Mùa xuân năm 1983, Lê Quý Đạm, học viên ngành đạn, Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự có chuyến đi thực tập tốt nghiệp ở Kho K802 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật).
“Tôi không sao quên được những ngày ấy, trời mưa phùn, đường vào đơn vị lầy lội, heo hút, nằm sâu trong đồi. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Kho miệt mài với công việc chuyên môn, bảo quản, sửa chữa đạn, bảo đảm an toàn kho tàng. Tôi rất cảm thông, thấu hiểu sự vất vả của đồng đội và từ đó luôn đau đáu trong lòng với suy nghĩ “mình cần phải làm gì đó để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân khí bớt vất vả, nhọc nhằn”, Trung tướng Lê Quý Đạm chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp năm 1983, kỹ sư Lê Quý Đạm được điều động về Kho KV1 (Cục Quân khí) công tác. Sau quá trình nỗ lực phấn đấu ở cơ sở và công tác ở cơ quan Cục Quân khí, năm 2007, Đại tá Lê Quý Đạm, Phó cục trưởng Cục Quân khí được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quân khí.
Trung tướng Lê Quý Đạm kể: “Thời gian công tác ở cơ quan Cục Quân khí và trên cương vị cục trưởng, tôi được cử làm thành viên Ban biên soạn nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Khi Đảng ủy Quân sự Trung ương ban hành Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW ngày 29-11-2007 về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, tôi cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân khí tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, các chương trình thực hiện nghị quyết trong ngành quân khí. Quá trình thực hiện, tôi chỉ đạo ngành kết hợp tốt với các phong trào thi đua, cuộc vận động để cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
|
|
Trung tướng Lê Quý Đạm (thứ ba, từ trái sang) kiểm tra nhà kho tại Kho K856 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật), năm 2020. Ảnh: NINH NHI
|
Trong một lần đi thực tế tại các kho, tôi thấy chiến sĩ, nhân viên phát quang, cặm cụi nhổ từng cọng cỏ ở khu vực xung quanh kho 25m. Việc làm đó vừa tốn thời gian vừa tốn nhân công, tôi đề nghị trên đầu tư, chỉ đạo triển khai đổ bê tông trong khoảng cách 5m xung quanh nhà kho. Một lần khác, tôi về thăm đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, thấy con đường quanh co dẫn vào đơn vị, hỏi cán bộ, chiến sĩ thì được biết, ngày nắng con đường đất bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội, ô tô, xe máy khó đi lại. Thấu hiểu sự vất vả ấy, tôi trăn trở và sau đó đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc xây dựng đường vào kho. Sau khi nhận được sự ủng hộ của các cấp, tôi chỉ đạo triển khai thực hiện, chỉ trong vòng 5 năm, 100% đường vào kho đã đổ bê tông láng mịn, hơn 300km đường tuần tra được xây dựng ở nhiều đơn vị”.
Tháng 6-2015, sau khi luân chuyển công tác giữ chức Phó tư lệnh Quân khu 9, Thiếu tướng Lê Quý Đạm được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và thăng quân hàm Trung tướng. Ông tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, nghiên cứu, quy hoạch hệ thống kho tàng, cơ sở sửa chữa bảo đảm kỹ thuật, kiện toàn tổ chức, biên chế ngành kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Trung tướng Lê Quý Đạm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội hoạt động nền nếp, chính quy; điều chỉnh tổ chức, biên chế cơ quan Tổng cục Kỹ thuật và các cục chuyên ngành trực thuộc; quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và hệ thống kho tàng, cơ sở kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trước mắt và lâu dài. Tiêu biểu là việc triển khai thực hiện Đề án KA-10 về sắp xếp hệ thống kho tàng và Đề án 324-KT về bảo đảm ngân sách kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật giai đoạn 2018-2030.
“Đề án 324-KT đã thổi luồng sinh khí cho ngành kỹ thuật, góp phần tạo bước đột phá mới trong việc bảo đảm kỹ thuật, làm chủ khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, nhất là các loại vũ khí, khí tài thế hệ mới, bảo đảm an toàn mọi mặt”, Trung tướng Lê Quý Đạm chia sẻ.
PHƯƠNG NINH