Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ trên gác hai của khu tập thể số 2 Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, bà Nguyễn Thị Vinh bồi hồi: “Căn nhà này là nơi anh tôi ở trước khi nhập ngũ. Hồi ấy, cả nhà 7 người (gồm bà ngoại, bố mẹ và 4 anh chị em bà Vinh-PV) chúng tôi ở chung trong căn hộ 45m2. Sau này, bà rồi bố mất, các chị đều có gia đình riêng, tôi là con út ở cùng mẹ đến nay. Anh Quang hy sinh, nhưng đồng đội, bạn bè của anh vẫn luôn quan tâm đến gia đình tôi. Một đồng đội của anh là kiến trúc sư, khi biết chuyện các hộ tầng dưới không đồng ý để gia đình tôi sửa nhà, đã giúp thiết kế, sửa lại toàn bộ căn hộ mà không gây ảnh hưởng đến tầng dưới. Phần mộ của anh Quang ở Quảng Trị cũng được một đồng đội tìm thấy và báo về cho gia đình, đến nay đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội)...”.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Quang (thứ tư, từ phải sang) chụp ảnh cùng bạn bè trước khi vào chiến trường. Ảnh do gia đình cung cấp |
Trong tập tài liệu được lưu giữ cẩn thận, chúng tôi được bà Vinh cho xem cuốn nhật ký cùng những lá thư của anh trai gửi về từ chiến trường. Những lá thư được viết trên nhiều khổ giấy, có khi chỉ là vài dòng ngắn ngủi anh viết vội rồi gửi qua người đồng đội được về thăm nhà. Tôi lật giở những trang viết đã úa màu thời gian, nhiều chỗ bị nhòe mực, không còn đọc được rõ chữ. Bà Vinh chia sẻ: “Những chỗ này có lẽ đều là nước mắt của mẹ tôi đã rơi xuống khi đọc đi đọc lại thư và nhật ký của anh. Nỗi nhớ thương con khiến mẹ tôi khóc đến mờ cả mắt!”...
Sinh năm 1954, Nguyễn Văn Quang là con thứ hai của bà Đào Thị Bê. Đang là học sinh Trường cấp 3 Chu Văn An (nay là Trường THPT Chu Văn An), Nguyễn Văn Quang đã dùng máu của mình viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Quyết định ấy anh đã giấu gia đình. Chỉ đến khi có giấy gọi nhập ngũ, bố mẹ anh mới biết. Bố anh thì ủng hộ quyết định của con trai, nhưng mẹ anh thì rất giận. Anh chưa thuộc diện nhập ngũ, lại là con trai duy nhất trong nhà, quan trọng hơn là anh đã giấu bà cho đến ngày lên đường. Vừa giận vừa thương con là tâm trạng của bà Đào Thị Bê khi ấy.
|
|
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Quang. Ảnh do gia đình cung cấp |
Sau này, ở nơi đóng quân, tranh thủ phút rảnh rỗi, anh viết thư về nhà vừa để giải thích vừa mong bố mẹ hiểu cho quyết định của mình: “Bố mẹ ạ, con biết khi con ra đi, gia đình rất thương và rất lo cho con... Giờ đây xa gia đình, con càng thấm thía tình cảm đầm ấm của gia đình ta. Nhưng bố mẹ ạ, giữa tình cảm gia đình còn phải gắn liền với tình cảm cách mạng. Con ra đi là một trách nhiệm vinh dự của thanh niên”, và rằng: “Biết bao bà má còn bị đọa đày trong cảnh gông cùm... thì bây giờ ai là người giải thoát cho những người mẹ đó? Chính là chúng con, những người thanh niên mới”. Thậm chí, anh động viên ngược lại người ở nhà: “Trước lúc con đi chiến đấu, con mong gia đình hãy tạm gác bỏ tình cảm riêng tư về đứa con trai duy nhất của gia đình để an tâm công tác, làm tròn trách nhiệm của một gia đình công nhân sống trong xã hội chủ nghĩa”.
Vào chiến trường, hằng ngày đối diện với đạn bom, gian khổ, hy sinh, Nguyễn Văn Quang ngày càng trưởng thành và chín chắn hơn. Anh nhắn gửi: “Bố mẹ kính mến, từ giờ con đã trở thành một chiến sĩ Giải phóng quân rồi. Tất cả bước đi và sự trưởng thành của con đều lớn mạnh theo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Chúng con đã trở thành một người lính... người lính cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
|
|
Những lá thư gửi từ chiến trường của đồng chí Nguyễn Văn Quang. Ảnh: KHÁNH AN |
Là chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, sống và chiến đấu giữa chiến trường Quảng Trị thiếu thốn và ác liệt, anh vẫn đầy lạc quan. Anh kể “đời sống của chúng con ở trong này tạm ổn” nhưng có một nỗi giày vò vô cùng lớn: “Chỉ có một điều là con nhớ nhà vô cùng. Nghe tiếng chim kêu, tiếng lá cây xào xạc mà nhớ Hà Nội thân thương”; “Hà Nội ơi, sao tôi nhớ đến thế! Nhớ từng con người, từng đường phố, từng lối đi. Những kỷ niệm xa xôi lại trỗi dậy”. Người chiến sĩ ấy có một tâm hồn đầy lãng mạn. Thế nên vì tiếc nhớ một giấc mơ về Hà Nội mà anh phải ghi ngay vào nhật ký: “Ôi giấc mơ thật là tuyệt đẹp, nó đã làm mình sống lại với những ngày học ở Ba Đình. Nhưng than ôi giấc mơ ngắn quá! Mình vừa tỉnh dậy thì trời đã sáng mất rồi. Đàn chim con đang ríu rít gọi nhau, tiếng suối nước Cồn Tiên vẫn dội ào ào như nhà máy lọc nước Yên Phụ”. Kể về một ca gác mà nếu theo đúng kế hoạch thì giờ ấy sẽ bước vào một trận đánh, anh viết: “Còn giờ đây thì ta đang ngồi gác trên một cồn cát trắng dưới bóng mát của một cụm phi lao đang lay mình trong gió biển... Lác đác tiếng kêu của vài con chim nhỏ. Bầu trời trong xanh, cao lồng lộng đang rung mình theo tiếng rít của máy bay...”.
|
|
Bà Nguyễn Thị Vinh xem lại nhật ký của anh trai, liệt sĩ Nguyễn Văn Quang. |
Bà Vinh kể rằng, anh trai là người sống rất chan hòa, tình cảm, hay giúp đỡ mọi người. Anh đi bộ đội khi còn là học sinh, cũng chưa hề có “mảnh tình vắt vai” nào nên mọi nỗi nhớ thương anh dành cả cho gia đình, đặc biệt là cho mẹ. Mọi tâm tư sâu kín, kể cả những phút yếu lòng nhất, anh dễ dàng trút hết với mẹ: “Con chỉ có một nguyện vọng cuối cùng là được trở về với mẹ. Con thương mẹ vô cùng!”; có khi là lời động viên: “Mẹ đừng buồn mẹ nhé, mẹ phải hãnh diện lên chứ!”; “Mẹ có nghe tiếng gọi của lòng con không? Tiếng gọi của tình thương, nỗi nhớ như trăm nghìn hạt bụi nhỏ li ti đang truyền đi từ trái tim con đến nơi mẹ đó”. Với bà ngoại đầy yêu kính thì: “Còn bà tôi, sao tôi nhớ thế, thương thế không biết! Có bao giờ tôi lại được gặp bà tôi không?”. Rồi với các em gái thì: “Anh thương các em vô cùng, mới tí tuổi đầu mà đã phải làm bao nhiêu việc. Giá mà anh có ở nhà thì cũng đỡ được các em đôi phần”...
Trang nhật ký của Nguyễn Văn Quang dừng lại vào ngày 24-11-1972, một ngày trước khi anh hy sinh. Sau này, trong những di vật được trao lại cho gia đình, bà Vinh mới biết một người đồng đội của anh trai đã viết tiếp những trang nhật ký. Bây giờ, cuốn nhật ký ấy được chia làm hai, phần đầu gia đình bà Vinh giữ, phần sau được gửi lại cho gia đình người đồng đội kia. Đối với gia đình bà Vinh, tấm gương chiến đấu, hy sinh của anh Nguyễn Văn Quang luôn là động lực để con cháu phấn đấu và cống hiến!
THU THỦY