Từ “Lớp học gieo hạt”

Tôi tình cờ biết đến người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn nhưng ánh mắt và cử chỉ lại toát lên sự rắn rỏi, cương nghị ấy khi đưa con gái tới hiến tóc cho bệnh nhi ung thư vào một chiều thứ bảy, tại “Trạm tóc ước mơ” có địa chỉ ở số 119 Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi hướng dẫn con gái tôi vẽ tranh và viết lời chúc tới những bạn nhỏ bị ung thư mà con muốn hiến tóc, các bạn trẻ ở đây cho tôi biết: “Trạm tóc ước mơ” là một trong những dự án hoạt động của “Mạng lưới vì trẻ em ung thư” do chị Hoàng Thị Diệu Thuần sáng lập và là Giám đốc điều hành. Điều đặc biệt là người sáng lập ấy lại là một người từng mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác-ung thư máu và mới đây, chị phát hiện thêm bị ung thư vú.

Trong văn phòng của trạm tóc, Hoàng Thị Diệu Thuần ngập ngừng chia sẻ với tôi về quãng đời tuổi trẻ không dễ dàng của mình. Năm 2005, vừa nhận giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội 3 tuần thì chị biết mình bị ung thư máu. “Bao dự định, ước mơ còn đang sục sôi. Cuộc đời mình sẽ chấm dứt từ đây sao?”. Nghĩ thế, đã có lúc Diệu Thuần cô đơn, suy sụp, mất định hướng vì những ý nghĩ tiêu cực. 7 năm chống chọi với căn bệnh quái ác, chị không biết mình đã vượt qua như thế nào đến khi được ghép tế bào gốc từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và bác sĩ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Số tiền 500 triệu đồng để ghép tế bào gốc quá lớn với khả năng của gia đình nhưng được cộng đồng ủng hộ, trong chị đã thắp lên ngọn lửa hy vọng và muốn được giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Những ánh mắt ngây thơ, những gương mặt hồn nhiên cùng những mái đầu trơ trụi, rụng sạch tóc mà chị vẫn gặp trong viện khiến Diệu Thuần nhen nhóm những ý tưởng giúp đỡ các em nhỏ.

leftcenterrightdel
 Chị Hoàng Thị Diệu Thuần vẽ mẫu thêu cho dự án "Đôi bàn tay mẹ". Ảnh: KHÁNH AN

Năm 2016, khi sức khỏe dần ổn định, Diệu Thuần quay trở lại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với tư cách một tình nguyện viên. Diệu Thuần bắt đầu bằng việc mang những chuyện kể về các tấm gương sống đẹp, biết vươn lên trong cuộc sống, những lời ca, tiếng hát, sau đó là sự ra đời của “Lớp học gieo hạt” dạy chữ và các môn văn hóa cho bệnh nhi. Những buổi sinh hoạt đều đặn hằng tuần tại viện trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Đổi lại, các em nhỏ cũng dần trở nên gần gũi và chia sẻ với chị về những ước mơ, mong muốn cho tương lai.

Lắng nghe và đồng cảm với những khát khao ấy, Diệu Thuần đã viết cuốn sách đầu tiên “Như hoa hướng dương” trong niềm hạnh phúc về cảm giác “cho đi”. Đúng như chị bộc bạch: “Nhiều khi tôi tưởng mình như một đóa hoa hướng dương còi cọc và héo hon lắm. Tôi loay hoay học làm tia nắng, dù còn nhỏ nhoi, dù còn vụng về. Cảm giác lúc “cho đi” ấy chính là sự diệu kỳ. Đó là hạnh phúc thật sự ngọt ngào!”.

Tiếp sau đó, Diệu Thuần xuất bản thêm hai cuốn sách nữa là “Muôn ánh mặt trời” và “Em ước mong sao”. Những cuốn sách này đều có lượng phát hành rất tốt. Số tiền bán sách cùng các hoạt động khác được Diệu Thuần gom góp để thành lập “Mạng lưới vì trẻ em ung thư” năm 2021.

Nhân lên những yêu thương

Những năm qua, hàng loạt dự án đã ra đời cùng bao tháng ngày lăn lộn với các hoạt động thiện nguyện tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương của Hoàng Thị Diệu Thuần. Thấy các bà mẹ vẫn hằng ngày chăm con nhỏ ở viện, chị nghĩ đến việc dạy nghề thêu miễn phí cho họ. Dự án “Đôi bàn tay mẹ” đã ra đời như thế! Nhiều sản phẩm vỏ vải bọc sách, sổ vải, khăn thêu, túi, kẹp tóc... của các bà mẹ được Diệu Thuần đứng ra hỗ trợ đầu ra. “Với mỗi sản phẩm bán ra, sau khi trả công các phụ huynh, phần lãi sẽ tiếp tục được góp cho quỹ “Mạng lưới vì trẻ em ung thư” để thực hiện các dự án tiếp theo. Điều tôi tâm đắc ở dự án là đã giúp các phụ huynh giải tỏa rất nhiều về mặt tâm lý khi có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi vào việc hữu ích, có thêm thu nhập để trang trải những ngày cùng con nằm viện. Thời gian tới, tôi muốn phát triển thêm việc đan móc nhằm hỗ trợ các phụ huynh được nhiều hơn nữa”, Diệu Thuần cho biết.

Hơn 4 năm qua, Diệu Thuần và các cộng sự rất tâm huyết với dự án học bổng “Em ước mong sao” dành tặng các học sinh đạt thành tích học tập tốt có hoàn cảnh khó khăn hoặc bố mẹ đau ốm. Chị cho biết: “Với 5 triệu đồng/suất học bổng, tuy số tiền không lớn nhưng sẽ như một sự động viên, khích lệ để các em thiếu may mắn vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, chúng tôi đã trao hàng trăm suất học bổng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Lắng nghe chia sẻ của những em nhỏ mắc căn bệnh quái ác, Diệu Thuần biết các em có một ước mơ rất lớn là có lại được mái tóc như trước khi truyền hóa chất. Tháng 10-2022, “Trạm tóc ước mơ” ra đời với ước vọng mang những bộ tóc giả đến với các em nhỏ thiếu may mắn. “Tích tiểu thành đại”, từ những tình nguyện viên đầu tiên, đến nay, “Trạm tóc ước mơ” đã được đông đảo mọi người biết đến và trở thành địa chỉ tin cậy của người muốn hiến tóc thiện nguyện. Diệu Thuần chia sẻ: “Cho đến nay, đã có hơn 13.000 người đến hiến tóc ở đủ các lứa tuổi, giới tính. Sau đó, chúng tôi sẽ mang đến xưởng để gia công thành bộ tóc hoàn chỉnh và chuyển đến tặng các bệnh nhi tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương”.

leftcenterrightdel

 Chị Hoàng Thị Diệu Thuần (thứ bảy, từ phải sang) trong một buổi lễ trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó tại

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh do nhân vật cung cấp        

Diệu Thuần kể rằng, nhiều năm qua, sau khi căn bệnh ung thư máu được chữa khỏi, chị luôn đắm mình trong hành trình tiếp nghị lực, truyền cảm hứng cho bệnh nhi ung thư. Chị không nghĩ đến một ngày lại được chính các em tiếp nghị lực cho mình. Năm 2023, Diệu Thuần đón nhận tin mình bị ung thư lần thứ hai. Trong những tháng ngày điều trị, chính các bệnh nhi mà chị từng giúp đỡ đã động viên để chị chiến thắng bệnh tật và vui sống trở lại. Sự tin tưởng ấy đã giúp Diệu Thuần lấy lại niềm tin, tiếp tục dấn thân trên con đường thiện nguyện sau khi được phẫu thuật. Chị lại mỉm cười và tự nhủ: “Sẽ chẳng có thế lực nào đánh cắp được trái tim nhiệt huyết của mình. Cần phải làm nhiều hơn nữa vì cộng đồng!”.

Diệu Thuần bộc bạch, những năm tháng qua, chị có thể làm được nhiều việc như thế là bởi không đi một mình. Đó là sự ủng hộ, giúp đỡ của các y, bác sĩ, nhân viên y tế ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, bệnh nhi và người nhà, những mạnh thường quân vẫn thường xuyên ủng hộ các dự án của “Mạng lưới vì trẻ em ung thư”, các bạn học sinh, sinh viên, các bạn trẻ... vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần lại mang những bộ tóc mình chăm chút nhiều tháng đến tặng bệnh nhi ung thư. Và đặc biệt là hàng chục sinh viên tình nguyện luôn đồng hành với mọi dự án của “Mạng lưới vì trẻ em ung thư”, từ những hoạt động thường xuyên như tổ chức sinh nhật, trao quà tặng bệnh nhi đến những buổi workshop vẽ tranh gây quỹ hay dạy học ở “Lớp học gieo hạt”...

Trong lúc chờ Diệu Thuần tranh thủ sửa lại mấy mẫu thêu của dự án “Đôi bàn tay mẹ”, tôi có dịp trò chuyện với các tình nguyện viên tại trạm tóc. Đa phần các bạn trẻ ở đây đều đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, có bạn là sinh viên năm thứ nhất, có bạn đã ra trường, đi làm được vài năm vẫn quay trở lại tình nguyện giúp đỡ mạng lưới. Trong những nụ cười tươi rói cùng ánh mắt lấp lánh niềm vui của các bạn trẻ hôm ấy, tôi đọc được sự tâm huyết, nhiệt tình và đam mê với công việc thiện nguyện. Như Lê Hà Giang (ở Nghi Sơn, Thanh Hóa), cô gái trẻ có “thâm niên” gắn bó với mạng lưới hơn 3 năm qua chia sẻ: “Em biết đến chị Diệu Thuần từ những năm học THPT. 18 tuổi, em thực hiện được dự định hiến tóc của mình khi là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Thủy lợi. Nhận thấy những việc làm ý nghĩa ấy, em muốn chung tay góp sức cùng chị. Như đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời, chị Diệu Thuần là tấm gương để người trẻ chúng em sống và cống hiến!”.

THU THỦY