QĐND-Nhà văn, Nhà báo Trần Đăng sinh năm 1921, tên thật là Đặng Trần Thi - thuộc họ tộc Đặng Trần, quê làng Tây Tựu - Từ Liêm - Hà Nội, là một sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1944. Anh đã đến với cách mạng ngay từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đầu năm 1946, anh gia nhập Quân đội và công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng. Năm 1948, anh được kết nạp Đảng, thể theo nguyện vọng và năng khiếu, anh được chuyển sang viết văn, làm báo và trở thành phóng viên mặt trận của Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay). Tuy mới cầm bút được hai năm, anh đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm báo chí, văn học nóng bỏng hơi thở chiến trường và cuộc sống của người chiến sĩ trên trận mạc. Các tác phẩm của Trần Đăng đã được NXB Văn học và NXB Quân đội nhân dân in thành sách như: Truyện và Ký Trần Đăng (tái bản năm 1969), Trần Đăng - Con người và tác phẩm… Anh đã để lại cho đời 9 tác phẩm thuộc dòng văn học tiên phong khi mới sơ khai cuộc chiến tranh cách mạng.
Trần Đăng hy sinh ngày 26-12-1949 ở biên giới Việt-Trung, đến ngày 27-1-1974, sau 25 năm, anh đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ cùng với bằng “Tổ quốc ghi công” số 420 với chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh lúc bấy giờ, nên dẫu thời gian có muộn nhưng gia đình dòng họ cũng thấy ấm lòng. Song điều day dứt là vẫn chưa biết Trần Đăng hy sinh ở đâu và hài cốt của anh có được mai táng ở nơi nào. Với sự kiên trì tìm kiếm, cho đến năm 1991, hơn 40 năm sau kể từ khi Trần Đăng hy sinh, gia đình họ Đặng Trần mới tìm được hài cốt để quy tập về cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê anh - Hà Nội.
Vậy cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trần Đăng sau hơn 40 năm ấy đã diễn ra như thế nào? Qua trực tiếp với những người thân trong họ Đặng Trần, tôi được biết đó là một hành trình với bao gian khó và đầy những tình tiết ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Cuối năm 1979, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, cơ quan chính sách Quân khu 1 triển khai kế hoạch tìm kiếm quy tập hài cốt, mộ phần liệt sĩ đã hy sinh ở biên giới phía Bắc. Trung tướng Hùng Phong, lúc ấy là Phó tư lệnh Chính trị Quân khu đã giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ huy quân sự Lạng Sơn kết hợp trong kế hoạch tìm kiếm liệt sĩ để tìm hài cốt liệt sĩ Trần Đăng và Bùi Thịnh hy sinh cùng ngày 26-12-1949. Tuy nhiên, sau hai năm với bao công sức vất vả, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn không nhận được thông tin nào đích xác về nơi hy sinh và chỗ mai táng hai liệt sĩ.
|
Nhà văn, nhà báo Trần Đăng đầu năm 1949.
|
Về phần gia đình, các anh Đặng Trần Sơn và Đặng Trần Bái (đều là Đại tá CCB), với trách nhiệm là em ruột thừa kế lo hương khói cho anh mình, cũng đã dành bao tâm lực, thời gian với bao năm đi tìm kiếm, nhưng vẫn không có được tín hiệu khả quan nào. Thế rồi một hôm giữa tháng 7-1987, vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), anh Đặng Trần Sơn đọc Báo Văn nghệ qua bài “Cháy bản thảo” của nhà văn Nguyễn Tuân, trong đó có một chi tiết tác giả ghi về trường hợp hy sinh của Trần Đăng và được đơn vị mai táng ở địa phương bản N.L. Anh Trần Sơn quá mừng liền tìm đến xin hỏi bác Nguyễn Tuân tên của bản N.L viết tắt là gì, nhưng vì quá lâu, bác Tuân không còn nhớ rõ tên thật của địa danh viết tắt hồi ấy để giữ bí mật theo kỷ luật chiến trường, nhưng bác khẳng định là Trần Đăng đã hy sinh và được đơn vị mai táng chu đáo ở bản N.L sát biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Tháng năm này qua tháng năm khác, anh em, bà con họ tộc Đặng Trần vẫn cất công đi tìm kiếm, nhưng bao tháng ngày là bấy nhiêu nhọc nhằn thất vọng, dù vậy không ai nản lòng bỏ cuộc. Rồi may mắn làm sao, lại tình cờ anh Đặng Trần Sơn đọc phụ san Báo Văn nghệ số 11-1990, trong đó có bài hồi ức của Đại tá Lê Trần Quang “Những giờ phút cuối cùng của Trần Đăng”. Theo tác giả Lê Trần Quang, phái đoàn bộ đội Việt Nam sang thị trấn Ái Khẩu để bàn phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc truy quét tàn quân Quốc dân đảng ở vùng biên giới Việt-Trung theo sự thỏa thuận của cấp lãnh đạo hai bên, không may trong lúc hành quân, đã bị quân Quốc dân đảng phục kích bắt sống cả đoàn gồm 6 người. Sau đó chúng đem ra xếp hàng trên đồi để bắn ngay tại thung lũng Leo Cao, thuộc địa bàn Ái Khẩu. Nhưng khi chúng vừa giương súng thì có 4 người trong số đó vụt lao xuống mé rừng chạy thoát, trong đó có anh Lê Trần Quang, còn hai người hy sinh tại chỗ là Chính trị viên Tiểu đoàn Lũng Vài Bùi Thịnh và nhà báo Vệ quốc quân Trần Đăng. Trong bài viết, tác giả còn mô tả rõ chi tiết địa điểm đơn vị bộ đội ta đưa hai liệt sĩ vừa hy sinh về tổ chức lễ an táng tại mỏm đồi phía bắc bản Nà Lầu (tức địa danh N.L mà bác Nguyễn Tuân đã viết năm 1987). Trong buổi lễ đó, có một tổ du kích bản Nà Lầu tham gia và bắn mấy phát súng trường chỉ thiên vĩnh biệt. Các chiến sĩ đơn vị đã tìm hai viên gạch, dùng lưỡi lê, dao găm khắc tên hai liệt sĩ đặt trên mộ trước khi tiếp tục cuộc hành quân, giao lại địa phương nhờ bà con dân làng và du kích bản Nà Lầu chăm nom hương khói cho hai liệt sĩ…
|
Hàng trước, từ trái sang phải: Nhà văn Ngô Tất Tố, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi, nhà soạn kịch Thế Lữ. Hàng sau, người thứ hai từ trái sang là nhà văn, nhà báo Trần Đăng (ảnh chụp đầu năm 1949 tại xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh tư liệu. |
Đọc những dòng tin này, anh Đặng Trần Sơn vội tức tốc lên cơ quan chính trị Quân khu 1 xin gặp Phó tư lệnh Hùng Phong để nhờ ông hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt anh mình. Được Quân khu hết lòng giúp đỡ, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Huyện đội Văn Lãng (Lạng Sơn) cử cán bộ chính sách liên hệ với cơ quan thương binh - xã hội địa phương để đi tìm ngay. Đại úy Vi Quang Nam, Trợ lý chính sách, được giao phụ trách Tổ tìm kiếm lên đường đến bản Nà Lầu. Thế nhưng dù đã mất hàng tuần lễ len lỏi, xuyên rừng, lặn lội khắp nơi trong rừng sâu, núi thẳm thuộc bản Nà Lầu, xã Tân Thanh để tìm kiếm theo tình tiết bài viết của tác giả Lê Trần Quang trên Báo Văn nghệ, nhưng đều không thấy hai phần mộ của liệt sĩ đâu cả.
Thất vọng, trên đường về Tổ tìm kiếm của anh Nam đang ngồi nghỉ chân dưới tán cây cao bên bờ suối vắng, thì bỗng gặp một già làng từ xa đi tới. Thấy các anh bộ đội, cụ vồn vã chào hỏi thân tình. Khi được biết bộ đội đi tìm mộ liệt sĩ hồi chống Pháp ở Nà Lầu nhưng không thấy, sau một thoáng tần ngần suy nghĩ, vỗ trán như để nhớ lại, cụ bỗng phá lên cười khà đến rất vui, rồi đon đả mời các anh bộ đội về nhà cụ xơi nước để cụ kể lại đầu đuôi sự việc hơn 40 năm trước, mà cụ là một nhân chứng trong cuộc của sự kiện này.
Cụ già làng này chính là anh du kích Hoàng Văn Đức năm xưa, lúc đó, trong tổ du kích cùng tham gia lễ mai táng hai liệt sĩ Trần Đăng và Bùi Thịnh chiều 27-12-1949 ở mé đồi bản Nà Lầu. Sau khi mai táng, chính du kích Đức đã bắn 3 phát súng trường phối hợp với 3 loạt tiểu liên của các anh bộ đội chủ lực để chào vĩnh biệt hai liệt sĩ. Về sau, Hoàng Văn Đức là Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, nay cụ kể lại: Sau thời gian đưa hai liệt sĩ về chôn cất trên đồi thuộc bản Nà Lầu, nhưng dân bản đề nghị đưa về mai táng ở bản Nà Ngườm trong xã để gần với bà con, tiện sớm hôm thăm viếng. Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và ngày Tết cổ truyền, đồng bào đến dãy cỏ, thắp hương, đặt hoa tưởng niệm liệt sĩ. Vậy là 40 năm qua, hai anh vẫn yên nghỉ bên cạnh đồng bào trong bản Nà Ngườm.
Nghe tường tận đầu đuôi câu chuyện, anh Vi Quang Nam liền nhờ cụ Đức đưa đến tận nơi để xác minh, thấy đúng như cụ kể, trên hai viên gạch làm bia mộ có khắc tên, ngày hy sinh của hai liệt sĩ. Sau khi xác minh chính xác, một bản báo cáo tóm tắt sự việc của Ban chỉ huy Quân sự huyện Văn Lãng đề ngày 22-2-1991 được gửi ngay đến Trung tướng Hùng Phong và Phòng Chính sách Quân khu 1. Vị trí hai ngôi mộ liệt sĩ nằm ở khu vực thuộc mốc giới 13, đối diện với thị trấn Ái Khẩu - Trung Quốc. Thế rồi sau đó từ Hà Nội, anh Đặng Trần Sơn đã nhận được thông tin nóng hổi này từ Quân khu 1 báo về. Lập tức gia đình được cơ quan chính sách Quân khu đưa xe đón lên bản Nà Ngườm, xã Tân Thanh để tri ân lãnh đạo cùng đồng bào địa phương và xin được nhận lại phần mộ của người thân và nhờ Quân khu giúp đỡ để được đưa hài cốt liệt sĩ về cải táng ở Hà Nội.
Được sự tận tình hỗ trợ của Cục Chính sách quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Sư đoàn 308 và Phòng Chính sách huyện Văn Lãng - Lạng Sơn, huyện Từ Liêm - Hà Nội, ngày 11-11-1991, hai gia đình đã đưa hài cốt hai liệt sĩ Bùi Thịnh và Trần Đăng về cải táng ở nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội tại xã Tây Tựu.
Trong buổi lễ tưởng niệm trọng thể hôm ấy, người ta thấy ngoài đại diện lãnh đạo của các đơn vị, cơ quan và Báo Quân đội nhân dân, còn có đông đảo bạn bè làng văn, làng báo và những người ngưỡng mộ Trần Đăng như: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Lữ Huy Nguyên, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Chính Hữu, Tân Sắc, Hồ Phương, Ngô Vĩnh Bình, Thái Cơ, Lê Trần Quang, Vũ Cao, Bùi Biên Thùy… và cả những thầy cô giáo ở Hà Nội từng giảng dạy tác phẩm văn học của Trần Đăng cho học sinh mình. Cũng nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ Trần Đăng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.
Từ làng Tây Tựu ra đi trong khói lửa chiến tranh thuở ấy, sau 42 năm Trần Đăng đã trở về an nghỉ trên mảnh đất quê nhà đang yên bình xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bùi Đình Nguyên