Năm 1956, khi Nguyễn Văn Lập mới sinh được 3 tháng thì mẹ đẻ là bà Vũ Thị Chén bị ốm và qua đời. Trước hoàn cảnh đó, bà Nguyễn Thị Ngưỡng, vợ ông Nguyễn Đình Giậc ở cùng thôn, có con vừa sinh được mấy ngày thì mất, đã đề nghị ông Nguyễn Văn Cừu (là bố đẻ của Lập) được đưa Lập về nuôi. Được sự nhất trí của hai gia đình, ông bà Giậc, Ngưỡng đã đón Lập về làm con nuôi trước sự chứng kiến của hai họ và làng xóm.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân xã Phan Tây Hồ năm ấy còn nghèo, thường xuyên đói ăn. Gia đình ông bà Giậc, Ngưỡng cũng vậy. Song bố mẹ nuôi luôn dành sự yêu thương và chăm sóc hết lòng cho Nguyễn Văn Lập. Ngoài bầu sữa của mẹ Ngưỡng, bố nuôi còn lặn lội đánh bắt cua, tôm tép, mớ cá đồng... rồi gỡ lọc, chế biến để nấu cháo, quấy bột cho Lập ăn... Thời gian trôi qua, Lập lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi như thế.

Sau khi bà Chén mất, ông Cừu lấy bà Bùi Thị Thái ở cùng quê, là vợ liệt sĩ Vũ Văn Đồng, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đưa cả gia đình xuống Cẩm Phả (Quảng Ninh) sinh sống. Ông vào làm ở mỏ than Đèo Nai.

Thật không may, ít năm sau, ông Nguyễn Đình Giậc bị bạo bệnh và qua đời năm 1959. Lập sống cùng mẹ nuôi đến năm 1970 thì bà Ngưỡng mất. Khi đó, Lập 14 tuổi, được mẹ kế đón về sống cùng gia đình ở xã Cẩm Bình (nay là phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Nguyễn Văn Lập được mẹ kế chăm sóc, dạy bảo, cho ăn học như con đẻ.

Năm 1974, học xong phổ thông, Nguyễn Văn Lập xung phong tòng quân. Chính quyền xã Cẩm Bình muốn giữ Lập ở lại để cử đi đào tạo ngành công an, sau đó về địa phương công tác. Vì Lập thuộc diện ưu tiên, bởi gia đình đã có 5 người nhập ngũ phục vụ Quân đội, gồm 2 anh trai ruột, 1 anh trai con riêng của mẹ kế, 1 anh trai là con nuôi của ông Cừu và 1 em trai là con chung của ông Cừu, bà Thái, xung phong đi bộ đội khi mới 17 tuổi. Nhưng trước sự quyết tâm của Lập, chính quyền xã đã đồng ý nguyện vọng của anh.

leftcenterrightdel

 Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Lập. Ảnh do gia đình cung cấp

Tháng 5-1974, Nguyễn Văn Lập nhập ngũ. Kết thúc thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Nguyễn Văn Lập được phong quân hàm Binh nhất và cùng đơn vị hành quân bằng xe cơ giới, vượt đường Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Nguyễn Văn Lập được biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Trong trận chiến đấu cùng đơn vị tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Chơn Thành (nay thuộc tỉnh Bình Phước) ngày 28-3-1975, Nguyễn Văn Lập đã anh dũng hy sinh.

“Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình nhận được Giấy báo tử của anh Nguyễn Văn Lập. Cuối năm 1976, chính quyền địa phương làm lễ truy điệu, trao Bằng Tổ quốc ghi công số 515/TTg do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 11-11-1976 của liệt sĩ Nguyễn Văn Lập cho gia đình. Năm 1979, mẹ tôi mất. Đến năm 1989, bố tôi mất. Trước khi mất, cả bố mẹ tôi đều có nguyện vọng đưa hài cốt của anh tôi ở miền Nam về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Cẩm Phả. Đến tháng 6-2018, gia đình chúng tôi mới thực hiện được di nguyện này. Hôm tổ chức lễ an táng, các đồng đội của anh kể rằng, trong trận đánh Chi khu quân sự Chơn Thành, anh Lập chiến đấu rất dũng cảm. Anh tiên phong đánh chặn hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên chiến đấu. Đưa anh về quê hương, như thế là đã thỏa nguyện của gia đình”, anh Nguyễn Văn Thu, con trai của ông Cừu, bà Thái, là người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, cho biết.

NGÔ VĂN BỈNH