Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng. Hành động mở bàn tay đã minh họa một cách tuyệt vời cho ý tưởng “buộc chúng phải phân tán binh lực”. Chi tiết này chứng minh một đặc điểm của thiên tài là chỉ bằng các hình ảnh, hành động giản dị, nhưng diễn đạt thật dễ hiểu những điều to tát, lớn lao.
Xin được nói thêm, các ký giả phương Tây rất ca ngợi những hành vi mang tính ngụ ngôn này của Bác Hồ. Như đầu năm 1946, cách mạng nước ta lâm vào tình thế vô cùng hiểm nghèo, nhiều kẻ thù muốn gây chiến hòng bóp chết chính quyền nhân dân non trẻ, một số cán bộ của ta muốn giải quyết bằng vũ lực, nhưng chỉ bằng một vài câu nói ngắn gọn, Bác làm bật ra cả một chiến lược cực kỳ sáng suốt: Không nên cùng một lúc đánh “tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước” hay “đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh”.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội họp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Là người “thiết kế” cả một tình thế chủ động của quân, dân ta những năm 1953-1954, Bác đã “kiến tạo” một Chiến dịch Điện Biên Phủ mang tính quyết chiến chiến lược. Suốt thời gian chiến dịch (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954), Bác tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình, kịp thời đưa ra những chỉ đạo đúng đắn. Ngày 6-12-1953, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, Bác chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Ngày 1-1-1954, giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Người nói: Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định... Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.
Theo lời kể của nhà báo người Úc Wilfred Burchett, đầu tháng 3-1954, nói chuyện về Điện Biên Phủ, Bác Hồ mượn cái mũ làm hình tượng ngụ ngôn: “Khi đó tên Điện Biên Phủ mới bắt đầu được nói tới trong cuộc chiến tranh... Hồ Chủ tịch đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ và nói: “Đây là Điện Biên Phủ, một thung lũng có núi bao bọc xung quanh”. Sau đó, Người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp: “Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở xung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được” (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, H.2010, tập 3, tr.66). Sau này, có nhà báo phương Tây bình luận đó là hành động nhỏ của một thiên tài!
Dưới sự lãnh đạo của Bác và Trung ương Đảng, sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trận đánh ấy đã đi vào lịch sử quân sự thế giới như một mẫu mực về nghệ thuật tổng hợp sức mạnh toàn dân, toàn quân, kết hợp sự ủng hộ quốc tế để tạo nên một sự kiện mang tầm thời đại. Ngày 12-5-1954, Bác Hồ làm bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” mang tính tổng kết chiến dịch theo phong cách hài hước của một nhà trào phúng lớn trước những kẻ xâm lược. Qua phép nghệ thuật nhại lời nhân vật để mỉa chính nhân vật, bè lũ xâm lăng bị hạ bệ thật thảm hại, đáng thương, đáng cười: “Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Na-va/ Thật là mạnh dạn và tài hoa/ Phen này Việt Minh phải biết tay/ Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”. Đối tượng bị mỉa là quân Pháp: Khoe khoang, khoác lác; mù quáng tin vào một “kế hoạch Na-va”; coi thường đối phương; bợ đỡ “quan thầy”.
Tiếng cười dí dỏm hơn khi tác giả nhại cả ý nghĩ trong giấc mơ “chiến thắng” của quân giặc: “13 tháng 3 ta tấn công/ Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:/ “Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/ Máy bay cao cao, xe tăng thấp/ Lại có Na-va cùng Cô-nhi/ Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy/ Chúng mình chuyến này nhất định thắng/ Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”. Giấc mơ có nghĩa là ảo, không thật nên những ý nghĩ trong “giấc mơ nồng” này càng hão huyền, ngộ nghĩnh. Hão huyền ở chỗ tin vào “thầy Mỹ”, tin vào “tướng giỏi nắm chỉ huy”; ngộ nghĩnh ở những hình ảnh tưởng tượng trong giấc mơ thật buồn cười: “Máy bay cao cao, xe tăng thấp”. Câu thơ cấu trúc theo lối tương phản cao-thấp kết hợp với tính từ cao được nhại lại diễn tả những hình ảnh không đều, chập chờn, hư thực; còn đối phương “ắt thua chạy quýnh cẳng”. Đúng là một tưởng tượng trong cơn mơ phi thực tế. Hình thức tương phản được sử dụng triệt để diễn tả sự thua kém của đối phương và sự mạnh mẽ của quân ta: “Ta chiếm một đồn, lại một đồn/ Quân giặc chống cự tuy rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng/ Na-va, Cô-nhi đều méo mặt/ Quân giặc tan hoang, ta vây chặt/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát “khải hoàn ca”.
10 năm sau, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3-1964), Bác Hồ có bài phát biểu đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công...” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 11, tr.220).
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ