Sau khi tham quan khuôn viên bệnh xá có diện tích gần 4.000m2, bên bức tượng người bác sĩ anh hùng, các thành viên, cộng tác viên của quỹ đã được nghe những câu chuyện xúc động về bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua lời kể của bà Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ. Bà Đặng Kim Trâm luôn nhắc về người chị cả Đặng Thùy Trâm với niềm kính yêu, thương nhớ: “Năm 1956, trong những ngày mẹ chuẩn bị sinh tôi thì gia đình gặp biến cố lớn. Cha tôi bị bắt giam, chị Thùy (Đặng Thùy Trâm) đã thay cha gánh vác mọi việc trong nhà, dù lúc ấy mới học cấp hai. Ngay từ nhỏ, chị Thùy đã là người chịu thương chịu khó, luôn lo lắng, chu toàn mọi việc. Chị luôn sống vì mọi người. Tình yêu thương, sự hy sinh của chị cho đến bây giờ vẫn thường được chúng tôi kể lại cho các thế hệ con cháu”.

Sau biến cố, bác sĩ Đặng Ngọc Khuê-bố chị Thùy Trâm, được minh oan nhưng gia đình phải ly tán. Một nửa theo bố mẹ lên Hà Nội, nửa còn lại-Thùy Trâm và Hiền Trâm (cô em gái thứ ba) ở lại Lam Sơn, Thanh Hóa để Thùy Trâm học hết năm cuối cấp hai. Trong những ngày phải đi mót thức ăn từng bữa, Thùy Trâm luôn dành tất cả tình yêu thương cho cô em gái bé bỏng. “Chị Hiền (Hiền Trâm) thường kể với tôi: Bữa cơm chiều, dù có nhiều hay ít, chị Thùy cũng để dành một bát làm quà sáng cho em. Những lúc mưa bão, không thể đi mót rau hay bắt ốc, thì bao giờ đứa em của chị cũng có khi một ít tép khô, khi thì ít mỡ. Biết hoàn cảnh của hai chị em, nhiều bạn học thường đem khi thì củ khoai hay cái kẹo bột cho chị. Dù phải nhịn ăn sáng đi học nhưng bao giờ chị Thùy cũng khéo léo giấu đi để phần em”-bà Đặng Kim Trâm nhớ lại.

leftcenterrightdel
Bà Đặng Kim Trâm bên bức tượng chị gái-Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: KHÁNH AN

Sau này, được đọc nhật ký của chị Thùy Trâm để lại, mọi người trong gia đình đã rơi nước mắt bao lần khi biết chị đói nhưng không để thương binh đói, chị vất vả, chịu đựng những mùa đông giá rét để giữ ấm cho thương binh, bệnh binh mà không một lời kêu than. “Chúng tôi đã không thể kìm lòng khi đọc những đoạn chị tả mưa rừng xối xả và dai dẳng. Trên vùng đất Đức Phổ ác liệt ở chiến trường Khu 5 ngày ấy, chị vẫn kiên cường bám trụ để chăm lo cho thương binh và người bệnh. Điều ấy làm chúng tôi vừa xót xa vừa kính phục chị!”-bà Đặng Kim Trâm kể tiếp-“Nhiều năm trước, có một người thương binh từng được chị trực tiếp cứu chữa đã tìm gặp gia đình tôi. Anh ấy nói: “Là người trong cuộc, tôi thành thực khâm phục chị cô, người có thần kinh thép! Làm sao chị cô có đủ nghị lực để chịu đựng hoàn cảnh khó khăn, vây hãm lâu đến thế. Sống chết tính từng giờ, từng phút mà chị ấy chịu đựng đến mấy năm trời!”. Người lính ấy, sau khi được chị sơ cứu đã được chuyển ra miền Bắc để tiếp tục điều trị. Và anh đã băn khoăn mãi, “không biết cô bác sĩ gan dạ nhưng mỏng manh còn phải ở lại mảnh đất tàn khốc ấy đến khi nào?”, cho đến khi nhật ký của chị được phát hành rộng rãi, và qua truyền thông, anh ấy đã tìm được gia đình tôi”.

Chăm chú lắng nghe câu chuyện từ phút đầu, sinh viên Phan Thanh Uyên (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Em đã đọc đi đọc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và rất ngưỡng mộ sự cống hiến, hy sinh cũng như tâm hồn, sức sống mãnh liệt của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hôm nay, được vào thăm phòng truyền thống trong khu bệnh xá, được nghe những câu chuyện về chị qua lời kể trực tiếp từ người thân của chị, em thực sự rất khâm phục. Thế hệ trẻ chúng em được sinh ra trong hòa bình, không phải chịu khói lửa chiến tranh, được hưởng tất cả những gì ưu việt nhất của chế độ. Thành quả ấy chính là nhờ sự hy sinh của các thế hệ đi trước như chị Đặng Thùy Trâm… Chúng em càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống, xây dựng quê hương, đất nước”.

Tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi chị Đặng Thùy Trâm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, một bệnh xá mang tên chị được khánh thành vào ngày 20-12-2006. Bệnh xá được xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, gồm các khoa chức năng, giường bệnh bảo đảm cho việc khám và điều trị ban đầu cho cư dân trong khu vực. Công trình có hình dáng như một bàn tay, với ý nghĩa “bàn tay người thầy thuốc che chở bệnh nhân của mình trong lửa đạn”. Ngoài các phòng chức năng, điều trị chuyên môn thì trong khuôn viên bệnh xá còn có một phòng truyền thống trưng bày những hiện vật, hình ảnh về bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đồng đội của chị cùng tư liệu về cuộc chiến đấu của quân dân Đức Phổ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, trong khuôn viên bệnh xá có bức tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Vừa từ khu điều trị trong bệnh xá trở về, ông Huỳnh Đoàn Sang (75 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ vui vẻ cho biết: “Từ ngày có bệnh xá, nơi đây đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy cho bà con quanh vùng. Không chỉ vậy, đây còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, thường xuyên có các đoàn của Trung ương, địa phương, các trường học... tổ chức các chuyến “về nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ về thăm viếng mỗi ngày, nhất là vào các dịp lễ lớn của dân tộc như 30-4, 2-9… Chúng tôi rất vui khi thấy thế hệ trẻ đến đây với sự trân trọng và thành kính đặc biệt dành cho anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm”.

THU THỦY