Ngày 1-10-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự lễ động thổ, phát động khởi công xây dựng cống Xuân Quan thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, mở đầu cho việc xây dựng hệ thống công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Trước đó, ngày 20-9-1958, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân, nhân viên đang gấp rút chuẩn bị công trường. Bác khuyên: “Phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt. Công trình Bắc Hưng Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng thêm. Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”.
|
|
Bác Hồ về thăm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, ngày 20-2-1959. Ảnh do Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp |
Theo lời Bác, cả công trường ra quân trong khí thế quyết thắng. Để xây dựng công trình, gần 150 hộ gia đình ở Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã tự nguyện dỡ nhà, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để lấy chỗ đào cửa kênh, xây dựng cống Xuân Quan. Hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp; cán bộ các cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị được huy động lên công trường. Nhiều tổ chức và cá nhân người nước ngoài nhân dịp đến Việt Nam cũng tới công trường tham gia lao động. Khối lượng đất đào, đất đắp và xây dựng công trình thủy lợi chủ yếu thi công bằng thủ công (cuốc, xẻng), trang thiết bị cơ giới chỉ có một số máy trộn bê tông, máy đầm chạy bằng khí nén, máy phát điện và một vài tàu cuốc hút bùn. Trong quá trình thi công, cán bộ, công nhân, dân công nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm, toàn công trường được tiếp thêm sức mạnh trước sự quan tâm của Người.
Ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kể: “Năm đó, tôi đang học Trường Trung cấp Thủy lợi thì được điều về tham gia xây dựng công trình Bắc Hưng Hải. Khí thế trên công trường rất sôi nổi, từ dân công, thanh niên, phụ nữ đến bộ đội... đều hăng say thi đua lao động với mong muốn công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp ở khu vực này được thuận lợi hơn, bớt cảnh mưa lớn thì ngập, nắng to thì hạn hán. Những ai gánh đất giỏi sẽ được tặng cờ đuôi nheo; có những đồng chí bộ đội tham gia xây dựng công trình gánh được gần 100kg/gánh đất. Nếu như không có thi đua lao động thì công trình này khó có thể hoàn thành sớm như vậy.
Tôi được giao phụ trách một đội dân công khoảng 60 người ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Khi chúng tôi đang thi công xây dựng kênh thì không may đào trúng mạch nước ngầm, nước phun lên xối xả, việc xây dựng phải tạm dừng để xử lý. Bằng cách xếp những bao tải đất xung quanh khiến nước dâng lên làm giảm áp suất mà sau đó, chúng tôi đổ đất lấp được mạch nước ngầm này. Ấn tượng nhất với tôi là có lần Bác Hồ về thăm công trường. Bác xắn quần, lội bùn cùng đồng chí Hà Kế Tấn, Chỉ huy trưởng công trường (sau này là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) đi kiểm tra tỉ mỉ từng đoạn kênh và động viên mọi người, khiến chúng tôi rất xúc động.
|
|
Ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi. Ảnh: NGUYỄN TRUNG |
Đến ngày 30-4-1959, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải hoàn thành. Ngày mở cống Xuân Quan đưa nước vào đồng (1-5-1959) thực sự là ngày hội của nhân dân các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và được phản ánh sâu sắc trong bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” (bộ phim đoạt huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1959). Thành công của công trình không chỉ là thành công về kỹ thuật mà còn là thành công của lòng người, thành công của một đại công trường thủ công kiểu mẫu, của huy động sức dân, tự lực cánh sinh với mong ước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa”.
Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng đồng bộ, sau khi hoàn thành không những phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái, tạo ra mạng lưới giao thông nông thôn, làm thay đổi diện mạo của một vùng đất từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, sống phụ thuộc vào thiên nhiên trở thành vùng đất chủ động trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề trù phú.
NGUYỄN KIỂM