Từ những hiện vật “biết nói”

Mùa thu này, Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ băng cờ, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 (1945-2024). Tại các khu di tích lịch sử, bảo tàng... luôn có đông người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Hòa cùng đoàn du khách quốc tế, chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Đáp ứng yêu cầu của du khách, chị Phan Tuyết Nhung, hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý từ “Mùa Thu Tháng Tám” năm 1945 ở thành phố này. Những hiện vật lịch sử quý giá như: Đèn dầu Ban Kinh tài dùng trong lúc họp tại nhà bà Nguyễn Thị Chuộng, huyện Hóc Môn, để bàn phương án cướp chính quyền năm 1945; mũi giáo-vũ khí tự tạo của ông Nguyễn Văn Hơn, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn sử dụng trong tổng khởi nghĩa và tham gia đánh trận Tham Lương năm 1945; gậy tầm vông dài hơn 2m, vạt nhọn, tẩm độc của người dân huyện Hóc Môn dùng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945...

Gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh giúp người dân và du khách như được ngồi trên chuyến tàu thời gian quay ngược. Từ kinh nghiệm Khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23-11-1940), để Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 bảo đảm chắc thắng, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã chỉ đạo xây dựng những “vành đai đỏ” chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh... Ở Hóc Môn-quê hương giàu truyền thống cách mạng, mọi người dân không kể già, trẻ, gái, trai, thành phần giai cấp, ai cũng tự tạo cho mình vũ khí chuẩn bị tham gia tổng khởi nghĩa, bảo đảm cho cách mạng chắc thắng và có đủ khả năng ngăn chặn, đánh địch có thể quay lại đàn áp sau tổng khởi nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn, mỗi nhà, mỗi người dân đều đã chuẩn bị cho mình vũ khí tự tạo, như giáo mác, gậy tầm vông đến cờ đỏ sao vàng, băng cờ, khẩu hiệu và cả mõ làm hiệu lệnh, màn băng bó cứu thương, lưỡi cưa phòng địch càn quét... Các tổ chức đảng tuyên truyền, vận động thành lập các phong trào Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, đội tự vệ... và được bồi dưỡng về chính trị, quân sự. Đây là những lực lượng nòng cốt vũ trang cho khởi nghĩa, là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang địa phương sau này. Từ xây dựng lực lượng ở những vùng “vành đai đỏ” huyện Hóc Môn, Bình Chánh... đã lan tỏa khí thế chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa đến các địa phương trên toàn thành phố...

leftcenterrightdel

Người dân thành phố tham quan, tìm hiểu hiện vật trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đầu thế kỷ 20, với vị trí là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định cũng là nơi sớm tiếp nhận, giao thoa với các trào lưu văn hóa, tư tưởng, trở thành điểm hội tụ của những người yêu nước. Trên cơ sở liên minh công-nông, từ đặc thù nội đô Sài Gòn, trong điều kiện tổ chức đảng còn đang hoạt động bí mật, cụ thể hóa chủ trương về chuẩn bị lực lượng cách mạng của Đảng, đầu tháng 6-1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã ra mắt tổ chức Thanh niên Tiền phong với hình thức hoạt động vừa hợp pháp vừa công khai. Tổ chức Thanh niên Tiền phong tập hợp lực lượng theo tiêu chí: Mọi người từ 18 tuổi đều được tham gia; trang phục (áo sơ mi trắng tay ngắn, quần sọc xanh, mũ rộng vành); trang bị, vũ khí (tầm vông vạt nhọn, dao găm, cuộn dây thừng); cờ nền đỏ sao vàng; khẩu hiệu: “Thanh niên, tiến!”... Thanh niên Tiền phong tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cách mạng, bồi dưỡng quân sự. Thanh niên Tiền phong trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, thực sự là mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn, tập hợp hầu hết mọi tầng lớp công nhân, nhân dân lao động thành phố. Chỉ trong thời gian ngắn, Thanh niên Tiền Phong đã tập hợp được hơn 200.000 người và phát triển sâu rộng trong các khu phố, nhà máy, trường học, công sở... Đến trung tuần tháng 8-1945, Thanh niên Tiền phong công khai tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Đây cũng là cơ sở, lực lượng để lựa chọn xây dựng lực lượng vũ trang thành phố. Bám sát thực tiễn, các tổ chức đảng cũng đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn, thu hút đông đảo người tham gia, tạo lực lượng nòng cốt đoàn kết, tập hợp công nhân, người lao động tại từng nhà máy, xí nghiệp, công sở. Các tổ chức đảng còn tích cực đưa người vào hoạt động trong hàng ngũ binh lính, cảnh sát địch để tuyên truyền, vận động đặc biệt, xây dựng cảm tình của họ với cách mạng...

Câu chuyện cũ, bài học mới

Chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu và quan sát những tư liệu, hiện vật lịch sử, xem video clip, chị Võ Hoàng Lan, ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động bày tỏ: “Thông qua các bài học lịch sử, tôi đã hiểu phần nào về sự kiện tổng khởi nghĩa 79 năm trước. Nhưng hôm nay, được tận mắt chứng kiến những hiện vật “biết nói”, tôi thực sự xúc động, trào dâng niềm tự hào. Tôi thêm yêu thành phố của mình, trân quý công lao đóng góp, sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh”.

Chủ động, sáng tạo chuẩn bị lực lượng, các tổ chức đảng còn kiên trì, sâu sát nắm vững đời sống, tâm tư nhân dân để tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần dân tộc, hình thành nhiều phong trào quần chúng yêu nước thông qua các hoạt động văn hóa-văn nghệ, báo chí, thể thao... sáng tác những bài hát cổ vũ, tập hợp lực lượng cách mạng. Nhiều phong trào yêu nước, các cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn diễn ra rầm rộ...

Sài Gòn là đô thị đặc biệt lớn ở phía Nam và cũng là trung tâm chỉ huy, cơ quan đầu não của địch với nhiều lực lượng, phương tiện. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã chủ động phối hợp với các tỉnh, địa phương lân cận trong xây dựng lực lượng cách mạng; phối hợp hiệp đồng tham gia tổng khởi nghĩa; dự báo, xác định rõ những mục tiêu trọng yếu để tổ chức lực lượng nòng cốt đánh chiếm, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chặt đứt những mắt xích chỉ huy của địch.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan, tìm hiểu về Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chuẩn bị chu đáo về tinh thần, lực lượng nên khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội thì tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, khí thế cách mạng đã sục sôi; khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”... tràn ngập trên các đường phố. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định quyết định đêm 24-8 sẽ tổng khởi nghĩa. Ngay khi có hiệu lệnh, các đội xung kích, Thanh niên Tiền phong, đoàn viên công đoàn nổi dậy giành chính quyền tại cơ sở, tiến đánh, chiếm những mục tiêu trọng yếu, đồn, bốt; đồng thời tổ chức lực lượng chốt chặt tại các cửa ô. Theo sự phối hợp, quần chúng từ các tỉnh lân cận và quận, huyện vùng ven đều đồng loạt cầm vũ khí, giáo mác, gậy tầm vông... hừng hực khí thế tiến vào trung tâm thành phố phối hợp cùng các lực lượng nội thành, nòng cốt vũ trang nhanh chóng sử dụng bạo lực cách mạng đánh chiếm các mục tiêu, tạo đột phá đưa tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nhanh chóng giành thắng lợi. Khoảng 22 giờ ngày 24-8, việc giành chính quyền trên phạm vi toàn thành phố cơ bản đã hoàn tất. Đến sáng 25-8, hàng triệu quần chúng cách mạng đổ về trung tâm thành phố dự mít tinh chào mừng Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ. Đoàn người hừng hực khí thế cách mạng hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh”... Thắng lợi của tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã tác động quyết định đến tiến trình khởi nghĩa giành chính quyền ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ.

Tinh thần quật khởi, năng động, sáng tạo chuẩn bị lực lượng cách mạng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định luôn là bài học có tính thời sự, được Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng, phát huy hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới.

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Bài học kinh nghiệm về chuẩn bị lực lượng, tận dụng thời cơ, huy động sức mạnh tổng hợp tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định vẫn vẹn nguyên tính thời sự và giá trị lịch sử đối với lực lượng vũ trang thành phố hôm nay. Kế thừa, vận dụng bài học kinh nghiệm của ông cha, Đảng ủy, Bộ tư lệnh thành phố luôn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố triển khai nhiều chủ trương, đề án huy động sức dân, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Phát huy vai trò năng động, sáng tạo của mọi tổ chức, lực lượng, thành phố ngày càng có nhiều mô hình, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống; xây dựng tổ chức đảng, lực lượng chính trị nòng cốt, “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang, thế trận, tiềm lực quân sự, khu vực phòng thủ vững mạnh; xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Bài và ảnh: DUY HIỂN