Ngay sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm góp phần làm dịu nỗi đau, mất mát của những gia đình có người thân hy sinh, chính quyền cách mạng dù còn non trẻ và khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn quyết tâm thực hiện nhiều hình thức để bù đắp những thiệt hại cho nhân dân và xúc tiến vận động thành lập một tổ chức có tên gọi là Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên thành Hội Giúp binh sĩ bị thương). Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội.
Khi thực dân Pháp có những hành động gây hấn nhằm thực hiện mưu đồ trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, sau một số trận chiến đấu, số người bị thương và tử nạn ngày một tăng lên. Đời sống của binh lính, nhất là những binh sĩ bị thương, gia đình liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, ngày 7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”. Thông báo có đoạn viết: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Cùng với đó, Người yêu cầu các làng, chính quyền địa phương lập danh sách, xem xét, nếu đúng sự thật thì “đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội”.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, ngày 11-2-1956. |
Dù bộn bề công việc lãnh đạo quân, dân ta tổ chức kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cùng Trung ương chỉ đạo Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, như: Ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; có chính sách “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ”... Ngày 8-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương với tấm lòng cảm thông, thán phục: “Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Ngoài ra, Bác còn trực tiếp đứng ra kêu gọi toàn dân hưởng ứng Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực. Đồng thời, Bác thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, gửi thư tri ân, động viên, thể hiện tấm lòng nhân ái, trách nhiệm của một vị lãnh tụ với những người con anh hùng của Tổ quốc.
Vào tháng 1-1947, khi được báo cáo về việc con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh khi làm nhiệm vụ, ngay lập tức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư và yêu cầu đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Người, trực tiếp trao tận tay bác sĩ Tụng. Người đã cùng đau nỗi đau của một người cha mất đi đứa con ruột thịt, để rồi dặn lòng lại “ra sức giúp việc kháng chiến”. Thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam... Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”.
Khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, nhà thờ của tổ tiên bị uy hiếp, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập, những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh là những người xung phong trước hết để chống lại quân thù, giữ gìn đất nước. Chính vì vậy, với tấm lòng và sự quan tâm đặc biệt đến các chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ chọn ra một ngày để úy lạo thương binh. Từ ý tưởng, chủ trương của Người, ngày 10-7-1947, Cơ quan Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh) ra đời và trước đó, Ban Vận động “Ngày Thương binh” cũng được thành lập.
Chúng tôi từng có dịp gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyệt Tú (bà mất tháng 9-2024), một thành viên trong Ban Vận động “Ngày Thương binh”. Sinh thời, bà kể: “Hồi ấy, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc cử tôi, Ủy viên Ban liên lạc phụ vận Bắc Bộ, làm đại diện tham gia Ban Vận động với khoảng 20 thành viên. Theo chỉ thị của Bác, cần họp gấp trong tháng 7 để chọn ngày với yêu cầu ngày được chọn không được trùng với các ngày lễ lớn trong và ngoài nước, phải là ngày dễ nhớ. Người chỉ đạo: Cuộc họp phải diễn ra ở một nơi được bảo vệ tốt”.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, một ngày trung tuần tháng 7-1947, hội nghị quyết định về việc ra đời Ngày Thương binh-Liệt sĩ được tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Theo lời kể của nhà văn Nguyệt Tú, hội nghị diễn ra tại căn nhà gỗ của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Phú Minh, là người dân tộc Sán Chỉ. Do thời gian đã lâu nên nhà văn Nguyệt Tú không còn nhớ tên. Đồng chí Lê Tất Đắc thay mặt Cục Chính trị (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) chủ trì hội nghị. Ngoài ra còn có một số đồng chí: Nguyễn Trọng Vĩnh-đại diện Bộ Quốc phòng; Đào Duy Kỳ-đại diện thanh niên; Hoàng Tuấn-Nha Thông tin; đại biểu Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Đại Từ...
“Việc thảo luận chọn ngày nào diễn ra rất sôi nổi. Cuối cùng, hội nghị thống nhất chọn ngày 27 cuối tháng là thích hợp nhất để tổ chức cuộc mít tinh đầu tiên. Sau khi báo cáo thì được Bác và Trung ương đồng ý. Buổi lễ công bố diễn ra vào buổi chiều để tránh máy bay Pháp. Tuy nhiên, do bận công tác nên tôi không thể có mặt tại buổi mít tinh đầu tiên này. Được biết, tại buổi lễ, ban tổ chức đã đọc lá thư với những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam phát toàn văn bức thư xúc động của Bác. Từ đây, ngày 27-7 chính thức là dịp để đồng bào ta “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái”, “tỏ lòng yêu mến thương binh”. Đó là một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức’”, nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại.
Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn dành thời gian quý báu của mình để quan tâm, chỉ đạo Chính phủ và các địa phương chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ. Chỉ một năm sau Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bác đã viết lời kêu gọi với nội dung: “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần... Tôi mong và chắc rằng: Đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Cùng với việc gửi 30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương là 45.000 đồng để Bộ trưởng Bộ Thương binh làm quà tặng thương binh, Bác đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm chăm sóc thương binh trong hòa bình: “Sau phong trào phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất và những thắng trận to lớn của bộ đội ta, nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sĩ. Thế là rất tốt... Song việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người trong xã đều cần tùy theo khả năng mà tham gia. Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ: Thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần” (Báo Nhân Dân, số 209, từ ngày 25 đến 30-7-1954). Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, Bác thường nhắc nhở: Cán bộ phải thực sự thương yêu, gần gũi thương binh và gia đình liệt sĩ. Không được để họ thiếu ăn, thiếu mặc hoặc cảm thấy bị bỏ rơi. Phải coi việc chăm sóc họ như chăm sóc chính người thân của mình.
Sau này, đồng chí Vũ Kỳ có kể về bữa cơm trưa nhân sinh nhật cuối cùng trong cuộc đời Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Hôm đó, ngoài Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác còn cho mời bà Phan Thị Quyên-vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Cho đến tận trước lúc đi xa, Người vẫn luôn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào phải làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, chăm lo người có công với cách mạng.
SONG THANH - VĂN TÁM