    |
 |
Chân dung nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Bé. |
Chị ngã xuống cách đây hơn 46 năm nhưng trong ký ức của người thân và đồng đội, người chính trị viên xã đội tiêu biểu ấy vẫn sống mãi cùng quê hương Gò Dầu. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nga, em gái của liệt sĩ Nguyễn Thị Bé: Chị Hai Bé sinh năm 1943. 17 tuổi, chị đi làm giao liên cho bộ đội kháng chiến. Nhờ sự dìu dắt của các chú cán bộ, chị sớm giác ngộ cách mạng, quyết tâm chọn con đường có ích cho dân, cho nước. Năm 1961, chị tham gia công tác đoàn ở xã Suối Bà Tươi, cùng lực lượng thanh niên vừa tham gia đánh giặc giữ làng, vừa tuyên truyền, vận động bà con bám trụ bảo vệ quê hương. Trong các hoạt động ấy, chị Hai Bé nổi lên với lòng nhiệt huyết và tinh thần dũng cảm chiến đấu chống càn. Trận đánh nào, công việc nào chị cũng có mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
    |
 |
Đại diện Tổng cục II, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo địa phương dâng hương tưởng niệm liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Bé. |
Với thành tích và bản lĩnh hơn người, vài năm sau, Nguyễn Thị Bé được kết nạp Đảng, rồi trở thành Bí thư chi bộ, Chính trị viên xã đội Suối Bà Tươi. Cuối năm 1963, địch tăng cường đánh phá, quyết san phẳng Gò Dầu, dập tắt phong trào cách mạng. Thực hiện chủ trương “quyết tử giữ Gò Dầu”, ta xây dựng những “lõm chính trị” hay còn gọi là “căn cứ lõm” trong các ấp chiến lược, làng xóm, khu rừng chồi, đồn điền cao su. Nhiều “căn cứ lõm” chỉ cách đồn địch vài trăm mét, tạo thành thế cài răng lược để bám đất, bám dân. Hằng đêm, chị Hai Bé lặn lội tới các ấp trong xã để xây dựng lực lượng kiên cường bám trụ, vận động nhân dân giữ làng, giữ đất, gây dựng phong trào. Ở đâu có chị là ở đó có lực lượng đánh giặc; chỗ nào giặc đến là chỗ đó có chị cùng dân quân bền gan chiến đấu. Theo lời kể của ông Lê Văn Phúc, nguyên Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, lúc bấy giờ, cái tên Hai Bé đã trở thành nỗi lo âu của giặc. Mỗi lần nghe tiếng của chị, chúng bắn xối xả để thị uy nhưng chị không khiếp sợ. Chính trị viên Nguyễn Thị Bé vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện khiến quân địch hoang mang. Chị Bé rất giỏi làm công tác địch vận. Đêm xuống, chị dùng loa hướng về phía đồn địch tuyên truyền chính sách tù hàng binh, chủ trương khoan hồng của cách mạng, kêu gọi tụi lính buông súng quay về với nhân dân, với gia đình, vợ con. Tiếng loa của chị làm lung lạc tinh thần quân giặc trong đồn, củng cố lòng tin và cổ vũ khí thế của nhân dân, du kích. Bởi vậy, mặc dù địch chà đi xát lại hòng biến Gò Dầu thành “vùng trắng” nhưng âm mưu của chúng bị thất bại. Phong trào cách mạng vẫn sục sôi trong “căn cứ lõm” Gò Dầu.
Năm 1969, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng, một số đơn vị phải chuyển địa bàn để củng cố lực lượng. Đại đội 33 Gò Dầu cùng du kích nhiều xã vẫn bám lại vùng ven, tiếp tục đưa phong trào trỗi dậy. Một lần nữa, giặc tung quân càn quét quy mô lớn. Nhiều cơ sở của ta bị bắt. Chính trị viên Nguyễn Thị Bé phải rút sang xã Thanh Phước hoạt động cùng du kích địa phương, tìm cách vực dậy phong trào cách mạng ở xã Suối Bà Tươi. Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, bất chấp hiểm nguy, chị đã xông xáo khắp nơi và dần khôi phục lại phong trào mạnh hơn trước. Giai đoạn này, chị thực hiện hiệu quả chủ trương “đột ấp phá kiềm”, tổ chức hàng chục trận đánh, ngăn chặn, tiêu diệt, phá thế phong tỏa của địch. Ông Phạm Văn Gởi (Ba Gởi), một trong những du kích xã Suối Bà Tươi kể lại: “Ngày 20-5-1971, trận chống càn diễn ra ác liệt ngay từ đầu, chúng tôi phải rút xuống hầm ở ấp Cây Trắc để cố thủ. Chị Hai Bé sát cánh cùng chúng tôi đánh giặc. Bọn lính địa phương quân tràn vào ấp, chúng phát hiện căn hầm có lỗ thông hơi, liền bao vây kín. Tên chỉ huy ra lệnh: “Bắn!”. Lập tức đạn tuôn xối xả khiến lỗ thông hơi rộng hoác. Súng địch vừa ngưng, thấy một tên ngó xuống, tôi liền siết cò làm bật tung nắp hầm. Tình thế khẩn trương, tôi nhảy lên miệng hầm quét một băng AK tiêu diệt tên chỉ huy và làm mấy tên khác bị thương. Chị Hai Bé vọt theo ném lựu đạn. Tranh thủ thời cơ địch chưa hoàn hồn, rối loạn do tên trung đội trưởng vừa bị bắn chết, chị Hai Bé hô: “Rút”, rồi lao vào vạt rừng; còn tôi lăn mình xuống bờ suối trốn thoát”.
Thế rồi một tổn thất lớn đến với phong trào cách mạng Gò Dầu. Sau Hiệp định Paris, tháng 3-1973, địch càn vào “căn cứ lõm” có cả xe tăng của thiết đoàn 10 (sư đoàn 25) cùng đại bác bắn phá mãnh liệt, quần nát từng tấc đất trong vùng căn cứ. Lực lượng của chúng đông, hỏa lực mạnh, trong khi quân ta quá mỏng. Bộ binh của chúng tràn vào đông vô kể. Các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích sẵn sàng quyết tử. Nhớ lại trận đánh đó, thương binh Nguyễn Văn Lẻ, nguyên cán bộ Đại đội 33 huyện Gò Dầu hồi tưởng: Chúng tôi được lệnh phối hợp với lực lượng du kích các xã giam chân địch khi chúng tiến sâu vào căn cứ. Bất chấp sức mạnh của quân thù, chị Hai Bé không nao núng tinh thần, dũng cảm, mưu trí chỉ huy du kích chi viện hiệu quả cho đơn vị tôi đánh địch. Trong lúc giao tranh ác liệt, chị Hai Bé đã dùng B41 bắn vào chiếc xe tăng đang gầm rú tiến vào đội hình của ta. Chiếc xe tăng bị cháy, địch dồn hỏa lực về phía chị… Những tiếng nổ chát chúa vang lên liên tiếp, chị Hai Bé bị trọng thương và ngã xuống bên một hố chiến đấu cá nhân. Chị đã anh dũng hy sinh ngày 23-3-1973.
Năm 1994, liệt sĩ Nguyễn Thị Bé được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau này, soạn giả Thanh Hiền đã viết lời bài ca cổ “Bông huệ đỏ”, khắc họa quãng đời hoạt động, chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của chị như một sự tri ân đối với nữ Chính trị viên Nguyễn Thị Bé.
Bài và ảnh: YẾN LONG