Còn khỏe còn kiếm tìm đồng đội
Một ngày trung tuần tháng 11-2023, chúng tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh khi ông được mời tham dự cuộc diễn tập có bắn đạn thật do Quân đoàn 4 tổ chức tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3. Gặp các cán bộ trẻ của đơn vị cũ, ông không quên căn dặn: “Bắn giỏi, bắn trúng là tốt, nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, biết hỗ trợ đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ thì cuộc diễn tập mới thực sự thành công”. Nghe vị tướng già dạn dày trận mạc căn dặn thế hệ hôm nay, chúng tôi hiểu tấm lòng và nỗi niềm của ông. Bao năm chiến đấu vào sinh ra tử, ông thấu hiểu những mất mát, hy sinh do bom đạn chiến tranh, bởi chính ông cũng nhiều lần bị thương và suýt nữa đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường nếu không nhờ nghĩa tình đồng đội.
Chúng tôi còn nhớ mãi câu chuyện của ông: Đầu năm 1966, trong đội hình của trên, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau thời gian dài vượt Trường Sơn, cả đơn vị đã có mặt tại địa bàn Nam Bộ. Ngày 10-8-1966, trận đánh đầu tiên diễn ra tại Đường 10-Vĩnh Thiện (nay thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) do Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy chiến đấu ngoan cường với lính biệt kích ngụy, nhưng sau đó bị lọt vào ổ phục kích của chúng. Hai đồng chí đi bên cạnh ông bị trúng đạn hy sinh tại chỗ, còn ông bị thương vỡ quai hàm, đứt cơ đùi, máu chảy rất nhiều không cầm được. Đồng đội yểm trợ đưa ông về phía sau. Trên đường đi bị địch đánh chặn, đồng đội vừa chiến đấu vừa cõng ông rút vào rừng. Do mất máu nhiều nên ông kiệt sức, chết lâm sàng. Anh em tưởng ông đã hy sinh. Đến khu vực nghĩa trang dã chiến của đơn vị, do mệt mỏi, trời tối nên anh em đặt tạm ông xuống huyệt đào sẵn, lấy võng đắp lên, bẻ cành cây che lại, sáng sớm sẽ mai táng. Đơn vị phân công người gác không để thú rừng, kỳ đà moi ruột thi hài ông.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh trong một lần đi tìm hài cốt đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sáng sớm hôm sau, Tiểu đội phó Bế Ích Quân (người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng) và hai chiến sĩ ra an táng ông. Đang xúc đất lấp mộ, chợt đồng chí Quân nhớ ra hình như chân anh Doanh không đi dép. Nghĩ vậy, đồng chí Quân nhảy xuống hố, sờ chân thủ trưởng xem có mang dép hay không để cởi dép của mình đeo vào chân ông. Bất giác, đồng chí Quân hét lên: “Dừng lại, chân anh Doanh còn ấm”. Thế là anh em vội bới đất đưa Trung đội trưởng Doanh lên và chuyển gấp tới cấp cứu tại đội phẫu của đơn vị, rồi chuyển đi bệnh viện tuyến trên.
Sau nhiều tháng điều trị, ông bình phục, trở lại đơn vị tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. “Mãi đến khi gặp lại Đại tá, cựu chiến binh Bế Ích Quân, chiến sĩ cũ của tôi, câu chuyện từ cõi chết trở về tôi mới được nghe Quân kể lại. Đúng là tình cảm đồng đội cao quý, thiêng liêng, chăm lo cho nhau bất kể sống-chết đã giúp tôi hồi sinh, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là lý do tôi luôn đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội, dành hết cuộc đời đi tìm hài cốt các đồng chí đã hy sinh”-Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ.
Năm 1992, vì lý do sức khỏe, ông về quê trị bệnh. Nhưng rồi những kỷ niệm với đồng đội thời chiến tranh đã thôi thúc ông vượt qua bạo bệnh để bắt đầu hành trình kiếm tìm hài cốt liệt sĩ, tri ân đồng đội suốt từ năm 1993. Có dịp cùng ông đi tìm hài cốt liệt sĩ tại huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2014, chứng kiến ông nhễ nhại mồ hôi, bới từng nắm đất, cẩn thận tìm kiếm từng mẩu xương đồng đội, tôi càng cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông. Suốt hai ngày, đào mấy chục vị trí vẫn không tìm được hài cốt đồng đội, vị tướng già buồn bã. Tối đó ông bỏ cơm, cứ lật tìm từng mảnh sơ đồ cũ ghi chép địa danh, đối chiếu thông tin thu thập được với niềm hy vọng mong manh. Thế mới biết, mấy chục năm qua, ông đã hao tâm, tổn sức, vất vả đến mức nào với công việc lặng thầm trả ơn đồng đội. Mỗi chuyến đi của ông là một lần nỗ lực, tự bỏ tiền túi, tự thuê xe vượt hàng trăm cây số, đi đến tận những cánh rừng thăm thẳm, xa xôi, bởi ở đâu đó vẫn văng vẳng bên tai ông tiếng gọi của đồng đội mong sớm được “trở về”. Trong suốt 30 năm, ông và đồng đội đã tìm kiếm được hơn 250 hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 50 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính và đưa về an nghỉ ở quê hương; phối hợp với các địa phương tìm kiếm hài cốt 150 đồng chí, đồng đội đưa về quê an táng...
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (bên trái) gặp lại đồng đội - Đại tá Bế Ích Quân. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dù vậy, ông vẫn trăn trở, canh cánh trong lòng vì còn nhiều đồng đội hy sinh chưa tìm được hài cốt, trong khi thông tin ngày một ít dần. Địa hình chiến trường xưa thay đổi từng ngày, sức khỏe của ông cũng vơi đi theo năm tháng khiến công việc tìm kiếm càng thêm gian nan, vất vả. Trong túi tài liệu của ông luôn có hàng chục tấm sơ đồ ghi chép vị trí trận địa, cung chặng hành quân, vị trí căn cứ, địa điểm chôn cất... nhưng địa hình rừng núi năm xưa nay đã thành khu dân cư, cụm công nghiệp mọc lên san sát... “Cứ nghĩ đến anh em vẫn đang nằm trong lòng đất mà chưa ai biết tới, lòng tôi quặn lại, chính họ đã cho tôi mạng sống để có được ngày hôm nay. Bởi vậy, dẫu biết còn muôn vàn gian khó, thậm chí như mò kim đáy bể, nhưng hễ còn sức khỏe thì tôi vẫn còn đi để tìm bằng được hài cốt đồng đội, đưa về quê hương, về với gia đình, người thân”-vị tướng già quả quyết.
“Tiếp lửa” cho thế hệ trẻ
Nhiều năm nay, ngoài thời gian đi tìm kiếm hài cốt đồng đội, khi trở về nhà, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh lại tích cực tham gia giao lưu, nói chuyện lịch sử truyền thống để bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Dù đã 84 tuổi, song ông vẫn minh mẫn, tinh tường và đầy nhiệt huyết. Còn nhớ, trong một chương trình giao lưu với học sinh trung học phổ thông ở quận Bình Thạnh, nơi ông sinh sống, vị tướng từng bao phen xông pha lửa đạn kể về quãng thời gian đơn vị ông làm nhiệm vụ quân quản, trực tiếp quản lý địa bàn quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức). Hơn 4 tháng làm nhiệm vụ, dù đã kết thúc chiến tranh nhưng Sài Gòn còn bộn bề công việc phải giải quyết.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh xem lại tài liệu ghi chép thông tin về liệt sĩ. Ảnh: CHÂU GIANG |
Chính ủy Trung đoàn 141 Nguyễn Ngọc Doanh và đồng đội đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ, giữ ổn định địa bàn, bảo vệ nhân dân, tạo thuận lợi cho các hoạt động của địa phương từng bước trở lại bình thường. Nghe ông kể chuyện, một bạn trẻ hỏi: Điều gì đã thôi thúc ông lên đường nhập ngũ và tự nguyện cống hiến cho cách mạng dù biết đó là con đường vô cùng gian khổ, hiểm nguy, trong khi ông đang làm kế toán hợp tác xã? Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh trả lời mộc mạc: “Đó là lòng căm thù giặc và ý thức tự tôn dân tộc”. Ông lý giải, đất nước mình bị quân thù xâm chiếm; đồng bào mình bị áp bức, đọa đày; nhà của mình bị đập phá nát tan; mồ mả tổ tiên mình bị quân thù giẫm đạp, cày xới... Chứng kiến những điều phi lý, đau thương ấy, dòng máu Lạc Hồng nổi lên sẽ tạo ra những con người xả thân vì Tổ quốc, đồng bào. Chân lý ấy tồn tại hiển nhiên, ở thời kỳ lịch sử nào cũng vậy. Cho nên, dù có đang làm công việc gì cũng gác lại, đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc là trên hết...”.
Chúng tôi nghĩ, câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm trong thế hệ trẻ Thành phố mang tên Bác, gieo vào lòng họ một niềm tin mãnh liệt về sức mạnh quật cường tiềm ẩn trong mỗi con dân đất Việt; đồng thời giúp họ có cái nhìn chân thực về những sự kiện lịch sử của dân tộc, từ đó thêm kính trọng, tự hào đối với sự xả thân, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
CHÂU GIANG