Tọa lạc ở cuối con đường này, có ngôi chùa Phổ Quang luôn dập dìu du khách lui tới viếng thăm, nhưng khi hỏi về danh tính của người được gắn biển tên đường phố này thì không phải ai cũng biết.

Đó là nữ liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Lan Khanh. Chị sinh trưởng trong một gia đình trí thức, song thân đều là những cán bộ cách mạng cấp cao. Thân phụ là kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn thân mẫu là bà Bùi Thị Nga, một người được sinh tại Hà Nội nhưng theo gia đình vào Sài Gòn định cư từ nhỏ. Tốt nghiệp thành chung, bà đi dạy trường tư. Kết duyên với KTS Huỳnh Tấn Phát, bà cùng chồng hoạt động cách mạng. Cả hai ông bà từng bị địch giam cầm, đày đọa. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Bùi Thị Nga là Hội trưởng đầu tiên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Huỳnh Lan Khanh (thứ hai, từ trái qua) cùng đồng đội tại căn cứ Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Chào đời ngày 14-9-1948 tại Sài Gòn, cha mẹ đều thoát ly tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, nên vừa tròn 2 tuổi, Lan Khanh được gửi cho bà ngoại và các dì nuôi ở khu Đa Kao, trên đường D’Aries (nay là đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1). Năm 1965, Lan Khanh đang học lớp đệ nhị ở Trường nữ sinh Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) thì được tổ chức chọn đưa ra miền Bắc học tập, đào tạo thành những “hạt giống đỏ”, sau này trở về xây dựng quê hương. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lan Khanh đã nài nỉ xin cha mẹ cho mình được ở lại. Trong một lần bí mật ra căn cứ thăm ba mẹ, chị Huỳnh Lan Khanh đã xin được ở lại tham gia công tác.

Tuy đồng ý để con ở lại căn cứ, song cả hai ông bà đều không khỏi lo lắng bởi Lan Khanh vốn “yểu điệu thục nữ”, mắt cận thị nặng, ngó xuống giếng cũng chóng mặt, sợ con sẽ trở thành “gánh nặng” cho tổ chức. Nhưng với ý chí không gì lay chuyển nổi, cô nữ sinh ngày nào đã nhanh chóng trở thành một nhân viên văn thư giỏi. Mỗi khi có các hội nghị lớn hoặc cần nhiều tài liệu quan trọng thì Lan Khanh thường làm thâu đêm cho kịp. Ngoài ra, chị còn đào hầm trú ẩn, đào công sự chiến đấu; tham gia lao động từ gặt lúa, đến trồng khoai mì; rồi đi tải gạo, làm cấp dưỡng; thậm chí trực gác đêm bảo vệ cơ quan… Với bản tính khiêm nhường, Lan Khanh sống bình dị, thân ái với mọi người, nhưng luôn giữ nguyên tắc. Bởi chị muốn tự đứng trên đôi chân, chứ không ỷ lại mình là con của lãnh đạo cấp cao để mong được ưu tiên này nọ. Có lần bà Bùi Thị Nga tìm đến cơ quan thăm con gái, dù đang làm phụ bếp, song Lan Khanh cũng không lấy thức ăn của tập thể “đãi” mẹ, mà chị đi hái rau rừng luộc cho mẹ ăn. Ăn cọng rau tự tay con mình hái về nấu, lòng bà Nga tràn trề hạnh phúc. Nhưng bà đâu ngờ, đó là lần cuối hai mẹ con được ở bên nhau.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, không khí các cơ quan ở R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam) nhộn nhịp, khẩn trương. Không được trực tiếp cầm súng, nhiều cán bộ, nhân viên đi tải gạo, Lan Khanh ráng sức hoàn thành công việc đánh máy lúc nửa đêm, để sáng ra được đi cùng đồng đội.

Ngày 4-1-1968, đoàn tải gạo rời cứ. Vừa đến bìa Trảng Dầu, không may họ bị lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ. Tiếng súng nổ chát chúa khiến mọi người tản ra tìm nơi ẩn nấp. Rồi trực thăng vũ trang chở lính biệt kích ập tới. Chỉ có ba người trong đoàn nhanh chân chạy thoát, riêng hai anh Thắng và Giỏi bị địch sát hại ngay tại chỗ. Lan Khanh bị thương vào đùi, máu chảy đầm đìa. Do cặp kính cận bị văng mất nên chị không thấy đường chạy. Biệt kích Mỹ bắt được chị, chúng lôi cô gái xinh đẹp lên máy bay trực thăng…

Hôm sau, nhiều người sửng sốt nghe đài địch loan tin về sự chống cự ngoan cường của một nữ Việt cộng bị bắt, đã lao ra khỏi trực thăng, nhảy xuống cánh rừng. Đồng đội tỏa ra đi tìm và phát hiện thi thể Lan Khanh nằm vắt vẻo trên cây, cách nơi đoàn tải gạo bị phục kích chừng 500m. Họ đưa chị cùng hai anh trong đoàn về an táng ở Suối Chò, Xa Mát (Tây Ninh) và thầm hẹn ngày hòa bình sẽ trở lại.

Hơn hai tháng sau, đúng dịp kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Đoàn (26-3-1968), Ban Thường vụ Đoàn ủy liên cơ quan dân-chính-Đảng của Trung ương Cục miền Nam phát động học tập tấm gương dũng cảm bất khuất của nữ đoàn viên Huỳnh Lan Khanh trong toàn thể đoàn viên, thanh niên.

Sau ngày hòa bình, anh em đồng đội tổ chức đi tìm hài cốt chị Huỳnh Lan Khanh, nhưng cảnh vật chiến trường đã hoàn toàn thay đổi. Bom đạn kẻ thù và thời gian đã làm lu lấp tất cả. Má chị, bà Bùi Thị Nga đã hàng chục lần ngược lên cứ cũ tìm con, nhưng rồi bà đành thất vọng trở về với nỗi đau buốt nhói khôn nguôi. Bà thường đến thắp hương trên ngôi mộ gió, cầu nguyện cho con gái.

Với sự kiên trì, đến cuối tháng 2-2002, gia đình và đồng đội đã tìm thấy hài cốt của chị Huỳnh Lan Khanh, cùng với hai anh Giỏi và Thắng, đưa về yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.

Ngày 25-4-2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Thời hiện đại, hiếm có một gia đình nào mà cả hai cha con đều được đặt tên đường ở cùng một thành phố như vậy, đường Huỳnh Tấn Phát ở quận 7 và đường Huỳnh Lan Khanh ở quận Tân Bình.

NGUYỄN MINH NGỌC