Sáng lập tổ chức Công hội bí mật
Học xong bậc tiểu học ở quê nhà-xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay là TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tôn Đức Thắng (1888-1980, bí danh Hai Thắng) rời quê hương lên Sài Gòn. Ở tuổi 18, Tôn Đức Thắng làm thợ trong giai cấp công nhân mới hình thành ở nước ta. Chứng kiến sự bóc lột của chủ tư bản đối với công nhân, đồng thời nhận thấy sức mạnh của thợ thuyền, đồng chí đã tìm cách quy tụ họ và bắt đầu có những hoạt động yêu nước.
Đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, hơn ai hết, Tôn Đức Thắng nhận thức rõ vai trò quan trọng và sự cần thiết phải có một tổ chức trong công nhân mới có thể đem lại quyền lợi thiết thực cho họ. Tuy nhiên, trong những năm đầu thế kỷ 20, ở các nước thuộc địa, công nhân không có quyền tự do. Bất cứ hoạt động yêu nước hay chống đối bị phát hiện đều bị chính quyền thực dân và nhà tư bản đàn áp. Bản thân cũng là người bị chính quyền thực dân truy nã, vì vậy, đồng chí Tôn Đức Thắng rất trăn trở để giải quyết vấn đề đặt ra là làm sao cho tổ chức của công nhân có thể hoạt động trong điều kiện ngặt nghèo ấy. Chủ trương của đồng chí là không thành lập tổ chức công khai. “Phải bí mật, thận trọng, hoạt động của tổ chức phải khôn khéo để tránh mọi sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù”, đồng chí xác định.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống Cộng hòa Guinea sang thăm Việt Nam năm 1960.
|
Với lòng nhiệt thành yêu nước và uy tín cao, đồng chí đã dần đoàn kết được anh em công nhân vào Công hội bí mật do mình tổ chức và lãnh đạo từ năm 1920. Đây là Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, ra đời phù hợp với hoàn cảnh nước ta lúc đó. Công hội không có văn bản, điều lệ; mục đích ra đời là để công nhân giúp đỡ nhau và đấu tranh bênh vực quyền lợi của người thợ, đồng thời đóng góp tích cực vào phong trào dân tộc, là một bộ phận của phong trào dân tộc. Những cơ sở đầu tiên của Công hội được thành lập ở Cảng Sài Gòn, Xưởng Ba Son, Nhà máy đèn Sài Gòn, Nhà máy đèn Chợ Quán... sau phát triển ra hầu khắp thành phố. Đến năm 1925, Công hội do đồng chí xây dựng đã có tới 300 hội viên. Những năm tồn tại và hoạt động, uy tín của Công hội và vai trò của Tôn Đức Thắng được khẳng định, đã đánh dấu sự chuyển biến từ phát triển tự phát lên tự giác của phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn. Nổi bật là cuộc đấu tranh của khoảng 1.000 công nhân Xưởng Ba Son vào tháng 8-1925.
Chưa hề được soi sáng bởi hệ tư tưởng của giai cấp công nhân mà chỉ đi lên từ thực tiễn xã hội thuộc địa, nhưng Công hội bí mật lại trùng hợp với lý luận về tổ chức công hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đúc kết. Chính vì vậy, từ khi liên hệ được với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và được kết nạp vào hội năm 1927, đồng chí Tôn Đức Thắng đã hướng các tổ chức công hội của mình thành cơ sở để phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn và Nam Bộ. Qua đó, đồng chí trở thành một trong những lớp đầu tiên đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam. Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập, lãnh đạo, tổ chức là mảnh đất tốt để hạt giống cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đơm hoa kết trái. Từ đây, đồng chí là người tham gia tích cực trong việc vận động thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam.
Con người của hành động và sự giản dị, khiêm nhường
Những năm tháng tuổi trẻ, đồng chí Tôn Đức Thắng lựa chọn con đường làm thợ, dần trưởng thành, để rồi gặp được chủ nghĩa xã hội ngay trong phong trào công nhân mà đồng chí là một trong những người tổ chức, lãnh đạo. Nghiên cứu về cuộc đời đồng chí, các nhà khoa học có chung quan điểm: Tôn Đức Thắng không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng hay nhà sáng tác mà là con người của hành động, hành động tiên phong.
Minh chứng cho nhận định trên, trước hết là hình ảnh “kiêu hùng” của người thủy thủ Tôn Đức Thắng kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen tháng 4-1919. Bằng hành động dũng cảm đó, đồng chí đã tham gia bảo vệ nước Nga Xô viết non trẻ, quê hương của Cách mạng Tháng Mười vào thời điểm quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu của bọn đế quốc hiếu chiến hòng xóa bỏ nước Nga cách mạng. “Tôi tin rằng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi. Bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười”-năm 1957, trong bài viết trên Báo Người Thủy thủ Xô viết, đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định.
Tôn Đức Thắng là một người kiên định, có nghị lực và yêu nước. Khi bị giam cầm trong các nhà lao đế quốc, phẩm chất của đồng chí tiếp tục tỏa sáng. Được đề nghị làm Hội trưởng Hội những người tù đỏ, bằng các hành động cụ thể, quyết đoán, đồng chí đã trở thành hạt nhân, tập hợp đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm, cùng thương yêu, giúp đỡ nhau, chống chế độ lao tù. Mô hình cặp rằng cộng sản ở nhà tù Côn Đảo do Tôn Đức Thắng khởi tạo từ năm 1932 đã được chi bộ nhà tù phát triển chính là bước khởi đầu cho việc đoàn kết, tập hợp lực lượng, tổ chức tù nhân thành đội ngũ, chuẩn bị cho một cao trào đấu tranh cải biến chế độ nhà tù thực dân sau này.
|
|
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đại biểu dự Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam năm 1977. Ảnh tư liệu |
Thời gian ở Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã gắn bó với đồng chí Lê Văn Lương và Phạm Hùng trong tổ chức, đấu tranh và chỉ đạo một thế hệ tù chính trị. “Bác Tôn hơn anh Phạm Hùng và tôi hai giáp. Tuổi như cha con nhưng tình như anh em. Bác Tôn điềm đạm mà kiên quyết. Phạm Hùng sôi nổi trong hành động, gan góc và ngang tàng, võ nghệ cao cường khiến đám tù lưu manh loại anh chị cũng phải kính nể. Tôi bằng tuổi Phạm Hùng, trầm tĩnh, kiên trì, khi bàn bạc thì cân nhắc, thuyết phục, khi hành động thì nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương. Bộ ba chúng tôi là trụ cột của tù chính trị Côn Đảo từ thuở khởi sắc đấu tranh cho đến khi giành chính quyền ở Côn Đảo tháng 8-1945”-đồng chí Lê Văn Lương viết trong hồi ký.
Chính Tôn Đức Thắng khi biết ông Trần Văn Giàu nổi tiếng về lý luận, tốt nghiệp hạng ưu ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) đã bàn với hai cộng sự, giao cho Trần Văn Giàu mở lớp dạy lý luận trong tù và tham gia lớp học. Những người con ưu tú bị lưu đày trên hòn đảo “địa ngục trần gian” đã cùng nhau tổ chức trường học cách mạng ngay trong nhà tù đế quốc cho đến ngày 23-9-1945 được Chính phủ đón trở về đất liền. Nhớ về thời điểm khó quên ấy, đồng chí Lê Văn Lương từng kể: “Hôm ấy, trên chiếc ca nô mang tên Giải phóng do chính thủy thủ Tôn Đức Thắng cầm lái, tôi siết chặt tay Phạm Hùng mỉm cười hạnh phúc và tin vào tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành trên những chặng đường mới mà Đảng giao phó”.
Do cơ duyên nghề nghiệp, chúng tôi từng được nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu đến gặp và trò chuyện với cha ông là đồng chí Lê Hữu Lập, người có 11 năm làm thư ký riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Lúc bấy giờ ông Lập sống ở phố Cao Bá Quát, sau sức khỏe có phần yếu đi thì ông về nhà con gái ở phố Đội Cấn (Hà Nội). Ông Lập kể, năm 72 tuổi, đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch nước. Mới đầu, đồng chí không muốn có thư ký riêng với lý do công việc không nhiều, tự mình làm cũng được, nhưng Bác Hồ không đồng ý. Từ đầu năm 1962, ông Lập được phục vụ đồng chí Tôn Đức Thắng, vì vậy, ông có nhiều kỷ niệm về đồng chí Tôn Đức Thắng. Với ông, mỗi lát cắt ký ức thời kỳ ấy là một nét riêng về tính cách con người Tôn Đức Thắng: Bình dị, mẫu mực cả trong cuộc sống lẫn công việc. Ông nhớ mãi hình ảnh đồng chí Tôn Đức Thắng hằng ngày trong bộ quần áo lá của miền Nam, cổ thìa, cài cúc ở giữa, có 2 túi 2 bên. Những khi gấu áo bị rách, đồng chí tự lấy vải vá lấy. Chiếc đài hay xe đạp bị hỏng, đồng chí cũng tự tìm cách sửa cho kỳ được. Thư ký Lê Hữu Lập khẳng định: “Trong việc công, việc riêng, cách giải quyết của Bác Tôn luôn hài hòa. Khi đến thăm địa phương, Bác Tôn luôn đặt ra yêu cầu phải thật thiết thực và không gây phiền hà, tốn kém cho cơ sở. Được phục vụ cả Bác Hồ và Bác Tôn trong nhiều năm là niềm vinh dự suốt cuộc đời tôi. Hai Bác đều hết lòng, hết sức vì cách mạng, vì nhân dân; là hiện thân của những đức tính giản dị, khiêm nhường”.
BÍCH TRANG - THÀNH HƯNG