Trong căn hộ giản dị của vợ chồng NGND Trần Mạnh Chí ở Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vẫn lưu giữ những kỷ niệm của một thời đạn lửa. Ở tuổi 90, vẫn đầy minh mẫn, bằng giọng nói sang sảng, ông “thuyết minh” cho chúng tôi nghe về những bức ký họa được đóng cẩn thận như một cuốn sách ghi lại những khoảnh khắc ở chiến trường.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Những bức ký họa chiến trường của bác sĩ Trần Mạnh Chí.

Chúng tôi trầm trồ trước những bức ký họa rất sống động nhưng không phải của một họa sĩ mà là của một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Đây là con đường hành quân “dốc cao thăm thẳm” ở Trường Sơn, kia là một lán mổ cấp cứu thương, bệnh binh giữa rừng, đây là chân dung một nữ y tá, một em bé miền Nam hay toàn cảnh một trạm khách... Tôi thắc mắc, công việc của một bác sĩ chiến trường vốn thường khó có chỗ trống trong ngày thì ông lấy đâu ra thời gian để ký họa? Ông trầm tư một lúc rồi bảo: “Đúng, công việc của một bác sĩ quả là bận rộn, nhưng bất cứ khi nào có thể, giữa những ca mổ, trên đường hành quân, chỉ cần 5-10 phút thôi là đủ để tôi hoàn thành một bức ký họa. Hai công việc tưởng trái ngược mà lại bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việc cầm bút giúp tôi cầm dao mổ lại càng vững vàng hơn!”.

Năm 1968, đang là quyền Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh, Viện Quân y 103 thì bác sĩ Trần Mạnh Chí nhận được lệnh điều động vào chiến trường miền Nam. Quyết định là đi một năm, nhưng rồi do yêu cầu của chiến trường mà mãi 4 năm sau-năm 1972, ông mới trở ra Bắc khi có quyết định đi học ở Liên Xô.

Vào chiến trường, bác sĩ Trần Mạnh Chí được điều về làm Đội trưởng Đội điều trị 35 đóng quân gần ngã ba sông Bạc, thuộc tỉnh Sekong, Lào. Nơi đây là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Chẳng thế mà ngay khi vừa về đơn vị được một tuần, ông đã phải trải qua cảm giác địch ném bom hủy diệt 6 đợt trong một ngày. “Hôm ấy, địch đánh vào đội hình Tiểu đoàn xe 59, cách chỗ chúng tôi không xa. Nhiều quả bom rơi rất gần Đội điều trị, nơi chúng tôi đang cứu chữa thương, bệnh binh”, bác sĩ Trần Mạnh Chí kể.

Ngày hôm ấy, nhiều thương binh được đưa về đội điều trị trong tình trạng rất nặng. Như trường hợp người thương binh tên Long bị bom phá nát bàn chân phải, có nguy cơ phải cưa chân. Nhưng bác sĩ Chí không đành lòng nhìn người chiến sĩ còn trẻ măng mất đi một bên chân. “Anh ấy sẽ phải đi lại thế nào những ngày tiếp theo? Rồi nguyện vọng được chiến đấu tiếp sẽ ra sao?”. Ông cứ băn khoăn với những suy nghĩ ấy rồi tự nhủ “còn nước còn tát, sẽ cố gắng cao nhất để cứu chân cho anh”. Vậy là ông và đồng đội tiến hành mổ, lọc sạch chỗ nát, bó bột, treo chân cố định, rồi hằng ngày hạ chân xuống nhỏ giọt kháng sinh liên tục vào vết thương. Không phụ công các bác sĩ, sau một tháng vết thương của Long đã lên da non, có dấu hiệu phục hồi tốt và sau này anh đã đi lại được bình thường.

Sự kiện ấy đã luôn nhắc ông trong mọi trường hợp phải cố gắng cứu chữa thương, bệnh binh ở mức cao nhất. Ngay cả khi điều kiện về phòng bệnh, vô trùng... đều không bảo đảm do ở chiến trường thiếu thốn. Như lần ông được báo tin về trường hợp một thương binh bị mảnh bom vào đầu và đốt sống cổ đang ở trong tình trạng nguy kịch tại Đội điều trị sông Bạc. Ông đã tức tốc lên đường dù Đội điều trị cách đó 3 ngày đường. Bằng những dụng cụ cơ bản chuyên dụng của một bác sĩ mổ sọ não, ông đã hoàn thành ca mổ khó trong 3 giờ, giúp người thương binh tỉnh táo trở lại, rồi được đồng đội đưa về tuyến sau.

Ở Trường Sơn, các đội điều trị rất thiếu bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Cấp trên chỉ thị cho ông phải mở ngay các lớp bồi dưỡng chuyên môn phẫu thuật thần kinh, sọ não, cột sống cho các bác sĩ trong toàn tuyến. Bác sĩ Chí về Đội điều trị ổn định công việc được một tháng thì lớp học chính thức bắt đầu. Hằng ngày, ông lên lớp, học viên là các bác sĩ ở những đội điều trị khác và bệnh viện của Bộ tư lệnh 559 về học. Tuy là lớp học cấp tốc nhưng vẫn phải có kiểm tra, thi như học chính quy. Đã có nhiều bác sĩ tiếp thu tốt và vận dụng rất hiệu quả vào việc điều trị cho thương, bệnh binh ở chiến trường.

Lớp học của bác sĩ Chí có khi cũng đón những học viên “bất ngờ”. Đó là lần có đoàn cán bộ quân y từ ngoài Bắc vào tăng cường cho “tuyến lửa”, dẫn đầu là bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, một bác sĩ trẻ về ngoại khoa của Viện Quân y 103 (sau này là Thiếu tướng, Viện trưởng). Biết bác sĩ Chí là bác sĩ đầu ngành về mổ sọ não, bác sĩ Hùng đề nghị ông lên lớp hướng dẫn cho đoàn để khi về các đội điều trị thì anh em có thể thực hành được ngay. “Thế là cả buổi chiều hôm đó, tôi nói và anh em lắng nghe, ghi chép một cách hào hứng. Ở chiến trường có cả cách học “tức thì” như vậy đấy!”, bác sĩ Trần Mạnh Chí nhớ lại.

leftcenterrightdel

Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng bác sĩ Trần Mạnh Chí (giữa) ngày được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ảnh do nhân vật cung cấp     

Nhưng có lẽ kỷ niệm khiến PGS Trần Mạnh Chí không thể nào quên đó là biến cố suýt xóa sổ Đội điều trị. Ông bồi hồi nhớ lại: “Đêm 20-3-1970, tôi choàng tỉnh bởi tiếng ầm ầm của đất đá rung chuyển rồi như có một sức mạnh vô hình kéo tôi quật vào thành hầm, đau nhói ở mạng sườn. Đơn vị trúng bom B-52 rồi! Nghe tiếng anh Nên, Chính trị viên gọi tôi sang hầm chữ A. Mấy cô y tá cũng chui sang hầm chỉ huy nói: “Chúng em cùng chết với thủ trưởng!”. Lại một đợt bom nữa. Bom nổ rùng rùng ép chúng tôi trong hầm đến ngộp thở. Anh em bảo chúng còn đánh đợt thứ ba nữa. Nhưng tôi chợt nghĩ, thương binh sẽ ra sao? Tôi nói với mọi người sau khi dứt đợt bom thứ hai: “Không chờ đợi nữa, chúng ta phải lên cứu thương binh ngay!”.

Vậy là tất cả cùng chui lên khỏi hầm, cứ nghe ở đâu có tiếng kêu là chúng tôi chạy đến cứu. Anh chị em bới đất đưa lên được một số thương binh. Nhiều người bị thêm các vết thương mới. Hầm y sĩ, bác sĩ bị sập nhưng may mắn ít người bị thương. Phòng phẫu thuật thì chỉ bị sạt một góc nên vẫn còn chỗ để mổ. Vậy là suốt đêm ấy, chúng tôi đã tranh thủ từng giây phút để cứu chữa thương binh dưới ánh sáng yếu ớt của đèn pin, ngực bị ép đến tức thở, máu lúc nào cũng muốn trào ra miệng, mũi, mang tai bởi sức ép của mấy đợt bom trước, nhưng không ai cho phép mình dừng lại. Trong đó có những ca rất nặng như mở hộp sọ để cứu sống một thương binh hay mở lồng ngực để lấy mảnh đạn trong phổi cho một cán bộ đại đội. Đến sáng, chúng tôi mới nhìn rõ nhau, mặt ai cũng đầy đất cát, máu và bụi khói. Lúc ấy, chúng tôi được biết, ở khu vực trung tâm của Đội điều trị xuất hiện một hố bom như cái ao làng, chỉ cách hầm chỉ huy của tôi 5-6m. Chúng tôi nhìn hố bom mà rùng mình bởi không thể tin mình đã thoát chết một cách may mắn như thế!”.

KHÁNH AN