Với tài năng và những đóng góp không ngừng cho nền khoa học nước nhà, năm 2016, bà vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia.

Từ phòng thí nghiệm 4.000USD

Cuộc chuyện trò của chúng tôi với PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà thi thoảng lại bị ngắt mạch bởi điện thoại của các đối tác gọi đến. Bà bảo: “Một ngày 24 giờ thì có đến 2/3 thời gian tôi dành cho nghiên cứu. Tôi hiếm khi nghỉ trưa. Nhiều đêm vừa chợp mắt, chợt nảy ra một ý tưởng liền bật dậy ghi chép”.

Năm 17 tuổi, Đặng Thị Cẩm Hà đã được Nhà nước cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Tổng hợp Azerbaijan ở Baku. Sống với các sinh viên Nga, cô bé Hà tự dặn mình “cóc phải mở miệng” không được giấu dốt, không hiểu thì hỏi. Năm thứ nhất đại học, Hà đã tham gia Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của trường, năm thứ ba là thực tập viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Bà cho rằng mình là người may mắn vì gặp được nhiều nhà khoa học giỏi trên thế giới. Một trong số đó là thầy Agenda, chuyên gia nghiên cứu về hóa dầu mỏ lúc bấy giờ.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà (bên trái). Ảnh: THUỲ LÂM

Bà Hà tâm sự: “Bài học đầu tiên mà tôi học được ở người thầy của mình, đó là tinh thần lao động nghiêm túc. Để trở thành một nhà khoa học giỏi, hãy bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản thật sâu sắc và phải biết rời phòng thí nghiệm bước chân vào thực tế”. Nghĩ vậy, nhiều lần nữ sinh người Việt đã thực hiện một công việc nguy hiểm, đó là cùng thầy giáo trực tiếp lấy mẫu dầu tại các giếng khoan đang bỏng rẫy trên khắp nước Nga để nghiên cứu.

 Phương châm nghiên cứu của bà Hà rất rõ ràng. Học là để cống hiến, phục vụ cho Tổ quốc mình. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, dù có nhiều lời mời chào làm việc với mức lương hấp dẫn, nhưng bà vẫn quyết định về nước. Làm việc tại Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay) một thời gian, bà được cử sang Hungary theo chương trình trao đổi tương đương giữa hai viện hàn lâm. Tại đây, bà được đặc cách bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 1990. Sau đó, bà cộng tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu của Áo và Đức. Cuối năm 1994, Viện Hàn lâm Khoa học Áo đề nghị bà ở lại làm việc, nhưng bà quyết trở về. Trong buổi liên hoan chia tay các nhà khoa học nước Áo, viện trưởng nói rằng: “Bà Hà không chỉ xây dựng cho nước Việt, những công trình của bà cũng có nhiều đóng góp cho nước Áo. Bất kể lúc nào, bà cần gì, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”. Một nhóm các nhà khoa học về vi sinh học của quốc tế tại Áo đã tặng bà 4.000USD-khoản tiền rất lớn lúc bấy giờ, để hỗ trợ bà nghiên cứu khoa học.

Năm 1995, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà trở về đơn vị cũ tiếp tục công việc. Việc đầu tiên là bà khơi dậy đam mê khoa học cho giới trẻ. Ngay khi tiếp nhận lứa học trò đầu tiên, bà đã đào tạo lại thông qua giảng lý thuyết và thực hành ngay tại phòng thí nghiệm do chính bà xây dựng bằng số tiền 4.000USD được tặng.

Bằng những mối quan hệ cá nhân, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà đứng ra bảo lãnh, gửi những học trò xuất sắc ra nước ngoài nghiên cứu. Bà cũng thiết lập nhiều kênh hợp tác giữa viện với các viện chuyên ngành, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trên thế giới. Nhờ vậy mà hàng trăm nghiên cứu sinh Việt Nam được ra nước ngoài trau dồi năng lực. Mới đây nhất, bà là người kết nối thành công chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh giữa Việt Nam với Pháp. Với bà Hà, đó chính là những nhịp cầu thành công, giúp đội ngũ nhà khoa học trẻ Việt Nam được tiếp cận với nền khoa học tiên tiến.

PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng là một trong những người đặt nền móng, xây dựng Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) ngày nay. Những năm 1995, tổ chức JICA của Nhật Bản có dự án đầu tư trang thiết bị và huấn luyện để nghiên cứu về môi trường ở Việt Nam. Là người am hiểu về công nghệ sinh học, môi trường, được lãnh đạo viện tín nhiệm, bà đã xây dựng dự án và thuyết trình bằng tiếng Anh về thực trạng môi trường ở Việt Nam. Và họ đã đồng ý hỗ trợ ta khoản viện trợ 10,5 triệu USD.

Đến cải tạo vùng “đất chết”

Niềm đam mê khoa học khiến PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà luôn tất bật. Chưa hết dự án này, bà lại lao vào nghiên cứu khác để đưa công nghệ sinh học vào cải thiện chất lượng sống. Đến nay, bà đã có trong tay gần 20 bằng sáng chế, hơn 150 công trình khoa học công nghệ. Điển hình trong số những thành công của bà là chuỗi công trình xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa, bằng công nghệ phân hủy sinh học.

Nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân tới sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, vùng đất hoang tàn, xơ xác với những số liệu được công bố luôn ám ảnh bà: Nơi đây, quân đội Mỹ từng lưu giữ và sử dụng 98.000 thùng phuy chất độc da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh và 11.000 thùng chất diệt cỏ phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học. Mức ô nhiễm vào loại cao nhất thế giới.

Biết rằng sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng, nhưng với quyết tâm cải tạo vùng “đất chết”, trả lại môi sinh cho người dân, từ năm 1999, bà Hà và những cộng sự của mình đã mải miết đi đến vùng đất ô nhiễm dioxin để nghiên cứu. “Có thời điểm hàng tháng trời, tôi và các cộng sự ăn nằm ở khu vực sân bay để kiểm tra nồng độ dioxin, đánh giá các chủng vi sinh vật đất rồi đo, đếm, xác định các chỉ số. Để tránh phơi nhiễm, chúng tôi uống nước gạo rang, ăn cơm nắm, dựng lều ngủ trên núi đá. Tất cả một lòng quyết tâm”, bà Hà tâm sự.

Ở thời điểm đó, chưa có công bố nào chứng minh việc làm sạch được đất nhiễm nặng dioxin bằng phương pháp sinh học. Rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế hoài nghi về tính khả thi của nghiên cứu. Nghe vậy bà buồn, thất vọng lắm nhưng vẫn tự dặn mình hãy đặt công việc lớn lên trên tất cả. Thay vì than vãn thì hãy làm việc. Và sau đúng 10 năm với 40 tháng ứng dụng, hơn 3.000m3 đất nhiễm dioxin đã được xử lý. Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng độ độc trung bình đã giảm sâu, hiệu quả lên tới hơn 90%, đất có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn.

Công trình “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học” của PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2012. Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự được Chính phủ cho phép lập dự án để mở rộng quy mô. Đến nay, công trình vẫn đang được ứng dụng, không chỉ ứng dụng xử lý dioxin mà xử lý tất cả đất nhiễm độc trên toàn quốc. PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết, bà vẫn đang nghiên cứu cải tiến công nghệ này để rút ngắn thời gian và giảm thêm chi phí, áp dụng rộng rãi hơn.

Tôi thắc mắc: “Phụ nữ theo con đường nghiên cứu khoa học hẳn gặp nhiều khó khăn. Vậy đâu là bí quyết thành công của bà?”. Nhìn tôi, bà nở nụ cười rất thanh thản: “Triết lý sống của tôi giản đơn lắm. You give before you get - hãy cho đi trước khi nhận lại. Đó cũng là điều tôi luôn nhắc các học trò và đồng nghiệp trẻ của mình”.

PHẠM KIÊN