Đi tìm nhân chứng

Lần theo dấu vết thời gian, tôi tìm về trận đánh của 7 dũng sĩ Thanh Khê 40 năm trước. Đà Nẵng đã có tượng đài mẹ Nhu sừng sững, uy nghi đứng giữa con đường trung tâm dẫn vào thành phố, tôn vinh sự hi sinh kiên cường của mẹ gắn liền với chiến công hiển hách của 7 dũng sĩ Thanh Khê. Nhưng dõi theo suốt quá trình hoạt động cách mạng của các dũng sĩ và trận chiến này, vẫn còn hình bóng một người mẹ nữa. Đó là mẹ Lê Thị Hiền.

Chân dung mẹ Hiền

Người Đà Nẵng tự hào về trận đánh oanh liệt “BẢY DŨNG SĨ THANH KHÊ”- cái tên đã trở thành đại lộ của thành phố, nhưng khi tôi tìm thông tin về mẹ Hiền gắn liền với tổ biệt động 4 người ở trong hầm nhà mẹ thì thật khó khăn, bởi tất cả tư liệu đều mờ nhạt. Tại phòng Văn hóa thông tin quận Thanh Khê cũng không có tư liệu lưu trữ. Với quyết tâm tìm lại chiến công của mẹ Hiền, tôi đã lặn lội nhiều ngày đi tìm nhân chứng cũng như số phận những người trong cuộc ngày ấy. Tôi gặp chị Tám (ở hầm mẹ Nhu), chị nói: Nếu tìm hiểu về mẹ Nhu thì chị nắm tường tận, nhưng mẹ Hiền thì chị không biết nhiều. Chị bảo tôi tìm chị Hồng Anh (trước là đảng viên chi bộ cơ sở của quận Thanh Khê) may ra lần được dấu vết các chiến sĩ năm xưa. Qua chị Hồng Anh, tôi biết được địa chỉ vài người còn sống sót sau trận đánh đó: anh Trần Chi (ở Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng), anh Võ Văn Năm (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam). Cả hai người cùng tổ ở nhà mẹ Hiền.

Một buổi chiều, tôi đi tìm nhà anh Trần Chi. Giữa không gian tuềnh toàng, một căn nhà lụp xụp, diện tích khoảng 15m2, mái tôn lốm đốm “sao” và gỉ sét, trước cửa một cái giếng sâu, cỏ mọc lú nhú. Vì không thể hẹn trước nên chỉ có đứa cháu ngoại trông nhà. Trong lúc chờ vợ chồng anh đi làm trên núi về, vài người trong “xóm nghèo” lại tâm sự với tôi. Qua câu chuyện xuề xòa tình làng nghĩa xóm, tôi được biết hoàn cảnh vợ chồng anh rất khó khăn. Căn nhà tí hon này mới được cất sau cơn bão số 6 (Xangsane) nhờ sự hỗ trợ của chính quyền quận Thanh Khê và Báo Thanh Niên, cộng với số tiền 10 triệu đồng anh chị bán khu đất bên cạnh. Hằng ngày, anh Chi đi làm công cho người ta, còn chị đốt than dưới chân đèo Hải Vân để kiếm sống. Sở dĩ nhiều người biết đến anh như vậy một phần vì anh là một trong 7 dũng sĩ Thanh Khê năm xưa, phần vì gia đình quá nghèo túng.

Vợ anh Chi nguyên là giao liên tại vùng Liên Chiểu dịp Mậu Thân (năm 1968). Trong một lần chuyển công văn, chị bị địch bắt. Rơi vào tình thế nguy cấp, nhanh như cắt, chị bỏ luôn tài liệu vào miệng nuốt phi tang. Nhưng quân giặc tàn ác dùng tay bóp chẹn cổ họng, móc miệng moi ra tài liệu. Trước một phụ nữ yếu ớt, đám binh lính ra sức đạp, đá, tra tấn dã man rồi đày chị ra Côn Đảo. Những tháng ngày ở tù phải nếm trải những trận đòn man rợ của bọn máu lạnh khiến cho sức khỏe chị ngày càng giảm sút, những ngày trái nắng, trở trời toàn thân nhức nhối... Thế nhưng cho đến nay chị vẫn chưa được hưởng một chế độ chính sách nào.

Tấm lòng người mẹ Dũng sĩ

 Trở lại trận đánh ở nhà mẹ Hiền, mẹ Nhu. Câu chuyện của anh Trần Chi đã đưa tôi trở về với trận chiến năm xưa. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1968, Quận ủy quận Nhì (nay là quận Thanh Khê) củng cố xây dựng lại tuyến đường dây thông suốt từ căn cứ cách mạng xuống Nam Ô, Xuân Thiều, Hòa Khánh, Hòa Minh, Thanh Khê, Hà Khê. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các cơ sở nội thành bị vỡ, bị khủng bố khốc liệt. Tổ công tác của các anh có 8 người do Quận đội phó quận Nhì Lữ Hùng phụ trách, vừa gây dựng cơ sở, vừa diệt ác ôn lấy lại lòng tin cho nhân dân, vừa làm nhiệm vụ giao thông liên lạc và chuyển vũ khí vào nội thành cho lực lượng biệt động. Các loại vũ khí được chuyển vào Thanh Khê phân tán, giấu kín ở nhà mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh) và nhà mẹ Hiền ở Thanh Lộc Đán. Nhà mẹ Hiền hồi đó rất khá giả, có một kho mắm và một kho muối. Sau khi được ông Năm Dừa (Bí thư Quận ủy quận Nhì) vận động, mẹ đã đồng ý cho đào hầm bí mật trong nhà để cất giấu vũ khí và nuôi giấu các chiến sĩ biệt động. Để  bảo đảm an toàn, kho vũ khí được giấu ở bếp, còn hầm muối mẹ vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp cho 4 chiến sĩ ở, gồm có anh Nguyễn Văn Phương, Ngô Văn Mười, Trần Chi, Võ Văn Năm.

Anh Chi xúc động khi nhớ lại hình ảnh mẹ: “Hằng ngày, ngoài công việc buôn bán, mẹ tần tảo đi chợ, nấu ăn, nuôi anh em bộ đội. Mẹ chăm sóc anh em chúng tôi chu đáo, chân tình như con cái trong nhà. Ở bên mẹ tôi cảm thấy ấm áp, được chăm sóc, che chở như cha mẹ ruột của tôi. Cứ mỗi sáng mẹ dọn vệ sinh hầm, xách nước cho chúng tôi tắm rửa. Ánh mắt, nụ cười hiền hậu của mẹ dõi theo tôi suốt cuộc đời...”.

Bia tạc chiến công 7 dũng sĩ Thanh Khê

Anh Trần Chi kể tiếp: Sáng ngày 26-12-1968, trong lúc 2 tổ biệt động quận Nhì về nghỉ ở hầm nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền, thì Quận đội phó Lữ Hùng đã ra đầu hàng địch và dẫn bọn giặc về tiêu diệt đồng đội của mình. Từ bảy giờ sáng, 2 đại đội cảnh sát dã chiến, có máy bay trực thăng và  pháo binh yểm trợ từ chi cảnh sát quận Nhì đi từ hướng Trần Cao Vân chia làm 3 mũi bao vây khu vực Thanh Khê 4 và Thanh Khê 5, chia thành 2 mũi tấn công trực diện vào nhà mẹ Hiền, mẹ Nhu. Tại nhà mẹ Nhu, chúng đã bắt anh Long (con trai mẹ) áp tải lên xe chở đi, tra tấn mẹ một cách tàn bạo rồi hèn hạ bắn chết mẹ ngay tại sân nhà. Ngay sau đó, tổ biệt động của anh Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung và Nguyễn Thị Tám đã đội hầm thoát lên đánh trả thù cho mẹ Nhu đồng thời phá vòng vây của địch.

Trước tình hình đó, mẹ Hiền bảo các chiến sĩ xuống hầm bí mật để mẹ ngồi trên đối phó. Bọn giặc sau một hồi tra hỏi, lục soát nhà mẹ Hiền mà không tìm thấy được chiến sĩ biệt động nào, chúng bắt mẹ và con gái mẹ đi. Thấy nơi ẩn náu bị lộ, cả tổ biệt động bật hầm trồi lên chiến đấu. Tranh thủ thời cơ, anh em lấy thêm đạn, lựu đạn chôn dưới nền nhà bếp. Biết mẹ Hiền bị bắt, vòng qua sân nhà mẹ Nhu, các anh thấy xác mẹ nằm trên vũng máu đầm đìa, anh Phương hô lớn: “Quyết trả thù cho các mẹ”. Lúc này, ở nhà mẹ Hiền, bọn cảnh sát dã chiến đổ quân bao vây chốt chặn ở các đường ra vào. Các chiến sĩ biệt động đánh trả quyết liệt. Địch tiếp tục viện binh, dùng lực lượng mạnh để áp đảo quân ta nhưng vấp phải sự phản kháng nên không sao tiến vào được. Kho chứa muối ở nhà mẹ Hiền đã trở thành nơi quyết chiến của các chiến sĩ biệt động với quân địch. Với thủ đoạn thâm độc, địch bắt bà con mang quang gánh đến nhà mẹ Hiền để phá kho muối nhưng thực chất là làm bia đỡ đạn cho chúng. Bị bao vây tứ phía, anh Mười (Tổ trưởng) chỉ huy cả tổ dùng AK bắn trả và ném lựu đạn đẩy địch ra xa.

Cuộc chiến đấu diễn ra từ sáng cho đến mờ tối thì tổ biệt động thoát được vòng vây, rút về chùa Phú Lộc tạm lánh. Hơn mười ngày ở chùa, 4 người đói, rách tả tơi, đào khoai, sắn ăn sống. Nửa tháng sống trong cảnh màn trời chiếu đất, lương thực không có, anh Phương và anh Mười ra Ngã ba Huế thăm dò tình hình, kiếm thức ăn. Anh Chi và anh Năm ở lại đợi mãi không thấy hai anh quay lại, bèn lần ra đường tìm thì bị địch bắt…

Trận đánh của đội biệt động quận Nhì diễn ra bất ngờ và không cân sức, song các chiến sĩ của ta dưới sự chở che của hai mẹ đã chủ động, linh hoạt, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt và làm bị thương hơn 80 tên Mỹ - ngụy. Cùng với gương sáng về tinh thần trung kiên, bất khuất của mẹ Nhu và mẹ Hiền, 7 chiến sĩ đã làm nên chiến công vang dội,  bảo vệ căn cứ Thanh Khê, củng cố lòng tin cho nhân dân. Trận đánh đã đi vào lịch sử, các chiến sĩ biệt động được mang danh hiệu “Bảy dũng sĩ Thanh Khê”.

Sau buổi trò chuyện ngắn ngủi với anh Chi, tôi tìm về thăm gia đình mẹ Hiền. Ngôi nhà khang trang của mẹ năm xưa nay chủ nhân đã là người khác, hai căn hầm nuôi giấu chiến sĩ biệt động cũng không còn. Tôi tìm đến nhà con trai mẹ. Trên bát hương của mẹ ngày rằm đang nghi ngút khói hương. Người con dâu thứ tâm sự: Sau trận chiến, chúng tiếp tục cuộc càn quét, vơ vét tất cả tài sản của mẹ dành dụm, chỉ còn lại xác nhà tan hoang. Mẹ bị địch bắt, bị hành hạ để moi thông tin, nhưng bất lực trước trái tim trung kiên với Đảng, với cách mạng, cuối cùng chúng nhốt mẹ vào nhà tù, mãi cho đến Hiệp định Pa-ri mẹ mới được trả tự do. Về nhìn lại gia cảnh thương tâm, mẹ gắng gượng cơm cháo qua ngày. Tuổi già, sức cạn, cộng với nhức nhối của những ngón đòn man rợ của quân thù, vài năm sau mẹ qua đời.

Một trận đánh, một chiến công hiển hách của 9 con người, một người mẹ đã đi vào bất tử (mẹ Nhu), một dũng sĩ trở thành Anh hùng LLVT nhân dân (chị Nguyễn Thị Tám), một người hi sinh trong trận đánh sau đã được vinh danh liệt sĩ, còn ba người bị địch bắt tù đày trong đó có mẹ Hiền thì xã hội dần quên. Làm sao chúng ta có thể quên hình ảnh của mẹ mỗi khi nhắc đến chiến công của 7 dũng sĩ Thanh Khê, bởi chính mẹ là niềm tin, là điểm tựa, là sức mạnh cho những anh hùng chiến đấu? Mẹ Nhu, mẹ Hiền chính là những dũng sĩ tiên phong, tạo đà, tạo lực cho chiến sĩ xông lên phá trùng vây. Và những người như anh Chi, vợ anh Chi… xã hội cần bù đắp cho những mất mát, hi sinh của họ!

Bài Và Ảnh: CHU LOAN