoạn núi Quế, Chợ Đàn, Gò Da, địch tuần tra, canh gác khá cẩn mật. Nếu đợi đến tối theo bộ đội vượt qua thì sẽ trễ công văn, cô phải hóa trang hợp pháp để sang đường. Lúc đó, cô đang mặc bộ đồ bà ba đen, trong tay chỉ có một quả lựu đạn hộ thân và chiếc mũ tai bèo. Xếp gọn công văn cho vào trong áo ngực, gấp mũ tai bèo độn sau mông, quả lựu đạn giắt sau lưng quần kéo áo đậy lại, cô quyết định băng qua đường 105 sang xã Sơn Trung. Trên đường đi, thấy chiếc nón lá cũ của ai đó vứt, cô nhặt đội lên đầu. Đường 105 hiện rõ, vắng người qua lại, cô nghĩ thầm là mình sẽ vượt qua đường an toàn. Đảo mắt nhìn bên kia đường, thấy hai cô gái, một người cầm trên tay khẩu súng cạc bin, cô đoán đây là hai du kích xã. Cô gái cầm súng đưa tay ngoắc lại, Dự bình tĩnh qua đường và đến gần cô gái. Cách khoảng 5m, thấy mặt mày hai cô này son phấn trắng hồng, Trần Thị Dự thầm nghĩ: “Thôi rồi! Đây là hai đối tượng nữ tân trang của địch” (nữ thanh niên ở lại nông thôn, được địch trang bị vũ khí để chống lại Quân Giải phóng thâm nhập vào địa bàn). Nhanh chóng lấy lại tinh thần, cô đi sát đến và nói: “Chào hai chị! Em xuống xóm dưới thăm bà chị bị đau về”. Một nữ tân trang bảo: “Được! Cô cho xem căn cước”. Dự vờ sờ túi, miệng nói: “Em vội đi nên quên lấy căn cước bỏ theo, các chị thông cảm”. Miệng nói, mắt cô liếc nhìn người cầm súng thấy có vẻ sơ hở. Trong chớp mắt, Trần Thị Dự dùng tay trái giật mạnh súng, tay phải đấm thẳng vào mặt rồi nhanh tay mở khóa kê ngay vào đầu bóp cò. Cô ta ngã xuống đất, thị đứng cạnh thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy. Trần Thị Dự vác súng nhanh chân chạy theo hướng xóm Đồng Lùng, xã Sơn Trung. Chạy được khoảng 10 phút, cô tiếp cận bìa rừng, nghe hướng chợ Sơn Thượng bắn súng báo động, la ó om sòm. Lúc đó, cô đã vào đến Đồng Lùng, vùng giải phóng của ta. Sau chiến công trên, Tiểu đội phó Trần Thị Dự được đơn vị tuyên dương, Tỉnh đội Quảng Nam tặng bằng khen.

Hơn 30 năm công tác, Trần Thị Dự đã trải qua các chức vụ từ chiến sĩ du kích xã Kỳ Vinh đến Huyện đội phó Huyện đội Nam Tam Kỳ, cán bộ chính trị Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Núi Thành… Ghi nhận những thành tích trong công tác, chiến đấu, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bà Trần Thị Dự, nguyên Đại đội phó Đại đội Thông tin liên lạc Tỉnh đội Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

NGUYỄN AN NHIÊN