Sinh năm 1953 ở Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), 18 tuổi, đang học lớp 8, một lần tình cờ nghe được thông tin về việc địa phương sắp thành lập một tiểu đoàn nữ lên đường vào Nam chiến đấu, Ngô Thị Tuyết trăn trở, suy nghĩ lắm. “Đã đến lúc mình không thể ngồi trên ghế nhà trường được nữa!”-Tuyết nói với Phí Thị Thủy, vừa là cô họ, vừa là bạn học. Hôm sau, hai cô cháu Phí Thị Thủy và Ngô Thị Tuyết viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

leftcenterrightdel
Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ8-3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng, năm 2019. Bà Ngô Thị Tuyết ngồi thứ hai, từ phải sang. Ảnh: HỒNG HUÂN

Tháng 5-1971, hai người cùng có giấy gọi nhập ngũ vào Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc. Sau 4 tháng huấn luyện, những cô gái chân yếu tay mềm đã có thể mang vác đến 25kg quân tư trang trên vai. 4 tháng sau thì được lệnh lên đường đi chiến đấu. Sau lễ xuất quân tại Ứng Hòa (Hà Tây trước đây), các chị hành quân bộ đến ga Phủ Lý rồi lên tàu vào Nam. “Ngày ấy, nhiệm vụ đi chiến đấu là bí mật, không ai được thông báo về ngày giờ xuất quân, vậy mà trước giờ tàu chạy có rất đông bà con nhân dân ở hai bên đường ra đưa tiễn. Phút chia tay, nhiều chị òa khóc nghẹn ngào. Nhưng đó chỉ là một chút ủy mị rất con gái, chứ không ai sợ hãi hay thoái thác nhiệm vụ!”-bà Ngô Thị Tuyết nhớ lại.

Tàu đưa tiểu đoàn đến ga Vinh thì các chị xuống đi bộ, sau đó được xe GAZ-67 không mui chở đến cửa rừng rồi hành quân để vào tuyến. Ngày nghỉ, đêm đi, mỗi chị được phát một miếng lân tinh để đằng sau mũ cho đồng đội nhìn thấy mà không lạc nhau. Đêm đầu tiên ở rừng Trường Sơn, các cô gái ngồi dựa lưng vào nhau, lúc khóc thút thít vì nhớ nhà, lúc kêu ré lên vì đã biết thế nào là vắt rừng... bu kín hai ống chân, lúc lại cười vang cả rừng vì trêu đùa nhau. Vào đến Trạm 5-trạm đầu tiên của Bộ tư lệnh Trường Sơn thì các chị được phân công về các đơn vị. Bà Ngô Thị Tuyết cho biết: “Trước lúc lên đường, ai cũng tưởng sẽ được vào Nam chiến đấu ngay, sau lại về các đơn vị giao liên, tải thương, vận tải... Lúc đầu cũng có người thắc mắc, nhưng sau đó được các đồng chí chỉ huy giải thích là nhiệm vụ nào cũng là để đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng đất nước thì ai cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ. Riêng tôi nằm trong nhóm yếu nhất, do bị cảm và say xe suốt dọc đường, phải ở lại Trạm 5 để hồi phục sức khỏe. Sau đó, tôi tiếp tục hành quân và được nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 8 giao liên đóng tại bản Hội Hoóng, tỉnh Savannakhet, Lào”.

Những ngày trên đất bạn, vừa đi chặt tre nứa làm nhà hầm, vừa đi cuốc nương, làm rẫy, làm công việc của tiểu đội tăng gia, Ngô Thị Tuyết cùng với 6 đồng đội còn làm nhiệm vụ đưa quân vào tuyến và tăng cường cho các trạm xá, nhà bếp. Bà nhớ mãi tình cảm yêu thương, đùm bọc của người dân bản Hội Hoóng đối với bộ đội Việt Nam. Mỗi lần có người bị ốm, dân bản lại cử người mang thuốc quý của bản là các loại rễ cây, dây rừng đến để “bộ đội Việt Nam hết bệnh”. Cũng có lần cả tiểu đội sốt rét, không ai có thể gượng dậy nổi. Vậy mà sáng đó, dân bản tìm đến tận lán, mổ gà, nấu cháo cho các chị. Đưa miếng cháo lên miệng, ai cũng rưng rưng xúc động...

Hòa bình lập lại, bà Tuyết ra Bắc, chuyển ngành về quê nhà, trải qua nhiều cương vị công tác, rồi trở thành người đứng đầu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Đức. Ngay từ khi còn công tác, bà đã tập hợp đồng đội thành lập Ban liên lạc Hội Bộ đội Trường Sơn huyện Hoài Đức, sau đó là Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, sớm hôm thăm hỏi, động viên nhau. Bây giờ, đã ngoài 60 tuổi, vậy mà vẫn hiếm khi bà ở nhà. Lúc thì đi thăm hỏi sức khỏe đồng đội, lúc đi khảo sát để xây nhà tình nghĩa, khi đi vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội... Việc nào bà cũng làm chu toàn, tươm tất, được đồng đội khen là “người có khả năng nối vòng tay lớn”. Những năm qua, cùng với Ban liên lạc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn, bà là sợi dây kết nối, vận động được hơn 76 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động nghĩa tình. Đã có 77 ngôi nhà tình nghĩa Trường Sơn dành tặng đồng đội được xây mới và sửa chữa, hơn 4.000 suất quà tặng, sổ tiết kiệm được trao tận tay đồng đội... Bà chia sẻ: “Đồng đội mình còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả lắm. Tri ân bao nhiêu cũng cảm thấy chưa đủ!”.

PHẠM THU THỦY