Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới được chính quyền và nhân dân địa phương sửa lại khang trang trên nền căn nhà lá cũ năm xưa là người phụ nữ nhỏ bé. Thật khó có thể hình dung nổi làm cách nào mà nhiều chục năm về trước, người phụ nữ ấy có thể nuôi nấng 5 người con khôn lớn, trưởng thành. Ở tuổi 90, cùng với di chứng của những ngày tháng lam lũ thời tuổi trẻ khiến lưng mẹ còng xuống, bước chân không còn vững vàng nhưng nét đôn hậu, chất phác vẫn bừng sáng trên khuôn mặt mẹ Phạm Thị Mai. Chỉ vào một bên tai không còn nghe rõ, mẹ bảo: “Muốn hỏi gì các con nói to vào bên tai kia nhé. Rõ là, già rồi còn làm khó các con!”.
Ấy là lẽ tất nhiên của tạo hóa, nhưng như một thói quen đã thấm vào máu thịt, mẹ Phạm Thị Mai ngại phiền đến người khác. Bao năm qua, mẹ đã một mình chịu thương chịu khó bươn chải, vun vén việc nhà, chăm con để chồng là ông Phạm Thái Quý yên tâm đi làm thuê khắp nơi. Cũng có lẽ bởi cám cảnh “gà trống nuôi con” của ông mà năm đó, bỏ qua bao mối duyên đẹp mà mẹ nên nghĩa vợ chồng với ông. “Người Mường chúng tôi là thế, đã cảm mến rồi thì dù khó thế nào cũng đến với nhau”-mẹ tâm sự.
Mẹ Phạm Thị Mai không nhớ chính xác năm mình lên “xe hoa” về nhà chồng nhưng lại nhớ rất rõ khi đó “thằng cu Vây 8 tuổi, còn cu Dũng sắp lên 4”. Cô thôn nữ xinh đẹp của bản Mường Phạm Thị Mai đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới, với tiếng “mẹ kế con chồng”. Giữa miệng đời dị nghị, mẹ một mực lặng lẽ bên chồng, chăm sóc hai con chu đáo. Kể cả sau này, khi có thêm những đứa con của chính mình thì Phạm Thái Vây và Phạm Thái Dũng vẫn nhận được sự ưu ái riêng của mẹ. Chẳng thế mà cho đến tận bây giờ, ở thôn Cao Thượng, dường như chẳng mấy ai tin anh Vây, anh Dũng không phải là con mẹ sinh ra. Người ta phải tra lý lịch để thẩm định sự thật, vì những người cùng thế hệ của mẹ bây giờ còn sống đều nhất mực khẳng định hai anh là con của mẹ.
Người làng Cao Dương bao đời nay chỉ có nghề trồng lúa, trồng màu là chính. Cùng chồng, mẹ ngày đêm lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bất kể nắng hè gay gắt gió Lào hay mưa phùn gió bấc ngày đông để làm ra cây lúa, củ khoai nuôi con. Xong việc nhà, hai vợ chồng mẹ lại đi làm thuê mong kiếm thêm để nuôi 5 đứa trẻ. Dù không cùng một mẹ sinh ra nhưng dưới sự nuôi dưỡng, giáo dục của mẹ, cả 5 người con đều ngoan ngoãn, yêu thương nhau. Nhất là hai anh Phạm Thái Vây, Phạm Thái Dũng, sớm hiểu chuyện nên đã có thể giúp mẹ một phần việc đồng áng và chăm em.
Ông Lê Hoàng Lương, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Cao Thượng cho biết: “Phạm Thái Vây bằng tuổi tôi, sinh năm 1948. Ngày ấy, dù gia cảnh khó khăn nhưng Vây cũng được mẹ Mai lo cho học đến lớp 7. Hai chúng tôi nhập ngũ năm 1968, đều được huấn luyện tân binh ở Sư đoàn 338, sau đó bổ sung vào chiến trường miền Nam. Từ ấy bặt tin nhau. Ngày hòa bình trở về quê tôi mới biết, một năm sau em Thái Dũng cũng nhập ngũ. Chẳng ngờ cả hai anh em đều hy sinh”.
Lần lượt năm trước, năm sau mẹ tiễn hai con lên đường chiến đấu giải phóng quê hương. Mẹ Mai ngày đêm mong mỏi tin con. Do được học hành đến nơi đến chốn, dù không được về thăm nhà nhưng thi thoảng, thư của các anh cũng về khiến mẹ vơi bớt nỗi nhớ thương. Tiếc rằng đến giờ gia đình chẳng còn giữ được lá thư nào. Đến cả bằng Tổ quốc ghi công Nhà nước trao tặng cũng bị hỏng do thời gian, đang chờ cấp lại. Mẹ Phạm Thị Mai ngậm ngùi: “Hai đứa nó thiệt thòi, thiếu thốn tình thương của mẹ đẻ nên mẹ gắng hết sức có thể để chúng bớt tủi. Giá cái Thỉ là trai (chị Phạm Thị Thỉ, con gái đầu của mẹ, sinh năm 1958-TG), mẹ đã cho theo bảo vệ các anh nó rồi”.
Tiếp lời mẹ, anh con trai út Phạm Thái Long, sinh năm 1962 kể: “Các anh chị không biết, ngày xưa mẹ luôn lấy gương hai anh ra để dạy tôi. Nào là các anh ngoan ngoãn, chịu khó, hay lam hay làm lại ham học. Nhiều lúc đến tôi cũng nghĩ mẹ mới là mẹ ruột của các anh”. Có lẽ chính bởi vậy mà hai lần nhận tin báo tử của các anh, mẹ đã chết lặng, như đứt từng khúc ruột. “Năm 1974, địa phương làm lễ truy điệu báo tin anh Vây đã hy sinh năm 1968. Cũng khoảng thời gian đó năm sau là tin anh Dũng hy sinh năm 1972. Cả hai lần tôi đều đang làm ngoài đồng. Được người làng thông báo, về đến sân nhà đã thấy mẹ tôi gục bên góc nhà, ánh mắt thất thần. Mẹ không khóc, cũng chẳng thể nói được câu nào mất hàng tháng trời”-anh Long nhớ lại.
Nỗi đau rồi cũng qua, mẹ Phạm Thị Mai lại cùng chồng và các con tiếp tục cuộc sống thường nhật nơi núi rừng, với bản làng thân thuộc. Năm 2015, mẹ được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngay sau đó, Kho K822, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật đã nhận phụng dưỡng mẹ. Đây là sự tri ân kịp thời dành tặng mẹ, người đã có công dưỡng dục hai liệt sĩ Phạm Thái Vây và Phạm Thái Dũng. “Tôi luôn cảm ơn bà ấy đã cùng tôi gồng gánh giữa cuộc đời này. Bà ấy xứng đáng được nhiều hơn thế”-chồng mẹ, ông Phạm Thái Quý đã gửi lại những lời như vậy trước khi từ giã cõi trần năm 2018, như mọi lời nhắn nhủ dành cho người ở lại!
TUẤN TÚ