Nuôi ước mơ chữa bệnh cứu người
Mỗi lần nhắc đến quê hương nơi ông sinh ra ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) là trong ông ngập tràn tình yêu sâu nặng, niềm tự hào về vùng đất “địa linh nhân kiệt” dưới chân núi Hồng Lĩnh. Nơi ấy in dấu những năm tháng đói nghèo, lam lũ và hành trình trưởng thành của lớp lớp thanh niên hiếu học, trong đó có Lê Năm. Có lẽ, chính tình yêu nguồn cội sâu sắc, sự tri ân với tiền nhân là động lực thôi thúc ông cùng cán bộ, y, bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tham gia xây dựng công trình quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một công trình ý nghĩa, được ông cùng các cộng sự tích cực góp công, góp sức xây dựng từ năm 2003 đến 2012. Vị tướng già hào sảng nói: “Tôi muốn tất cả chúng ta cùng nhìn vào công trình để luôn khắc ghi những lời dạy của tiền nhân: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của con người; lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Viện Bỏng tự hào được mang tên của vị danh y đáng kính Lê Hữu Trác, càng phải ghi nhớ và thực hành thật xuất sắc lời dạy của ngài”.
Năm tháng tuổi thơ, ngoài những lúc chăn trâu cắt cỏ cùng chúng bạn, Lê Năm lao vào học để nuôi lớn ước mơ có ngày trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Năm 1970, Lê Năm đăng ký vào Trường Đại học Y Hà Nội, nhưng do số lượng thí sinh quá nhiều nên hồ sơ của ông bị chuyển sang một trường đại học khác. Những tưởng phải bỏ lại giấc mơ thời niên thiếu, vậy mà đến năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường chiến đấu. Mỗi ngày đều đối diện, giành giật giữa sự sống và cái chết với kẻ thù, những đồng đội bị vết thương hành hạ... ước mơ trở thành bác sĩ lại càng cháy bỏng trong ông. Và rồi vận may đã đến.
Năm 1973, ông được cử về Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) học tập. Như nắng hạn gặp mưa rào, ông lao vào học tập, say mê nghiên cứu y thư, chờ ngày được trực tiếp chữa bệnh cứu người. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp, ông được cấp trên điều động về Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4 công tác; đến năm 1982, ông trở lại Học viện Quân y học tập nâng cao. Ông tâm sự: “Tôi đã may mắn nhận được sự dìu dắt tận tình của những người thầy đáng kính, đặc biệt là GS, TSKH Lê Thế Trung, chuyên viên đầu ngành bỏng nước ta lúc bấy giờ. Ngoài ra còn có các thầy: Nguyễn Văn Đồng, Trần Xuân Vận, Đặng Tất Hùng... đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê, tâm huyết với nghề, với chuyên ngành bỏng”.
|
|
Thiếu tướng Lê Năm. Ảnh: ĐẶNG VÕ
|
Năm 1987, Lê Năm được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 1991, ông về nước và được Thiếu tướng, GS, TSKH Lê Thế Trung, Giám đốc Học viện Quân y nhận về Khoa Bỏng của Bệnh viện Quân y 103 công tác. Sau này, Khoa Bỏng phát triển thành Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, nay là Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Năm 2000, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Ông đã cùng các cộng sự đưa đơn vị trở thành một trong những bệnh viện hàng đầu đất nước về chuyên ngành bỏng. Suốt những năm tháng đó, không khó để bắt gặp hình ảnh vị giám đốc luôn hành động quyết đoán nhằm đưa khoa học-kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao vào công tác y tế. Hàng loạt trang thiết bị hiện đại của thế giới lúc bấy giờ được đầu tư để thực hiện các kỹ thuật như: Kỹ thuật oxy cao áp, kỹ thuật ghép da mắt lưới, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ... Ông cũng đặc biệt chú trọng kết hợp Đông-Tây y nhằm phục vụ tốt nhất cho việc chữa trị, khắc phục di chứng bỏng cho bệnh nhân.
Tâm huyết với ngành bỏng
Quanh câu chuyện về cuộc đời mình, Thiếu tướng Lê Năm còn phác họa cho chúng tôi thấy bức tranh lịch sử của ngành bỏng Việt Nam mà ông đồng hành, từ những tia hy vọng đầu tiên tới nụ cười rạng rỡ khi xuất viện của những bệnh nhân bỏng. Một trong những điều ông tâm đắc là hành trình đưa cán bộ, nhân viên của Viện đi trao đổi, học hỏi ở các bệnh viện trong nước và nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ông nhấn mạnh: “Những kiến thức và kinh nghiệm của các y, bác sĩ mang về chính là hành trang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Bệnh viện sau này”.
Riêng ông, mỗi lần đi công tác, bao giờ ông cũng quay phim, chụp ảnh những bệnh viện, trung tâm điều trị hiện đại về bỏng của thế giới hay các tài liệu kỹ thuật mới về bỏng mà thế giới đang phát triển để về nước nghiên cứu kinh nghiệm và chia sẻ với đồng nghiệp. Bởi theo ông, mỗi nước, mỗi trung tâm đều có một thế mạnh và điểm yếu riêng, biết cái mạnh mà học, biết cái yếu, cái sai của họ mà tránh thì sẽ giúp mình tiến nhanh và không lãng phí tiền của...
Thầy thuốc Nhân dân, GS, TS Lê Năm cùng đồng nghiệp không ngừng đưa khoa học-kỹ thuật hiện đại áp dụng vào điều trị bỏng; đặc biệt chú trọng kết hợp Đông-Tây y nhằm phục vụ tốt nhất cho việc chữa trị, khắc phục di chứng bỏng cho bệnh nhân. Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, phát triển gần 60 kỹ thuật mới, hiện đại và đều được áp dụng điều trị cho bệnh nhân như: Kỹ thuật siêu lọc máu; cắt bỏ hoại tử sớm ghép da ngay trong điều trị bỏng sâu; kỹ thuật nano trong điều trị tại chỗ vết thương bỏng; nuôi dưỡng sớm ngay từ những giờ đầu tiên điều trị bệnh nhân bỏng nặng; sử dụng vạt da siêu mỏng có nối mạch vi phẫu trong phẫu thuật tạo hình...
Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Bệnh viện thu dung điều trị khoảng 7.000-8.000 bệnh nhân bỏng, sẹo di chứng sau bỏng, phục hồi chức năng, vết thương mạn tính, có nhiều bệnh nhân là người nước ngoài. Hầu hết trường hợp điều trị tại Bệnh viện là bệnh nhân có mức độ vừa, nặng và rất nặng; có nhiều biến chứng phức tạp hay bỏng đặc biệt như bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy, nổ. Chất lượng điều trị của Bệnh viện không ngừng được nâng lên, giảm tỷ lệ tử vong, tăng khả năng cứu sống bệnh nhân bỏng nặng đến 90% diện tích cơ thể, trong đó diện tích bỏng sâu đến 80% có nhiều biến chứng phức tạp. Điều này trước đây chính Bệnh viện và ngành bỏng nước ta cũng chưa làm được. Thành công đó có công lao không nhỏ của Thiếu tướng Lê Năm, người có niềm đam mê cháy bỏng, luôn tìm tòi, sáng tạo và nghiêm túc trong khoa học...
|
|
Thiếu tướng Lê Năm (ngoài cùng, bên phải) cùng Câu lạc bộ Thầy thuốc Hà Tĩnh tại Hà Nội khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí ở Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: ĐẶNG VÕ |
Có một sự nghiệp vẻ vang nhưng mỗi khi nói đến những thành công hôm nay của mình, ông đều rất khiêm nhường. Ông luôn khẳng định, bà Trọng (vợ ông) là người có đóng góp lớn nhất trong suốt sự nghiệp của mình. Đó là những hy sinh thầm lặng khó có thể đong đếm được. Bà là hậu phương vững chắc, vẹn toàn sau trước để ông yên tâm học hành, công tác, cống hiến cho bệnh nhân và xã hội. Ông xúc động khi kể lại thời kỳ gian khó, bà cùng ông chia sớt, đó là những năm tháng một mình nuôi con chờ chồng đi học ở nước ngoài; là những tháng ngày chèo lái gia đình khi ông ra Bắc vào Nam theo nhiệm vụ công tác; là triền miên những bữa cơm rất muộn sau ca phẫu thuật của ông ở Bệnh viện trở về vẫn có bà chờ...
Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài với công tác xã hội, vẫn đau đáu với sự nghiệp đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài. Ông làm Chủ tịch Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam trong suốt 10 năm để dẫn dắt, giúp đỡ con cháu họ Lê trong cả nước phấn đấu học tập, trưởng thành. Khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, ông đã cùng Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam có mặt tại TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, tặng quà các cháu có bố mẹ qua đời trong đại dịch. Trên cương vị Phó chủ tịch Câu lạc bộ Thầy thuốc Hà Tĩnh tại Hà Nội, dịp 27-7 vừa qua, ông đưa các bác sĩ về khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện của tỉnh Hà Tĩnh: Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Lộc Hà. Tôi hỏi khi nào ông mới thực sự nghỉ để an hưởng tuổi già, ông cười hiền, nói: “Đối với một người chiến sĩ, một người bác sĩ thì được chữa bệnh cứu người, được giúp đỡ người dân, đó chính là hạnh phúc. Khi vẫn còn có sức khỏe, còn có thể đi lại được, tôi sẽ không dừng lại việc xây dựng nền nếp để các đồng nghiệp trẻ nối gót, tiếp tục sự nghiệp vì sức khỏe nhân dân”.
VÕ BÍCH HẠNH