Tháng 9-1971, vừa học xong đại học thì Phạm Đăng Kiểm có lệnh nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, Phạm Đăng Kiểm được bổ sung vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Sau khi bí mật vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị, đơn vị của ông trực tiếp tham gia những trận chiến đấu ác liệt giải phóng Đông Hà và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong trận chiến đấu giải phóng Đông Hà ngày 28-4-1972, Phạm Đăng Kiểm anh dũng chiến đấu và bị thương do sập hầm, được đồng đội đưa về Bệnh xá Sư đoàn 308 ở Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh) chữa trị.

Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị của ông Phạm Đăng Kiểm được lệnh tăng cường tiến công Lữ đoàn dù 1 từ khu vực Tích Tường-Như Lệ đến điểm cao 105B. Kể về chiếc áo đẫm máu, ông Kiểm cho biết: “Trong đơn vị có chiến sĩ Phong, 18 tuổi, quê ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa), mới được bổ sung về đầu tháng 6-1972, là người hiền lành, tinh nhanh và rất khỏe, thường giúp tôi mang vác ba lô. Ngày 29-7-1972, đơn vị tôi vượt sông Thạch Hãn và đào hầm ngay tại bờ Nam sông để chiến đấu. Đất nơi đây bị bom đạn cày xới vụn như cát nên chúng tôi phải vất vả “vun đắp” thành hầm. Tôi và Phong cùng nhau đào suốt đêm được một căn hầm rộng 1,6m, dài 2m, sâu hơn 1m...”.

Xong việc, chiến sĩ Phong lại đi lùng sục các ô tô của ngụy lấy những miếng ván dày có đai thép bao quanh đậy lên nóc hầm cho chắc chắn và lôi những cành cây cong queo bị bom đạn phạt rụng phủ lên nóc hầm ngụy trang. Gần sáng, công việc hoàn thành, nhìn căn hầm được dựng lên, hai người đều hài lòng với thành quả lao động của mình. Trải qua hai đêm yên lành trong căn hầm này, hai anh em tâm sự chuyện gia đình, chuyện riêng tư và ngày càng trở nên thân thiết. “20 giờ ngày 30-7-1972, tôi lên đại đội nhận nhiệm vụ và bảo Phong ở lại nghỉ ngơi. Khoảng 1 giờ ngày 31-7 thì có lệnh vào làng để trinh sát địch. Làng cách hầm trú ẩn của chúng tôi khoảng 500m. Tổ trinh sát có 3 người gồm tôi-tổ trưởng, đồng chí Phong và đồng chí Thìn”- ông kể.

Tổ trinh sát bí mật tiếp cận mục tiêu. Sau khi phân công đồng chí Thìn cảnh giới phía ngoài, ông và Phong mỗi người có một khẩu AK và lựu đạn tiến sâu vào làng. Bị địch phát hiện, Phong nổ súng tiến công địch. Ông cùng Phong phối hợp cơ động chiến đấu. Địch tưởng quân ta đông nên không dám tràn ra mà dùng súng cối bắn. Phong đứng phía trước nên bị trúng đạn cối, hy sinh tại chỗ, máu bắn cả vào chiếc áo ông đang mặc. Ông cũng bị mảnh đạn cối xuyên qua lưng, máu chảy xối xả, ướt đẫm áo. Sau đó, đồng đội trong đơn vị đến ứng cứu, ông được quân y đưa xuống hầm băng bó vết thương.

Một lúc sau, trận địa im ắng. Đồng chí quân y vừa chui lên khỏi hầm thì bất ngờ bị pháo địch giội tới, hy sinh tại chỗ. Còn ông Kiểm nằm lại trong hầm ngất đi. Sau này ông mới biết mình được 4 nữ dân công hỏa tuyến phát hiện, thay nhau cáng đưa vào bệnh viện dã chiến ở Cam Lộ. Lúc đó, vết máu trên quần áo đang mặc đã khô cứng lại, ông được một chiến sĩ mang đến cho một chiếc áo khác. Ông thay chiếc áo dính máu ra và cất giữ cẩn thận trong ba lô. Với ông, chiếc áo là kỷ vật thiêng liêng về người đồng đội đã hy sinh để ông được sống. Từ đó, cứ đến ngày Phong hy sinh là ông lại làm lễ cúng giỗ như anh em ruột thịt trong gia đình.

leftcenterrightdel

 Bảo tàng Bắc Ninh đón nhận chiếc áo kỷ vật của ông Phạm Đăng Kiểm do đại diện Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

thị xã Từ Sơn trao tặng, năm 2019. Ảnh: PHAN AN

Ngày 16-8-2019, ông Phạm Đăng Kiểm đã hiến tặng chiếc áo và một số kỷ vật kháng chiến cho Bảo tàng Bắc Ninh. Trong đó, chiếc áo kiểu quân phục bằng vải, cổ bẻ, cộc tay, màu cỏ úa, ở giữa có hàng cúc đóng và túi áo trước ngực trái vẫn còn loang vết máu được ông Kiểm gìn giữ cẩn thận gần 50 năm. Ông mong muốn những kỷ vật khi trưng bày tại Bảo tàng sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

PHAN THỊ AN NGỌC