Từ mảnh bom trong cơ thể...

Ôi cái mảnh bom gai góc, xù xì

Được tách ra từ trái bom nước Mỹ

Trái bom của “tự do, hòa bình, nhân đạo”

Đã hành hạ em suốt 35 năm...

Đó là đoạn trích trong bài thơ “Mảnh bom trong ngực em”, kể về nữ du kích Trương Thị Chiến mà chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thu Sương (Phó trưởng phòng Trưng bày-Tuyên truyền-Đối ngoại, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) giới thiệu khi tới tham quan Bảo tàng. “Trong trận chống càn năm 1968 ở Quảng Nam, một mảnh bom đã găm vào ngực nữ du kích Trương Thị Chiến. Suốt hàng chục năm, mảnh kim loại này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà. Đặc biệt, trong thời gian bị quân ngụy bắt, tra tấn và đày ra nhà tù Côn Đảo, mảnh kim loại trong người càng làm cho bà đau đớn hơn. Sau hơn 35 năm, bà Chiến được phẫu thuật lấy mảnh kim loại ra và bà đã xin lại để giữ làm kỷ niệm. Xúc động khi được nghe câu chuyện này, một nhà thơ đã viết tặng bà những vần thơ ấy”, chị Sương kể.

leftcenterrightdel

 Học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: KIỀU XUÂN

Theo lời giới thiệu của chị Sương, mỗi kỷ vật, hiện vật, hay các triển lãm chuyên đề được trưng bày trong bảo tàng đều mang một sứ mệnh. Trong đó, sứ mệnh của sự cống hiến, hy sinh, khát vọng hòa bình luôn là điều thiêng liêng, cao quý. Hàng chục năm công tác tại Bảo tàng, nếu khách tham quan là người lớn, hầu như chị  không bao giờ bỏ qua việc giới thiệu câu chuyện về hiện vật “ngôi mộ thai nhi”. Trong ngôi mộ bằng kính trưng bày 3 thai nhi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Ngôi mộ gồm hai ngăn, ngăn phía trước là song thai dính ngực và bụng, trong đó một trẻ bị chẻ môi, ngăn phía sau là một thai nhi bị dị dạng đầu, sứt môi. Đó là hiện thực về tội ác của chủ nghĩa đế quốc, là di chứng, hậu quả từ cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Đứng trước không gian có ánh đèn vàng ở tầng 2, có rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên và cả khách nước ngoài biểu lộ cảm xúc nghẹn ngào khi tận mắt chứng kiến những sự thật vô cùng tàn khốc của chiến tranh, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những điều chị Sương vừa kể.

Chúng tôi gặp hai sinh viên chuyên ngành marketing, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) đang chăm chú quan sát tấm ảnh mô phỏng bức thư nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trần Thị Hoan (Bình Thuận) gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009. Sinh viên Phan Lê Triều Anh bày tỏ: “Tham quan những hiện vật trong Bảo tàng, em vừa xúc động, biết ơn, vừa dậy lên niềm tự hào về thế hệ cha anh và hình ảnh ngời sáng của Bộ đội Cụ Hồ”.

Sinh viên Trần Quốc Tuấn cũng dâng trào cảm xúc, nói: “Đắm mình vào không gian của ký ức chiến tranh mới thấy thế hệ chúng em ngày nay thật may mắn và hạnh phúc được sống trong hòa bình, độc lập. Chúng em càng trân quý và biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, đồng thời tự nhủ phải phấn đấu nhiều hơn, thêm yêu Tổ quốc, đất nước mình”.

Nắng đầu giờ chiều oi bức vẫn không làm giảm đi không khí rộn ràng, hào hứng mong muốn tìm hiểu lịch sử của du khách. Càng đến gần ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lượng du khách trong nước và quốc tế tìm đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh càng nhiều. Đối diện cầu thang lối lên tầng 2 là chiếc bàn để các cuốn sổ ghi cảm tưởng, dày đặc những dòng cảm xúc sau hành trình tham quan của du khách. Dịp này ở Hà Nội, nhiều du khách tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thì ở TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng là một điểm đến thu hút và níu chân đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Cô giáo Chu Thị Mai, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, dẫn đoàn học sinh khối 11, 12 Trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao (TP Hồ Chí Minh) đến tham quan, học tập. Cô Mai chia sẻ: “Tham quan bảo tàng là hoạt động rất ý nghĩa của nhà trường dành cho giáo viên, học sinh nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Buổi tham quan bảo tàng nằm trong chương trình môn học Lịch sử với chuyên đề các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sau chuyến đi, các em sẽ viết bài thu hoạch. Từ những hoạt động trải nghiệm “sống cùng lịch sử”, thái độ học tập cũng như sự hiểu biết của các em được nâng cao, góp phần giúp các em tiếp thu chuyên đề học tập tốt hơn, chắp cánh cho ước mơ của nhiều em muốn được trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam...”.

Đến thông điệp của “Tiếng chuông hòa bình”

Hơn 2 giờ đồng hồ đi cùng các đoàn tham quan Bảo tàng, chúng tôi được hướng dẫn ra khu vực phía bên ngoài để tìm hiểu về kỷ vật “Chuông hòa bình” và cũng là điểm kết thúc hành trình.

“Chuông hòa bình” là hiện vật được tận dụng, chế tác từ một nửa trái bom chưa nổ mà quân đội Mỹ muốn sử dụng để giết hại người dân trong chiến tranh. Sau khi bom được xử lý an toàn, người dân địa phương đã dùng làm chuông cầu siêu, đặt tại chùa Bửu Lâm (Bình Thuận). “Chuông hòa bình” được người dân hiến tặng, đem về trưng bày tại Bảo tàng từ tháng 1-2020. Bảo tàng lấy hiện vật này làm điểm kết của lộ trình hướng dẫn các đoàn khách tham quan, qua đó truyền tải thông điệp sâu sắc về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc... Mỗi lần đánh một tiếng chuông là một lần lan tỏa thông điệp ấy.

leftcenterrightdel
 Đông đảo bạn trẻ bên kỷ vật “Chuông hòa bình”.

Bà Đinh Ngọc Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết: “Bảo tàng có nhiệm vụ giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức chống chiến tranh phi nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên Bảo tàng luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, vận dụng và sáng tạo đa dạng các hoạt động tùy theo độ tuổi, nhu cầu, tâm lý của từng đối tượng du khách, từ đó áp dụng những hình thức hoạt động giáo dục, tuyên truyền hiệu quả”.

Công tác giáo dục truyền thống lịch sử tại Bảo tàng tập trung vào hai hoạt động chính, đó là triển lãm tại chỗ và triển lãm lưu động. Ở Bảo tàng, mỗi năm có 3-4 triển lãm chuyên đề, mỗi triển lãm kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Với việc phục vụ bên ngoài, Bảo tàng có triển lãm lưu động, lựa chọn các sự kiện, kỷ vật, câu chuyện và thể hiện thành các bộ pano khoảng 25-30 cái, dễ dàng cơ động đến các địa điểm có nhu cầu.

Đại diện Bảo tàng cũng cho biết, nhu cầu của du khách tìm hiểu về lịch sử thông qua chuyên đề triển lãm rất lớn, tính từ tháng 11-2023 đến nay, Bảo tàng phục vụ đối tượng là học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế với 529 đoàn, hơn 44.300 lượt khách, triển lãm lưu động tại các trường học 21 chuyến với hơn 30.000 lượt khách.

Khi “tiếng chuông hòa bình” vang lên rồi tan chậm vào không gian, em Lê Vũ Thiên Trung, Lớp 11A5, Trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao vẫn say sưa với chiếc máy ảnh trên tay, tranh thủ “thu hoạch” thêm hình ảnh và tư liệu. Thiên Trung nói: “Em rất quan tâm đến lịch sử chiến tranh cách mạng và đề tài về Bộ đội Cụ Hồ nên đã đến Bảo tàng nhiều lần. Bản thân em thấy mình cần phải học nhiều hơn, có kiến thức đủ rộng để hiểu rõ những vấn đề về lịch sử dân tộc và Quân đội ta. Em nghĩ, để giữ gìn hòa bình hôm nay, chúng em cần dựa vào nền tảng lịch sử, văn hóa, vì đó là cái gốc cho những ước mơ, hoài bão và lý tưởng cao đẹp”.

Trong khuôn viên Bảo tàng, mỗi hiện vật chiến tranh tự thân nó đã chứa đựng một thông điệp, bài học lịch sử, có hào hùng, có đau thương và có cả những khoảng lặng. Giữ gìn và thổi hồn vào những hiện vật, kỷ vật sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ soi mình kỹ hơn, từ đó thẩm thấu, lan tỏa thông điệp, tình yêu Tổ quốc. Những hiện vật, kỷ vật chiến tranh mãi là một phần hồn cốt của các thế hệ cha anh.

XUÂN CƯỜNG - KIỀU OANH