Ông Lê Ngọc Lưu sinh năm 1920, trong một gia đình bần nông. Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng và lần lượt làm đội viên dân quân, công an viên, Trưởng ban Bình dân học vụ xã Nguyễn Đình Liễn (nay là xã Cẩm Thịnh). Tháng 4-1948, ông xung phong đi dân công hỏa tuyến, gánh lương thực, vũ khí cho chiến trường Bình-Trị-Thiên. Lần đi dân công này kéo dài hơn 4 tháng, đoàn dân công Hà Tĩnh vượt hàng trăm cây số đường rừng vận chuyển lương thực chi viện kịp thời cho cuộc kháng chiến của quân và dân Bình-Trị-Thiên. Đầu năm 1949, ông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng đoàn dân công đi vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Phan Đình Phùng trên Mặt trận Bình-Trị-Thiên. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ông lại xung phong tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho cách mạng Lào anh em trong hai đợt đi dân công liên tục từ tháng 3 đến tháng 7-1949. Với những thành tích xuất sắc, ngày 28-7-1949, Lê Ngọc Lưu được kết nạp Đảng ngay trên đường vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho cách mạng Lào.
Từ năm 1950 đến 1953, ông vừa công tác tại địa phương vừa xung phong tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ các mặt trận: Hòa Bình, Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào... Trong thời gian từ năm 1948 đến 1953, Lê Ngọc Lưu đã 9 lần tham gia dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực, vũ khí, góp phần kịp thời phục vụ bộ đội chiến đấu tại các chiến trường. Ghi nhận những thành tích đó, Lê Ngọc Lưu 3 lần được tặng Bằng khen danh dự của Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, được tuyên dương Chiến sĩ thi đua cấp liên khu.
|
|
Đôi bồ gánh gạo lên Điện Biên Phủ của đồng chí Lê Ngọc Lưu trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.
|
Năm 1954, Liên khu ủy 4 tổ chức hội nghị toàn Đảng bộ đánh giá tình hình, vạch kế hoạch công tác, mở cuộc vận động “dốc bồ, thổ thúng” để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hưởng ứng cuộc vận động của Liên khu, chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp hơn 1.000 tấn thóc, 5 tấn muối, hàng nghìn mũ lá, khăn tay và cả nghìn lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến để cổ vũ, động viên, tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho bộ đội. Ông Lê Ngọc Lưu tiếp tục cùng 20 người dân xã Cẩm Thịnh xung phong tham gia đoàn dân công, thồ muối và gạo tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn dân công hỏa tuyến huyện Cẩm Xuyên đã vượt chặng đường dài từ Cẩm Xuyên lên miền Tây Thanh Hóa, rồi tiếp tục vượt hàng trăm cây số đường rừng lên Điện Biên Phủ. Trên đường vận chuyển, đoàn tự túc lương thực, thực phẩm; ngày nghỉ, đêm đi, tránh bom đạn, máy bay địch đánh phá. Sau hơn một tháng gánh gạo đi bộ liên tục, các gánh gạo của đoàn dân công huyện Cẩm Xuyên đã đến Mặt trận Điện Biên Phủ. Cùng với nhiệm vụ tải gạo, Lê Ngọc Lưu và đoàn dân công hỏa tuyến còn tham gia tải thương, áp giải tù binh, dọn dẹp chiến trường sau ngày toàn thắng.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lê Ngọc Lưu trở về quê hương tiếp tục công tác, giữ nhiều cương vị: Trưởng công an xã, Trưởng ban Kiểm sát hợp tác xã... Đến năm 1965, dù tuổi đã cao nhưng một lần nữa, ông lại xung phong vào phục vụ chiến trường với cương vị Trung đội trưởng gùi thồ trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Năm 1972, ông trở về công tác tại địa phương và nghỉ chế độ năm 1980.
Ông Lê Ngọc Lưu được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Tháng 12-1969, ông là đại biểu dự Đại hội Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược do Quân khu 4 tổ chức và đại diện cho lực lượng dân công hỏa tuyến báo cáo thành tích tại đại hội. Tại đây, ông Lê Ngọc Lưu đã trao tặng Bảo tàng Quân khu 4 hiện vật là đôi bồ dân công mình từng sử dụng để tải gạo lên Điện Biên Phủ.
Đôi bồ được đan từ cây giang, có chiều cao 70cm, miệng rộng 45cm, cùng với chiếc đòn gánh làm bằng cật tre già, đôi ống bương đựng nước, cơm nắm làm từ cây nứa... trưng bày ở Bảo tàng đã thu hút đông đảo thế hệ trẻ đến tham quan, học tập.
Bài và ảnh: VIẾT HOÀNH