Đúng vậy, tiếp xúc với cô giáo Vũ Thị Vinh Hương, người ta có cảm giác đối với cô, thời gian đang đứng lại. Bước vào tuổi bách niên, hằng ngày, cô vẫn đọc sách, làm thơ, vẫn có thể say sưa đọc thuộc làu hàng chục bài thơ Pháp, trong đó có những bài cô viết bằng tiếng Pháp. Sổ tay thơ chép những bài cô sáng tác đã sang cuốn thứ tư nhưng cô không cho xuất bản tập nào, mặc dù trong đó có nhiều bài đã in báo. Theo cô, thơ là việc chủ yếu của riêng mình. Kỷ niệm sâu sắc nhất, đồng thời cũng là những tâm sự mà cô muốn kể nhiều nhất là chuyện dòng họ Vũ xứ đạo Trung Lao, Nam Định và chuyện 5 lần cô được gặp Bác Hồ.

Người em ruột của cô là chắt đích tôn, còn cô chỉ được tính là hậu duệ trực hệ của quan Đông các đại học sĩ Vũ Quang Nhạ-một người Công giáo yêu nước nổi tiếng của triều Nguyễn. Dòng họ danh gia vọng tộc của cô Vũ Thị Vinh Hương suy vi dần, lại thêm sự mồ côi cha từ năm 10 tuổi, thời niên thiếu của cô thực sự là một “tuổi thơ dữ dội”. Tuy nhiên, nhờ trí thông minh di truyền, vào tuổi con gái, cô đã trở thành một trong 5 nữ sinh đặc tuyển vào Trường Thành chung Bắc Ninh. Lễ tốt nghiệp thành chung của cô đến giữa những ngày cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn tổng khởi nghĩa. Mấy tháng sau Ngày Quốc khánh, cô được chọn vào học khóa giáo sinh cấp tốc để trở thành một trong các nhà sư phạm đầu tiên dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bế giảng khóa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ và dặn dò huấn thị. Là một trong 8 giáo sinh được đứng làm “hàng rào danh dự” đón Bác, cô Vinh Hương lần đầu tiên trông thấy Người.

leftcenterrightdel

 Gia đình nhà giáo Vũ Thị Vinh Hương.  Ảnh tư liệu 

Cô vẫn nhớ những lời Bác Hồ căn dặn ngày ấy, cô kể: “Bác đến và nói, các cô, các chú là những giáo viên khóa đầu tiên được đào tạo, là những chiến sĩ giáo dục đầu tiên của đất nước còn non trẻ. Đói, dốt không thể nào đánh giặc được, muốn độc lập phải no bụng, phải sáng trí. Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn nhiều người mù chữ, không biết chữ, thế nhưng trước mắt hay lâu dài sau này, giáo dục phải được coi là sự nghiệp hàng đầu để xây dựng đất nước. Sau lời dặn dò của Bác, tràng pháo tay kéo dài không ngớt, vòng người quây tròn trước lễ đài cứ nhỏ dần lại. Ai cũng muốn đứng gần Bác hơn một chút để được ngắm và nghe Bác nói cho rõ. Nghe Bác nói, tôi có cảm giác Bác đã đặt lên vai chúng tôi một trọng trách thiêng liêng. Tôi cũng cảm nhận được rằng, những lời Bác dặn đã định hướng nghề nghiệp cho tôi suốt cả cuộc đời...”.

Tháng 2-1946, cùng 84 giáo sinh tốt nghiệp khóa đào tạo, cô Vinh Hương hối hả trở về Bắc Ninh, bước vào nghề giáo. Ban ngày dạy nhiều lớp tiểu học, tham gia phong trào hướng đạo sinh Việt Nam, ban đêm dạy bình dân học vụ, cô nhanh chóng nổi tiếng như một cô giáo trẻ tài năng và xinh đẹp của vùng Kinh Bắc. Cô thực sự trở thành nữ chiến binh chống giặc dốt, đem con chữ đến từng gia đình nông dân. Cũng nhờ xông xáo trên mặt trận văn hóa, cô đã gặp và đem lòng yêu thương chàng trai Văn Cương, Chính trị viên Tiểu đoàn Thiên Đức (sau này là Trung tướng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự). Bấy giờ, cô không hình dung được cuộc đời giáo học của mình rồi sẽ bắt đầu gắn với cuộc sống của một “nàng dâu Quân đội” mãi về sau.

Khi quân Pháp đánh chiếm Bắc phần Bắc Ninh, đồng ta khô, làng ta cháy, những ngôi trường Bắc Ninh tan tác, cô giáo không còn chỗ dạy, phải lên Chiến khu Việt Bắc. Tại An toàn khu Định Hóa, cô được chuyển công tác sang cơ quan Phụ vận Trung ương. Cũng nhờ công việc mới này, cô đã có thêm 4 lần được gặp Bác Hồ, được phân công làm món dưa góp biếu Bác, được Bác viết thư cảm ơn, “gật đầu khen ngon”. Cô còn được Bác quan tâm, dặn cơ quan phụ vận: “Cháu Hương sáng dạ, nhưng thật thà, cần chú ý giác ngộ để bồi dưỡng, phát triển”. Sau lời dặn đó, mọi người đều nghĩ Vũ Thị Vinh Hương có thể là một cán bộ ngoại giao tương lai của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi hòa bình lập lại.

leftcenterrightdel
Vợ chồng nhà giáo Vũ Thị Vinh Hương và Trung tướng Văn Cương. 

Nhưng nghề giáo như đã được số phận an bài cho cô. Hơn nữa, sau đám cưới, trở thành nàng dâu của Tiểu đoàn Thiên Đức, cô chỉ muốn dạy học, nuôi con để chồng yên tâm chiến đấu. Sau giải phóng Điện Biên Phủ, cô chính thức trở về với nghề dạy học. Cô được cử đi học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), học cùng lớp và ra trường cùng các nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật và nhà văn Ma Văn Kháng. Chỉ dạy được ít năm, cô giáo Vũ Thị Vinh Hương đã gắn chặt đời mình với guồng máy giáo dục kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cô lại phải bồng con, dắt học trò cùng trường đi sơ tán. Gian nan, vất vả không làm cô chùn bước. Viết thư cho chồng nơi tiền tuyến, cô vẫn ít khi kể lể, phàn nàn về những khó khăn, thiếu thốn của mình. Trường, lớp cô phụ trách luôn giữ vững lá cờ tiên tiến luân lưu.

Trường thành chung cô học năm xưa đã trở thành Trường cấp III Hàn Thuyên (nay là Trường THPT Hàn Thuyên-Bắc Ninh) nổi tiếng miền Bắc. Chính ở ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Thuyên (tên thật của Hàn Thuyên) này, cô Vinh Hương đã nhận cương vị và chức trách hiệu trưởng, trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường truyền thống đất Kinh Bắc. Cũng từ ngôi trường này, cô đã nén lòng tiễn người con trai duy nhất của mình cùng hàng chục học sinh cuối cấp lên đường chiến đấu. Trên bục giảng, đã bao lần cô đọc thư học trò viết từ chiến trường và nhiều lần đọc cả tin báo tử. Những lần ấy, cô thấy tim mình đau thắt.

Cô chỉ cảm thấy cắt được cảm giác “một mình lặn lội thân cò” khi chồng cũng trở thành nhà giáo. Đó là khi cô về hưu và Trung tướng Văn Cương “về quê” nhận chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự, tại thị xã Bắc Ninh (nay là TP Bắc Ninh). Từ rất lâu rồi, nhiều học viên của nhà trường vẫn gọi vợ chồng thủ trưởng của mình là thầy cô và xưng em. Điều đó không phải chỉ từ lý do cặp đôi ông bà hiệu trưởng mà còn vì họ từng là học sinh phổ thông đích thực của cô và khi đã trở thành sĩ quan, vào tuổi trung niên rồi vẫn được cô bảo ban, trau dồi kiến thức qua mỗi lá thư cô gửi cũng như qua mỗi lần về họp mặt, hội lớp, hội trường.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Vinh Hương đang bước vào tuổi bách niên bằng những bước đi chậm rãi và rất an nhiên. Cô vẫn hằng ngày đọc báo, làm thơ, tham gia các hoạt động khuyến học, trăn trở với những vấn đề của cải cách giáo dục. Nay đã nặng tai nên cô thường để ý điện thoại rung, chờ tin “báo công” của học trò từ mọi miền Tổ quốc gửi về!

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG