Đầu năm 2025, chúng tôi đến gặp Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Sự, sinh năm 1933, ở thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ở tuổi 92 vẫn rất minh mẫn, mẹ kể với chúng tôi: “Năm 12 tuổi, mẹ lấy ông Vũ Văn Phức. Là con dâu cả nên được bố mẹ chồng là Vũ Văn Ước và Nguyễn Thị Nước yêu thương, dạy bảo như con đẻ...”.

Theo lời kể của mẹ Sự, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Vũ Văn Ước tham gia dân quân, du kích phục vụ chiến đấu. Tháng 5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, song ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, quân Pháp vẫn tổ chức các cuộc càn quét. Trong trận tiến công của Tiểu đoàn 664 bộ đội địa phương tỉnh Hưng Yên vào bốt Phượng Lâu của địch án ngữ Đường 39 khu vực xã Bảo Khê (Kim Động, Hưng Yên), ngày 20-6-1954, cụ Ước là dân quân phục vụ chiến đấu và hy sinh, sau đó được dân làng chôn cất, hiện an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bảo Khê.

leftcenterrightdel
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Sự cùng các con, cháu. Ảnh: NGÔ VĂN 

Chồng mẹ Sự-ông Vũ Văn Phức-do chịu khó học và học giỏi, chữ viết đẹp nên đã học xong bậc tiểu học ở địa phương. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), ông tham gia dạy học ở quê, rồi được cử đi đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Năm 1959, ông về dạy học ở Trường Phổ thông cấp I xã Hiến Nam (huyện Tiên Lữ). Đến năm học 1962-1963, ông chuyển về quê, dạy học ở Trường Phổ thông cấp I xã Tây Hồ (sau này là xã Lệ Xá). Trong đợt tổng động viên tháng 6-1968, hai thầy giáo Vũ Văn Phức và Trần Văn Đình của Trường Phổ thông cấp I xã Tây Hồ cùng nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, trước khi vào chiến trường, ông Phức được về phép thăm mẹ và vợ con. Sau đó, ông theo đơn vị hành quân vào chiến đấu ở tỉnh Tây Ninh.

Noi theo bố, ngày 25-12-1970, con trai cả của mẹ Sự là Vũ Đức Dược nhập ngũ. Huấn luyện xong, cuối năm 1971, Vũ Đức Dược về nghỉ phép mấy ngày rồi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường. Con đi rồi, mẹ bồi hồi lo lắng, nhiều đêm không ngủ được, khóc thầm thương nhớ chồng, con đi chiến đấu không biết sống chết ra sao...

Năm 1975, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, mẹ Sự nghe tin chiến thắng ở chiến trường miền Nam dồn dập báo về, nhưng nỗi đau đã ập đến với mẹ. Ngày 10-4-1975, chính quyền xã đưa giấy báo tử con trai Vũ Đức Dược hy sinh ngày 27-9-1972. Cựu chiến binh Vũ Văn Hóa, người cùng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 409 Đặc công, Bộ Tham mưu Quân khu 5) với liệt sĩ Vũ Đức Dược, kể lại: “Trong trận chiến đấu đêm 8, rạng ngày 9-4-1972, Đại đội 2 bí mật tiềm nhập vào các mục tiêu và tiêu diệt gọn tiểu đoàn ngụy ở cứ điểm Liên Kiểm (Quảng Nam). Tháng 9-1972, ta tiến công giải phóng chi khu Tiên Phước (Quảng Nam), sau đó địch phản công chiếm lại, dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống cao điểm 310 làm bàn đạp. Đêm 27-9-1972, tôi và Dược cùng đơn vị đánh tập kích tiêu diệt địch ở cao điểm 310 và Dược đã hy sinh trong trận đánh này”.     

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều gia đình mừng rỡ đón chồng, con, người thân trở về, nhưng riêng mẹ Sự vẫn không nhận được tin tức gì của chồng. Đến cuối năm 1976, gia đình mẹ nhận được giấy báo tử ông Vũ Văn Phức hy sinh ngày 3-2-1970. Kìm nén nỗi đau, mẹ Sự đã động viên mẹ già, các em và con cháu trong gia đình vững tâm, vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2009, theo chỉ dẫn từ đồng đội của chồng, mẹ Sự đã tìm thấy mộ chồng là liệt sĩ Vũ Văn Phức tại khu vực Gò Mã, cầu Thúc Múc, ấp Long Hưng (xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) và đưa hài cốt ông về quê, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Trung Dũng.

Với những cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 31-8-1964, Chính phủ đã truy tặng bằng khen đối với cụ Vũ Văn Ước. Ngày 22-12-1986, Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho mẹ Nguyễn Thị Nước. Cùng có chồng và một con trai là liệt sĩ, năm 2015, Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Thị Nước và năm 2014, mẹ Phạm Thị Sự được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đại tá NGÔ VĂN BỈNH