Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến-Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, mục tiêu trong tương lai của đơn vị là “Phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa hiện đại hàng đầu, cơ sở thực hành y học mẫu mực; nghiên cứu y học chuyên sâu”...

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, “103” là một trong những bệnh viện ra đời khá sớm, đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về bối cảnh và ý nghĩa của việc ra đời đó?

Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến: Tháng 10-1950, thắng lợi vang dội của Chiến dịch Biên giới đã giải phóng một vùng chiến lược rộng lớn và đặc biệt quan trọng. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, các hình thức phục vụ chiến đấu cũng được khẩn trương tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu mới của nhiệm vụ quân sự. Ngày 20-12-1950, lễ thành lập Đội điều trị 3 (tiền thân của Bệnh viện Quân y 103 ngày nay) được tiến hành tại một căn nhà của trạm kiểm lâm thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (nay là xã Trung Giáp), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Cũng như các đội điều trị khác, Đội điều trị 3 có nhiệm vụ cấp cứu, điều trị ngoại khoa là chủ yếu và được bố trí ngay sau tuyến quân y các trung đoàn, đại đoàn. Chủ trương thành lập các đội điều trị nằm ở giữa tuyến quân y các đại đoàn phía trước và tuyến các bệnh viện dã chiến phía sau đã góp phần giúp ngành quân y được củng cố, phát triển nhằm phục vụ kịp thời và thích hợp với hình thái tác chiến mới của Quân đội ta. Nhiệm vụ của các đội điều trị, trong đó có Đội điều trị 3 rất cơ động, linh hoạt, có lúc được tăng cường thêm lực lượng, trang thiết bị để tổ chức thành bệnh viện dã chiến, song có lúc lại phân chia thành các bộ phận nhỏ, độc lập, tăng cường cho quân y các đại đoàn, trung đoàn... Đây là một kiểu tổ chức hệ thống quân y khá đặc biệt để đáp ứng yêu cầu thực tế của chiến trường và bảo đảm gắn kết hoạt động của quân y với hoạt động quân sự của các đơn vị.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến. Ảnh: TUẤN TÚ

PV: 70 năm đồng hành trong công tác cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc sức khỏe bộ đội, Bệnh viện Quân y 103 đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng. Những minh chứng nào để khẳng định sự thay đổi, phát triển vượt bậc của bệnh viện từ thời kỳ đầu và hiện nay, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến: Thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mặc dù có những lúc còn khó khăn, thiếu thốn, nhiệm vụ khẩn trương, nặng nề, nhưng những thành công mà Bệnh viện Quân y 103 đạt được đã góp phần khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành quân y nói riêng và của y tế nước nhà nói chung. 

Từ một cơ sở huấn luyện lâm sàng nhỏ bé của Trường Sĩ quan Quân y (1957), với 20 giáo viên làm nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy cho các lớp quân y sĩ, đến nay bệnh viện đã có hơn 300 giảng viên, đảm nhiệm hơn 60% khối lượng đào tạo hằng năm của Học viện Quân y. Đối tượng được đào tạo rất đa dạng từ bác sĩ, dược sĩ dài hạn, chuyên tu, các bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đến thạc sĩ và tiến sĩ... Lưu lượng hằng năm bệnh viện huấn luyện cho 60-80 lớp, với hàng nghìn học viên. Chất lượng huấn luyện của bệnh viện luôn bảo đảm tốt cả trong thời bình cũng như thời chiến, cả lúc sơ tán về nông thôn cũng như khi ở nơi đóng quân hiện tại. Ngoài việc bảo đảm công tác huấn luyện tại Học viện Quân y, bệnh viện còn tham gia huấn luyện tại chức ở các quân khu, quân đoàn; các bệnh viện tuyến dưới; các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa và cho các tuyến cơ sở.

Khởi đầu là một đội điều trị với biên chế trên dưới 60 người, ngày nay, bệnh viện đã trở thành bệnh viện đa khoa loại I, có một số chuyên khoa tuyến cuối của quân đội. Đến nay, bệnh viện đã thu dung, điều trị tất cả các mặt bệnh nội, ngoại khoa và các chuyên khoa.

Cùng với đó, bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, phát huy nhiều sáng kiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Các ca ghép thận, gan, tim, tụy-thận và ghép phổi thành công đầu tiên trên người ở Việt Nam đều được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh viện đã thực hiện tốt việc kết hợp giữa y học dân tộc với y học hiện đại.

Về công tác nghiên cứu khoa học, những năm đầu thành lập, bệnh viện mới chỉ thực hiện các công trình đơn giản như nhận xét, đánh giá hoặc tổng kết kinh nghiệm công tác cấp cứu, điều trị vết thương chiến tranh, điều trị các bệnh thông thường... Tới nay, kết quả những nghiên cứu của bệnh viện đã mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Bệnh viện Quân y 103 đã trở thành một trung tâm nghiên cứu về y học nói chung, y học quân sự nói riêng, mỗi năm thực hiện 20 đề tài, nhánh đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và tương đương cùng hơn 70 đề tài cấp cơ sở...

PV: Những dấu mốc và sự phát triển đó của bệnh viện được ghi nhận và vinh danh như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến: Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bệnh viện Quân y 103 đã luôn nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong chiến tranh cũng như trong thời bình, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phần thưởng lớn nhất theo tôi là tình cảm trân trọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội, của bộ đội và nhân dân dành cho bệnh viện. Bệnh viện

leftcenterrightdel

Bệnh viện Quân y 103 được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” (tháng 5-2017). Ảnh: DUY HƯNG

Quân y 103 trở thành địa chỉ tin cậy cho bộ đội và nhân dân trên cả nước. Với những thành tích xuất sắc trong công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe, đơn vị đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: 3 lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh...; 8 tập thể thuộc bệnh viện được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân... Bệnh viện được bình chọn là “Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng”, là một trong 12 tập thể và là bệnh viện duy nhất của cả nước được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam-Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, bệnh viện vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

PV: Có thể hình dung về sự phát triển của bệnh viện trong những năm tới cũng như trong tương lai như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây, bệnh viện luôn xác định rõ việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; nghiên cứu khoa học y học và y học quân sự, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa hiện đại hàng đầu, cơ sở thực hành y học mẫu mực; nghiên cứu y học chuyên sâu.

Để đạt được điều đó, bệnh viện sẽ tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể là:

Chủ động, tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo của Học viện Quân y, như: Đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra cho các đối tượng học viên; dạy học tích cực theo hướng tích hợp... Đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ giảng viên, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên cả về trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và kỹ năng giao tiếp.

Về điều trị, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý chất lượng bệnh viện để bảo đảm an toàn điều trị.

Về nghiên cứu khoa học, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ ưu tiên triển khai các đề tài, nghiên cứu khoa học có ứng dụng trong khám, chữa bệnh và các đề tài có khả năng công bố quốc tế; kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo học viên, nhất là học viên sau đại học.

Bên cạnh đó, phát huy những kết quả đã đạt được trong chặng đường 70 năm, bệnh viện luôn xác định triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ bệnh viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng bệnh viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu đơn vị 3 lần Anh hùng LLVT nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHI LONG - THANH TÚ (thực hiện)