Tháng 4-1954, đơn vị tôi-Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được điều lên thay quân để phòng ngự trên Đồi A1. Trong thời gian phòng ngự, đã xảy ra rất nhiều trận đánh cả ban đêm lẫn ban ngày. Cứ khoảng 16 giờ địch lại phản kích. Qua ngày thứ hai, chúng tôi còn 4 người không bị thương. Chúng tôi động viên nhau quyết tâm chiến đấu bảo vệ trận địa. Riêng tôi lúc này nhớ đến anh trai là liệt sĩ nên quyết tâm chiến đấu của tôi càng nâng cao hơn lúc nào hết.
Trong các chiến sĩ bị thương nặng có đồng chí Thắng là bị rất nhiều vết thương, được dân công hỏa tuyến vào gần sát Đồi A1 đưa về phía sau để cứu chữa. Cáng thương khiêng đồng chí Thắng là hai cô gái người Bắc Ninh tuổi đời khoảng mười tám, đôi mươi. Hai cô gái khiêng Thắng đến gần nơi cấp cứu của trung đoàn thì máu ở cánh tay anh phun ra rất mạnh. Hai cô cuống quýt bảo nhau lấy tay bịt lại. Máu vẫn chảy không ngừng, một cô quyết định cởi áo ngoài lấy áo lót cùng băng cá nhân cũ cuốn vết thương lại. Garo kiểu “túng thế tùng quyền” ấy vậy mà may sao máu không phụt ra nữa. Đôi tay hai cô đầy máu mà chẳng kịp rửa, họ tiếp tục khiêng Thắng về quân y của đại đoàn một cách nhanh nhất. Đến nơi, cô Nhung được giữ lại để chăm sóc thương binh.
Thắng mê man bất tỉnh liền một đêm. Khi tỉnh dậy anh thấy một người con gái ở bên cạnh đang quạt cho mình. Thắng đòi ăn. Những thìa cháo Nhung xúc cho anh như liều thuốc bổ diệu kỳ giúp Thắng lại sức. Vết thương bình phục dần dần. Lúc này, Nhung mới kể cho anh nghe chuyện mình và bạn đã khiêng Thắng từ Đồi A1 về nơi cấp cứu và biết bao diễn biến khôn lường trên đường.
Ngày tháng trôi qua, vết thương của Thắng đã tạm ổn. Từ sự khâm phục tinh thần dũng cảm, lòng biết ơn cứu mạng đối với người con gái quê hương quan họ Bắc Ninh, không hiểu từ bao giờ đã chuyển sang một thứ tình cảm mới khiến hai người không rời nhau. Thắng luôn mong Nhung đến giường bệnh để được nhìn thấy cô. Những buổi chiều ngồi bên bờ suối nước trong veo, thỉnh thoảng lại có vài con cá cố gắng bơi ngược dòng trông thật hữu tình, Nhung hát cho Thắng nghe nhiều điệu dân ca quan họ quê cô. Giọng Nhung sao mà mượt mà, ngọt ngào đến thế!
Mỗi lần nghe tới khúc hát giã bạn, Thắng lại thấy lo và buồn. Nhung còn nói cho anh biết: Chiếc áo lót của Nhung đầy máu của anh, cô đã đem xuống suối giặt và tiếp tục dùng nó. Mỗi lần mặc chiếc áo lót ấy, Nhung như cảm thấy dòng máu của Thắng luôn ở bên cạnh trái tim mình. Cô đã cảm mến Thắng lúc nào không hay.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Nhiệm vụ của dân công hỏa tuyến đã hoàn thành. Nhung phải trở về hậu phương. Ngày chia tay, Nhung khóc rất nhiều và hẹn Thắng: “Em mong anh chóng khỏi bệnh và chớ quên về đất Kinh Bắc có người con gái vẫn mong, vẫn đợi, vẫn chờ!”.
Gần hai năm sau, Thắng mới có điều kiện tìm về quê Nhung. Nhưng do không nhớ địa chỉ nên Thắng phải đi tìm hết làng quan họ này đến làng quan họ khác...
Từ khi Thắng bị thương phải về hậu phương điều trị, chúng tôi mất liên lạc với nhau. Mãi đến khoảng đầu năm 1984, một người bạn mách địa chỉ của Thắng ở gần thành phố Hải Dương. Mồng 7 tháng Giêng năm Giáp Tý (1984), tôi tìm đến nhà của Thắng. Hai người lính Điện Biên năm xưa ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi vì cuộc hội ngộ đầy cảm xúc. Thật vui làm sao khi biết Thắng đã tìm được Nhung và cô vẫn chung thủy chờ đợi người chiến sĩ Điện Biên như ước hẹn. Hai người đã nên duyên chồng vợ và sống hạnh phúc bên ruộng vườn quê hương cùng con cháu. Ông Thắng còn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ tự sự: Vết thương máu chảy em bịt lại/ Áo lót làm băng nhuốm máu hồng/ Em giữ bên mình cùng lời hẹn/ Tìm em khi đất nước yên bình/ Năm tháng không mòn lòng trinh nữ/ Em vẫn chờ anh người chiến binh...
Tiếc rằng do điều kiện hồi đó, ngày hội ngộ chúng tôi đã không thể chụp được bức ảnh kỷ niệm hay lưu lại phương thức liên hệ. Năm tháng qua đi, đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ câu chuyện tình yêu đẹp của người đồng đội tên Thắng và cô dân công tên Nhung. 40 năm trôi qua, chúng tôi chưa gặp lại nhau. Hy vọng hai vợ chồng Thắng, Nhung hay con cháu ông đọc được bài viết này, hãy liên lạc với tôi (Nguyễn Thụ) theo địa chỉ: Nhà số 7, ngõ 28 phố Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, điện thoại: 0393796683.
NGUYỄN THỤ