Cựu chiến binh (CCB) Liễu Văn Ký, quê ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đến dự buổi gặp mặt và nhận quà của đoàn công tác Quân ủy Trung ương, cho biết: “Thời thơ ấu, tôi và các bạn thường được nghe kể về nguồn gốc của Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7. Đó là vào chiều 27-7-1947, tại đây, 300 cán bộ địa phương, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Nguyên được nghe bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Trong thư, Người viết: “... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

CCB Liễu Văn Ký sinh năm 1950. Năm 18 tuổi, người thanh niên Liễu Văn Ký viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thông tin liên lạc, sau đó tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của địch. CCB Liễu Văn Ký kể: “Năm 1980, khi xuất ngũ về địa phương,  cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan Trung ương, địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ tôi cũng như các gia đình chính sách ở huyện Đại Từ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Năm 1997, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhà tưởng niệm, trưng bày truyền thống trong khuôn viên di tích. Tôi cùng nhiều CCB thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa tri ân công lao của Bác Hồ và các đồng đội đã anh dũng hy sinh để chúng tôi được sống”.

leftcenterrightdel
 Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NGỌC GIANG

Sau khi thắp hương tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại nhà tưởng niệm, chúng tôi được Ban Quản lý di tích giới thiệu: Năm 2007, khu di tích được Nhà nước đầu tư xây dựng, tôn tạo thành một công trình văn hóa lớn, xứng tầm với vị thế của di tích cấp quốc gia. Những năm gần đây, huyện Đại Từ đã huy động nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện, huy động xã hội hóa hỗ trợ kinh phí, ngày công lao động để trùng tu, sửa chữa Khu di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm công bố Ngày Thương binh-Liệt sĩ toàn quốc (ngày 27-7-1947)”; sửa chữa hệ thống cửa nhà đón tiếp (sắp lễ), hệ thống bóng đèn chiếu sáng, hệ thống cánh cổng, sơn lại toàn bộ cổng phía ngoài; lan can hồ sen, lát đá đường đi vào và khu vực trong khuôn viên di tích, cải tạo giếng cổ... Nhờ vậy, khi đến đây, ngoài tri ân, du khách thập phương còn được thưởng ngoạn khung cảnh xanh, sạch, đẹp của quê hương Đại Từ.

Hằng năm, hàng triệu lượt công dân Việt Nam và kiều bào, khách quốc tế đến Đại Từ dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7. Đó chính là tấm lòng thơm thảo, đẹp nghĩa tri ân, góp phần tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 vừa ghi dấu sự ra đời Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

VIỆT HÀ