QĐND-“Mỗi lần đọc lại cuốn nhật ký của anh Hải, tôi lại không nén nổi lòng mình, nhớ và thương anh trai quá. Giờ này không biết anh đang nằm ở đâu trên mảnh đất Quảng Trị” - Bà Kim Thị Hòa Bình sinh năm 1955, hiện đang sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rưng rưng khi đưa cho chúng tôi cuốn nhật ký của liệt sĩ Kim Sơn Hải.

Sau bao nhiêu năm ròng rã đi tìm và mong chờ tin tức, nhưng bà Bình chỉ có trong tay cuốn nhật ký của liệt sĩ do đồng đội của anh gìn giữ trao lại. Mặc dù đi qua biết bao năm tháng, đạn bom nơi chiến trường, thậm chí là cả máu và nước mắt của chủ nhân, nhưng cuốn nhật ký ấy vẫn còn nguyên nét mực.

Năm 1966, khi đang học lớp 6, Hải được cụ Đạm (cựu phóng viên Báo Cứu quốc, sau chuyển sang Báo Nhân dân), tặng một cuốn sổ pơluya gấp nhỏ. Kể từ đó, Hải luôn ghi nhật ký vào cuốn sổ ấy. Sau khi thi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông và chưa biết kết quả thế nào, ngày 31-5-1971 chàng thanh niên Hà Nội xung phong lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, anh không quên mang theo cuốn nhật ký viết dở của thời phổ thông. Vậy là, cuốn nhật ký lại được anh binh nhì Kim Sơn Hải viết tiếp cùng với những chặng hành quân đầy gian khổ.

“Mình bắt đầu lên đường nhập ngũ, được trực tiếp sống, sinh hoạt trong môi trường mới, nhất lại là một học sinh bước chân vào quân đội, mình không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Một phần thấy rất sung sướng vì mình đã trở thành anh bộ đội nhưng một phần cũng thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè da diết” (ngày 2-6-1971).

Di ảnh liệt sĩ Kim Sơn Hải.

Cuốn nhật ký ấy đã chứa đựng rất nhiều tâm trạng người lính chiến: “Để bù lại thời gian trôi như tên lửa đó, bây giờ, hằng tuần mình phải đặt phương hướng cho bản thân. Phương hướng nó là kim chỉ nam cho hành động. Vì vậy, chỉ có thực hiện được tốt những phương hướng đề ra, nó mới giúp cho mình vượt qua cuộc đấu tranh tư tưởng, gay go, phức tạp, qua những trở lực khó khăn ngăn cản bước tiến của mình, nâng mình lên bước cùng nhịp bước với đồng đội” (nhật ký ngày 16-10-1971).

Đến Quảng Trị, đơn vị của Hải nhận nhiệm vụ ngày giữ chốt bên bờ sông Thạch Hãn, đêm vượt sông sang quyết chiến với quân thù tại Thành cổ Quảng Trị, rồi gần sáng lại rút về. Nhưng đến ngày 10-4-1972, những dòng nhật ký phải dừng lại bởi chủ nhân của nó đã bị một loạt bom B52 của địch trút xuống. Khi hy sinh, Hải đang là chiến sĩ thuộc Đại đội 16, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.

Bà Bình được đồng đội của liệt sĩ Hải kể lại: “Đầu năm 1972, anh Hải đi kiếm gỗ làm hầm

 nhưng không may bị rơi vào chân, nên đơn vị cho ở lại Cam Lộ, Quảng Trị cố thủ, bị máy bay B52 của địch ném bom xuống làm sập hầm và hy sinh tại đó. Trong căn hầm ấy còn có hai người cùng quê tên là Bể, Tỉnh. Trong đó, người tên là Tỉnh từng làm ở Công ty xe khách Thống Nhất”.

Đi cùng với anh qua những tháng ngày chiến đấu chưa đầy một năm, nhưng trong toàn bộ cuốn nhật ký ấy không ghi gì về chiến sự ác liệt, chỉ nói về những cuộc hành quân đầy gian khổ của anh và đơn vị. Có lẽ, đến lúc lao vào trận chiến với quân thù, thì cũng là lúc anh ngã xuống khi cuốn nhật ký còn dang dở. Những nét bút cuối cùng của cuốn nhật ký có ghi: “Vĩnh biệt Hải ngày 10-4. Hải ngủ cho ngon giấc. Bọn mình quyết trả thù cho các bạn đã mất vì Tổ quốc, vì sự sống còn của dân tộc. Ái Tử 11-4”.

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Kim Sơn Hải. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Giữa năm 1972, một người bạn chiến đấu cùng với Kim Sơn Hải, tên là Vinh, ở ngõ Mai Hương, Bạch Mai, Hà Nội, đã mang về cho gia đình liệt sĩ Hải cuốn nhật ký và một số vật dụng cá nhân khác. Thật tiếc là lúc đó gia đình bà Bình không ghi lại được địa chỉ của anh Vinh. Sau này, bà Bình cùng với các em đã đi tìm người tên Vinh ở ngõ Mai Hương ấy, với hy vọng sẽ tìm ra hài cốt của anh trai, nhưng không thấy.

Hiện nay, cuốn nhật ký đang được bà Bình cất giữ cẩn thận. Gia đình bà đã dựa vào những chi tiết được ghi trong cuốn nhật ký làm cơ sở để đi tìm hài cốt liệt sĩ Kim Sơn Hải. Với những băn khoăn, liệu bút tích đó có phải là của người tên Vinh (như đã nói) hay không? Hoặc là ai đã viết vào trang nhật ký đó, liệu có còn sống hay đã chết? Đó có thể là một chi tiết quan trọng trong việc tìm ra hài cốt liệt sĩ Kim Sơn Hải.

Thông qua bài viết này, bà con cô bác và các CCB ai biết thông tin và phần mộ của liệt sĩ Kim Sơn Hải ở đâu, xin liên hệ với tác giả qua số điện thoại 0977101135.

HÀ THIỆN HÙNG