Phóng viên (PV): Kể từ Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (tiền thân của HVHC ngày nay) tổ chức vào tháng 5-1951 với 88 học viên, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của HVHC đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa giảng dạy, học tập. Tinh thần ấy đã được thể hiện qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà: Nhắc đến lịch sử của Học viện thì không thể không nhắc đến quá trình phấn đấu vươn lên, vừa nỗ lực giảng dạy, học tập, vừa dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên. Tôi xin đơn cử một vài “dấu ấn” tiêu biểu như: Chỉ trong hơn 3 năm (1951-1954), nhà trường đã gấp rút bồi dưỡng, hoàn thành 5 khóa huấn luyện với gần 500 học viên, kịp thời bổ sung cán bộ cung cấp cho cuộc kháng chiến, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù phải sơ tán, di chuyển nhiều lần, vừa huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu nhưng nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công tác đào tạo, nhà trường thực hiện đan xen nhiều loại hình: Dài hạn, ngắn hạn, bổ túc... đồng thời chuyển hướng đào tạo theo tinh thần huấn luyện sát với thời chiến, cần gì học nấy theo yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của chiến trường.

Không chỉ tổ chức Tiểu đoàn Vận tải 90 với mật danh “Mũi tên xanh” làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, nhà trường còn cử cán bộ, giáo viên tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường nóng bỏng như: Trị-Thiên, Đông Nam Bộ, Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng... Học viện cũng đã cử hàng trăm cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ dò, phá bom mìn, chống lũ cứu dân, lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, lao động quên mình trên các công trường. Đó là những tấm gương tiêu biểu làm sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Học viện.

PV: Ngày nay, trước yêu cầu không ngừng đổi mới công tác GD-ĐT để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí có thể cho biết HVHC đã có những giải pháp, sáng tạo gì?

Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà: Những năm qua, quán triệt sâu sắc và hiện thực hóa các quan điểm của Đảng, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về GD-ĐT, trực tiếp là Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới và Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác GD-ĐT trong Quân đội, Đề án Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội, HVHC đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp, tạo đột phá với những bước đi sáng tạo, vững chắc.

Ngay sau khi Bộ Quốc phòng ban hành đề án, Học viện đã chủ động đi đầu, quyết liệt triển khai xây dựng và đưa vào giảng dạy chương trình đào tạo mới cho các đối tượng, bám sát chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu sáp nhập ngành hậu cần-kỹ thuật trong toàn quân.

Học viện đã triển khai nhiều biện pháp để cụ thể hóa phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”... Trong đó, tập trung đổi mới nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, bảo đảm hiện đại hóa và liên thông giữa các cấp học, bậc học; bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự và ngành hậu cần, kỹ thuật, tài chính Quân đội; kết hợp trang bị lý luận với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, thực hành huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Tổ chức, quản lý, điều hành huấn luyện chặt chẽ, linh hoạt, an toàn, sát thực tiễn; nhất là tổ chức thực tập, diễn tập, hội thi, hội thao...

Ví như, trong các cuộc diễn tập, Học viện đã chủ động mời Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, các đơn vị của Quân khu 1, Quân khu 2, Trường Sĩ quan Pháo binh, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự... cùng tham gia với cán bộ, học viên.

Bên cạnh đó, HVHC mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành tham gia giảng bài, thông tin chuyên đề, truyền thụ kinh nghiệm. Tổ chức tốt các đoàn tham quan, học tập đường dài trên biển tại Trường Sa, nhà giàn DK1 và các đơn vị; cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và quân đội một số nước bạn.

leftcenterrightdel

Cán bộ, học viên Học viện Hậu cần cùng các đơn vị trao đổi trong quá trình thi công xây dựng khu tái định cư

giúp nhân dân tại Bắc Kạn, tháng 12-2024. Ảnh: TIẾN ĐỨC 

Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi, chuyên gia đầu ngành về GD-ĐT thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá, hội thi nhà giáo giỏi, cán bộ quản lý giỏi các cấp; thực hiện tốt chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong giai đoạn 2019-2024, Học viện đã có 26 Giáo sư, Phó giáo sư, công nhận 45 giảng viên chính, 257 giảng viên, 5 nghiên cứu viên, 14 nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng, 191 nhà giáo giỏi cấp Học viện và 92 nhà giáo giỏi cấp khoa.

PV: Đồng chí vừa nhắc đến chủ trương đào tạo của nhà trường là gắn với yêu cầu thực tiễn của đơn vị. Vậy theo đồng chí, việc tăng cường hiện đại hóa, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đào tạo có nằm trong xu thế ấy?

Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà: Những năm qua, ngoài việc tập trung khai thác các trang bị hiện có phục vụ huấn luyện, nghiên cứu khoa học, Học viện đã tích cực tham mưu, đề nghị Bộ Quốc phòng điều chuyển và tổ chức tiếp nhận nhiều trang thiết bị, phương tiện mới, hiện đại đưa vào huấn luyện;  cùng với tăng cường đầu tư các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, mô hình học cụ, trung tâm thực hành huấn luyện... đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Học viện cũng quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng mới hệ thống thao trường, bãi tập hiện đại, đồng bộ phục vụ huấn luyện; từng bước triển khai xây dựng phòng học mô phỏng hiện đại nhằm bắt kịp với sự phát triển của thực tiễn.

Hòa nhịp với xu thế chung, Học viện không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tổ chức đào tạo, nhất là trong điều hành huấn luyện và tổ chức diễn tập. Để bắt nhịp với thực tiễn, Học viện coi trọng đẩy mạnh số hóa tài liệu; qua đó, hoạt động tương tác, trải nghiệm trên môi trường số ngày càng trở nên phổ biến và thiết yếu.

Đến nay, 100% cuộc họp cấp Học viện được tổ chức theo hình thức trực tuyến; các hội thi, hội thao có nội dung kiểm tra trắc nghiệm đều được thực hiện trên phần mềm, một số phần mềm được toàn quân sử dụng. 100% đơn vị cấp 1 của Học viện sử dụng chữ ký số cá nhân; toàn bộ đầu mối cấp 2 và cấp 3 đều được triển khai mạng máy tính quân sự.

PV: Sự đổi mới trong công tác đào tạo ấy có nằm trong định hướng chung của triết lý giáo dục mà Học viện xác định những năm gần đây không, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS Vũ Hồng Hà: Trong Chiến lược bảo đảm chất lượng GD-ĐT giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Học viện xác định triết lý giáo dục với 4 tiêu chí là: Bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, thực tiễn.

Trong đó, Học viện xác định phải bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan hậu cần-kỹ thuật, tài chính có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đội ngũ sĩ quan hậu cần-kỹ thuật, tài chính tương lai phải có trí tuệ và năng lực toàn diện, chuyên nghiệp theo yêu cầu nhiệm vụ.

Từ đó, công tác đào tạo phải tích cực đổi mới theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo tại trường, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, tự học của học viên. Học viện đặc biệt coi trọng huấn luyện sát thực tiễn đơn vị cũng như chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm chiến đấu và giáo dục truyền thống cho người học; lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá chuẩn đầu ra của các đối tượng đào tạo; kết hợp chặt chẽ đào tạo tại trường với đào tạo tại đơn vị, đào tạo với tự đào tạo, gắn với thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” của Bộ Quốc phòng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THU THỦY - LẠI HUY (thực hiện)