Cuối năm 2023, sau nhiều lần hẹn, chúng tôi được gặp bà Nguyễn Thị Định khi bà ra Hà Nội khám bệnh. Trong căn phòng ấm cúng của một người quen ở Khu đô thị Vinhomes Times City (Hoàng Mai, Hà Nội), bà Định bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng “nằm vùng” trong lòng địch, những lần cải trang để qua mắt địch, lấy thông tin gửi về cho quân ta.
Bà Định sinh năm 1954, hiện ở tổ 5, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ, tôi ước muốn được làm chiến sĩ liên lạc như chị cả Nguyễn Thị Nhân. Năm 1968, cơ quan an ninh tỉnh Quảng Ngãi (B3) động viên tôi đi công tác hợp pháp, tức là làm giao liên, đưa thư từ ngay trong vùng địch kiểm soát. Công việc nguy hiểm nhưng suốt 4 năm (từ 1968-1972), tôi đều qua được mắt địch, không để lộ hay lọt thông tin.
Ngày ấy, nhiệm vụ của một điệp báo viên B3 là hoạt động bên trong lòng địch. Có lần tôi được giao vận chuyển khối thuốc nổ tới cơ sở của ta, sau đó khối thuốc nổ này được đưa đến một vị trí trong căn cứ của địch. Hoặc khi vận chuyển thư, tôi thường vê nhỏ thư lại, nhét dưới vành nón hay những chỗ mà địch khó phát hiện. Khi đến chỗ cơ sở đã hẹn trước, tôi nói mật hiệu: “Mang cho em cái áo”. Lúc đó có người ra nhận thư”, bà Định kể.
|
|
Bà Nguyễn Thị Định kể chuyện những năm tháng làm điệp báo viên. Ảnh: THÁI KIÊN
|
Theo bà Định, ngụy trang là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của điệp báo viên. Bà Định “bật mí” bí quyết giữ bí mật, vừa kể vừa lấy tay minh họa: “Tôi có một cái soong được làm bằng vỏ quả đạn pháo. Tôi hàn thêm một miếng dưới đáy soong, tạo thành soong hai đáy. Tôi đút thư vào giữa 2 đáy soong, sau đó trát đen đáy, khiến nó giống như một chiếc soong được sử dụng đã lâu. Có lúc tôi bôi đủ thứ lên chiếc soong khiến nó hôi rình, bọn địch không thèm động tới. Tôi đã sử dụng phương pháp này rất nhiều lần, có lúc địch nghi ngờ nhưng không thể tìm ra được chứng cứ...”.
Những trận càn không hiệu quả đã khiến địch bắt đầu nghi ngờ có lực lượng của ta nằm vùng ở Tịnh Kỳ. Chúng cho người theo dõi đội B3 ở khắp nơi nhưng lần nào ta cũng nhanh trí cắt đuôi. “Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp may mắn. Ở sông Trà có những cồn cát, có bộ đội ta nằm vùng. Địch phát hiện nên tìm cách tiêu diệt quân ta. Một lần, tôi cùng anh em đi thuyền từ cồn cát để vào bờ. Khi gần tới nơi thì bị địch phát hiện. Chúng hô lớn: “Đi đâu?”. Lập tức anh em lật thuyền và bơi nhanh về chỗ đám cỏ sậy. May lúc đó nước lên nên địch bắn nhiều nhưng không trúng”, bà Định kể lại lần thoát chết trong gang tấc.
Sự gan dạ của Nguyễn Thị Định có lẽ được truyền từ cha mẹ. Cha của bà là Nguyễn Viên (bí danh Gạch), sinh năm 1927, nguyên là đội viên Đội Du kích Ba Tơ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945. Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Cuối năm 1959, ông xung phong vào miền Nam chiến đấu. Đến tháng 6-1967, ông trở về Quảng Ngãi công tác. Ngày 10-3-1970, ông Nguyễn Viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Khi đó, ông đang giữ cương vị Đại đội trưởng tại chiến trường tỉnh Phú Yên. Hiện nay, mộ ông an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Phú Yên. “Ba tôi hy sinh để lại cho má tôi (bà Nguyễn Thị Thùy) 3 con nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất là Nguyễn Duy Thắng sinh đúng ngày 16-3-1968, ngày xảy ra sự kiện thảm sát ở Mỹ Lai. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt ở Quảng Ngãi, ngôi nhà của ba mẹ tôi là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng cho đến ngày miền Nam giải phóng...”, bà Định hồi tưởng.
Một lần đi hoạt động, nữ điệp viên Nguyễn Thị Định ghé thăm nhà. Bà thấy má mình đang nuôi giấu một anh bộ đội bị thương, quê ở ngoài Bắc. Bà liền kêu lên: “Trời ơi, sao má gan quá vậy!”. Má cười, vẩy tay an ủi: “Nó tên là Thắng, ở ngoài Bắc vô chiến đấu bị thương, má đưa về nuôi, không sao đâu mà, đừng lo”. Vừa nói xong thì địch ập đến đầu xóm. “Mau, địch đến, chạy mau đi”. Vậy là má vừa đuổi con gái ra khỏi nhà, vừa nhanh chóng đưa anh thương binh xuống hầm bí mật ngay ở trong nhà, ẩn giấu.
“Năm 1972, một lần sau trận pháo kích của địch bắn phá dữ dội, tôi lấy chai dầu mọi khi vẫn dùng ra gội đầu, tự nhiên thấy cả đầu nóng như phải bỏng. Và chỉ vài chục phút sau, tóc và lông mi của tôi rụng xuống đầy một thau nước. Khi đó, mọi người nghi ngờ địch thả chất độc vào nguồn nước nên vội vã đưa tôi đi cấp cứu tại một bệnh viện trong vùng địch tạm chiếm ở Đà Nẵng. Mỗi lúc sờ lên đầu không còn tóc, đưa mắt nhìn vào gương, tôi lại bật khóc, nhiều lúc không còn giữ được sự tự tin. Hai năm sau, tóc mới bắt đầu mọc lún phún, đỏ hoe và quăn tít bám lấy da đầu. Muốn bỏ tóc cũ để mọc tóc mới chỉ có thể lấy lưỡi dao lam cạo sạch như các ni cô trong chùa. Tôi phải mất nhiều năm đội mũ trùm đầu, chữa trị, uống đủ các loại thuốc với hy vọng tìm lại mái tóc của phụ nữ. Khi có lại mái tóc, tôi mới quyết định lấy chồng. Ngặt nỗi, do sức khỏe quá yếu nên tôi chỉ sinh được một cô con gái. Con gái của tôi theo nghề dạy học của mẹ và đứa cháu ngoại đầu thì bị di chứng chất độc da cam/dioxin... Năm 1990, tôi nghỉ hưu sau hơn 10 năm dạy học ở Sơn Tịnh...”, bà Định xót xa nhớ lại.
Giờ đây, ở tuổi thất thập, mái tóc của bà Định còn dày dặn, đen như thời con gái. Nhớ lại hành trình 12 năm tìm lại mái tóc, bà Định chia sẻ rằng, đó là giai đoạn khó quên nhưng bản thân bà cũng không muốn nhớ. Hành trình để lấy lại được mái tóc thời thanh xuân và điều trị bệnh ung thư của bà Định có sự giúp đỡ không nhỏ của người thân, đồng đội, trong đó có anh bộ đội quê ở ngoài Bắc, người được má Thùy cứu sống và che chở cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là cựu chiến binh, nhà báo Nguyễn Huy Thắng, kiều bào Việt Nam tại Đức.
YÊN BÌNH