Về Thái Bình đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2019), chúng tôi cùng đoàn đại biểu đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đến thăm một số gia đình có công với cách mạng trong tỉnh. Đón đoàn, mẹ Nguyễn Thị Lơ (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) là vợ liệt sĩ, rất xúc động. Nhiều năm qua, mẹ sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng 18m2 đã xiêu vẹo bên mé sông, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Mới đây, mẹ đã dọn vào ở ngôi nhà mới khang trang được xây dựng trên phần đất của gia đình do nguồn kinh phí từ đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở và sự đồng hành của các tổ chức xã hội.
Giống mẹ Nguyễn Thị Lơ, mẹ Nguyễn Thị Chuốt (xã Tân Phong, huyện Vũ Thư) cũng vừa đón niềm vui từ căn nhà mới. Mẹ Chuốt năm nay gần 90 tuổi, có con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hơn 50 năm mẹ phải sống trong căn nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp, nhiều năm trước, mẹ đã muốn sửa nhà nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, con cái cũng nghèo khó nên mẹ đành ở trong căn nhà cũ. Mong ước của mẹ là trong những năm tháng cuối đời có một căn nhà chắc chắn để ở, để thờ cúng tổ tiên và người con trai đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Sau một thời gian xét duyệt, năm 2018, gia đình mẹ được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng với 170 triệu đồng từ sự đóng góp nghĩa tình của các tổ chức xã hội và người thân, mẹ đã có được căn nhà kiên cố đúng như ước nguyện. Nắm tay anh Phạm Chí Dũng-Phó trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư, mẹ Chuốt xúc động nói: “Không có các con, làm sao mẹ có được căn nhà kiên cố để ở và thờ cúng tổ tiên, người thân như vậy. Mẹ cảm ơn các con nhiều lắm!”...
Mẹ Lơ, mẹ Chuốt là hai trong số hàng nghìn gia đình NCC của tỉnh Thái Bình được hỗ trợ về nhà ở những năm qua. Tìm hiểu chúng tôi được biết, trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, hơn 50.000 người con của Thái Bình đã hy sinh. Toàn tỉnh có hơn 32.000 thương binh, bệnh binh; 6.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với cách mạng... Con số ấy cũng là trách nhiệm nặng nề với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình trong việc thực hiện chính sách với NCC. Tuy nhiên, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Thái Bình luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác tri ân. Với các phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Giúp binh sĩ bị thương” hay “Hội mẹ chiến sĩ”, “Đón thương binh về làng” trước đây và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày nay, gia đình chính sách luôn được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt. Nhất là công tác hỗ trợ nhà ở, giúp gia đình NCC “có nơi ăn chốn ở yên ổn” như lời Bác dặn trong Di chúc, đã và đang được tỉnh tích cực triển khai thực hiện.
Đi sâu tìm hiểu cách làm của tỉnh, chúng tôi được biết, đã có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, từ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hướng dẫn sát sao của UBND tỉnh đến Ban chỉ đạo thực hiện đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, các sở, ngành có liên quan mà kế hoạch chi tiết đã được giao tới tận các thôn, xóm. Việc lập hồ sơ thẩm định, cấp kinh phí đến quá trình thi công đều có sự kiểm tra, giám sát (từ nhân dân)... Trao đổi với ông Phí Ngọc Thành, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, chúng tôi hiểu hơn về công việc của cán bộ cơ sở trong quá trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình NCC. Theo ông Thành, khi tiến hành lập danh sách gia đình NCC thụ hưởng theo đề án, để bảo đảm tính chính xác, đúng đối tượng, cán bộ chuyên môn phải đi khảo sát từng hộ, mỗi hộ lại tiến hành rà soát 4-5 lần, lập đến 7-8 biên bản. Tuy nhiên, có một thực tế là công tác xây dựng nhà ở cho NCC rất khó khăn, vất vả, nếu không có tình thương, trách nhiệm, cái tâm… thì rất khó hoàn thành. Bởi thực tế, đa phần đối tượng thụ hưởng chính sách đều là người già neo đơn, hoàn cảnh rất khó khăn. Hỗ trợ 40 triệu đồng cho việc xây mới, 20 triệu đồng cho việc sửa chữa nhà ở so với thời giá hiện nay là rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, các cán bộ không ngạc nhiên khi nhiều gia đình lúc đồng ý làm, lúc lại bảo “không làm nữa”. Cùng với việc vận động, thuyết phục, các cán bộ chính sách địa phương đã có những giải pháp như: Huy động thêm nguồn hỗ trợ từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm... Chính vì vậy, việc thực hiện đề án đi vào chiều sâu và có hiệu quả cao.
“Từ năm 2013, khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, tỉnh đã chủ động xây dựng đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở và thành lập Ban chỉ đạo để triển khai. Cho đến nay, qua hai giai đoạn của đề án, gần 16.000 căn nhà đã được xây mới và sửa chữa hoàn thiện. Trong 6 tháng cuối năm nay, toàn tỉnh đang tích cực triển khai hỗ trợ cho khoảng 1.000 hộ còn lại để hoàn thành thắng lợi đề án mục tiêu nhiệm vụ của-ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết.
PHẠM THU THỦY