Sân nhà bà Mận thơm ngát và vàng óng màu lúa chín. Năm nay đã 71 tuổi, nhưng đôi tay bà vẫn nhanh nhẹn đảo thóc còn đôi bàn chân chai sần vẫn thoăn thoắt “đi” thóc lạo xạo. Thấy khách đến chơi nhà, bà quệt vội mồ hôi, dừng công việc và rót những ly nước vối nóng hổi mời mọi người.
Mới học xong lớp 7, Nguyễn Thị Mận đã tham gia đội dân công của xã Vũ Vân. “Ngày ấy, thanh niên trai tráng đều xung phong ra trận. Ở quê chỉ còn lại phụ nữ và các bậc trung niên, nên chúng tôi luôn xác định tinh thần trách nhiệm “thi đua với các chiến sĩ trên chiến trường, xây dựng hậu phương thành điểm tựa vững chắc”-bà Mận nhớ lại. Ngày ấy, quê hương Vũ Vân rạo rực không khí đoàn kết, thi đua sản xuất. Tuy thấp bé nhưng Mận không hề thua kém các chị, các cô về năng suất lao động và là tấm gương đoàn viên thanh niên điển hình trong các phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” của xã. Đầu năm 1965, Nguyễn Thị Mận được mọi người tín nhiệm bầu làm Đội trưởng Đội thủy lợi xã Vũ Vân kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân sông Hồng với nhiệm vụ: Tổ chức lao động sản xuất song song với tổ chức chiến đấu khi có tình huống. Trong đó, việc đắp đê ngăn lũ lụt, đào kênh dẫn nước vào đồng rất cần đến thể lực nên Mận đã tìm cách khắc phục nhược điểm hình thể nhỏ bé của mình để hoàn thành nhiệm vụ. Trong ký ức của bà Mận, lần được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong đời. Hôm đó là ngày 28-12-1966.
|
|
Bà Nguyễn Thị Mận giới thiệu với ông Lê Văn Lợi, Chủ tịch Hội CCB xã Vũ Vân bức ảnh bà dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4 (năm 1967). |
- Cháu làm gì? - Bác Hồ hỏi.
- Dạ, cháu làm thủy lợi.
- Cháu bé thế làm sao khuân vác nổi?
- Dạ, chúng cháu cải tiến dụng cụ lao động ạ. Nhờ cải tiến mà từ con số 0, chúng cháu phấn đấu đạt 100% rồi vượt lên 330% chỉ tiêu năng suất lao động ạ.
Đội thủy lợi của Nguyễn Thị Mận ngày ấy gồm 45 người (trong đó có 30 nữ, còn lại là các chú, bác lớn tuổi). Lần đầu nhận nhiệm vụ đắp đê tuyến sông Trà Lý, mỗi ngày chỉ làm được hơn mét đê mà tay chân mình mẩy đau ê ẩm nên cả đội ngán ngẩm trước khối lượng hàng nghìn mét khối đất đá cần được đào đắp, vận chuyển. Vừa làm vừa sáng tạo, Trung đội trưởng Mận họp toàn đội, đưa ra các sáng kiến để tăng năng suất lao động. Đầu tiên, Mận có sáng kiến thay chiếc xe cải tiến thành xe rùa bằng gỗ. Chiếc xe rùa đã lập thành tích với các ưu điểm: Dễ cơ động, giảm nhân lực từ 3-4 người nếu sử dụng xe cải tiến xuống chỉ cần một người. Thành công đã tiếp sức cho nhiệt huyết sáng tạo. Áp dụng kỹ thuật kéo vó bè, Mận sáng tạo thêm trục quay và cho ra đời chiếc “cần cẩu” để lấy đất dưới lòng sông đưa vào bờ đắp đê. Đồng thời, Mận nghĩ ra cách vận chuyển đất qua các địa hình phức tạp bằng cầu lao, hay sáng tạo kéo cắt đất bằng khung gỗ và dây thép thay mai đào đất… Nhờ vậy, tuyến đê các sông Kiến Giang, sông Lân, tuyến đê sông Hồng, Trà Lý… dần dần được đắp vững chắc. Lòng sông, lòng kênh được nạo vét, lúa đồng no nước tốt tươi.
Những câu chuyện của bà Mận còn đưa chúng tôi quay lại từng khúc sông quê chở nặng chiến công, khí phách của quân dân miền Bắc anh hùng nói chung và của Trung đội nữ dân quân sông Hồng nói riêng. Vào năm 1966, đê Hoàng Diệu bị bom cắt sâu vào thân đê 3m, dài hàng chục mét. Gần 10 ngày đêm, Trung đội nữ dân quân sông Hồng dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Thị Mận thức trắng ngâm mình dưới nước để hàn, gia cố, sửa thân đê cứu nguy cho hàng trăm héc-ta lúa tại 4 huyện: Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ và Thái Thụy không bị chìm trong biển nước nếu đê vỡ. Máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, các nữ dân quân vừa lao động, vừa chiến đấu. Trong lúc hàn đê, nếu gặp máy bay Mỹ đánh phá là cả trung đội rời công việc lao lên trận địa đánh trả. Có lần, Nguyễn Thị Mận bị đất đá do bom Mỹ giội vùi lấp. Rất may, người chú ruột là Nguyễn Văn Thuấn biết vị trí cháu bị vùi đã bới đất lên và đưa Mận vào nơi trú ẩn. Do sức ép của bom, Mận bị ngất, mọi người tưởng cô đã hy sinh. Nhưng rất may được sơ cứu, cấp cứu kịp thời nên Mận đã tỉnh lại. Và chỉ sau một ngày tĩnh dưỡng, cô lại ra công trường, trận địa chỉ huy đội thủy lợi, các chiến sĩ Trung đội nữ dân quân thực hiện nhiệm vụ và đánh trả giặc Mỹ.
Với những chiến công trong lao động và chiến đấu, năm 1966, 1967, bà Mận được nhận cờ luân lưu của Bác Hồ trong phong trào thi đua làm thủy lợi của công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Năm 1967, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỎ