Cuối năm 1953, đầu năm 1954, để chuẩn bị cho cuộc Tọa đàm “Kỹ thuật công kiên”, đồng chí Đào Chính Nam giao cho tôi chuẩn bị bản báo cáo trung tâm, vì biết tôi từng công tác tại Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong và trực tiếp tham gia đánh địch một số trận trong công sự vững chắc.

Trong báo cáo, tôi chọn hai trận đánh điển hình là trận đánh Tu Vũ (ngày 10-12-1951) trong Chiến dịch Hòa Bình và trận đánh Nghĩa Lộ (ngày 18-10-1952) trong Chiến dịch Tây Bắc. Trận đánh Tu Vũ, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 209 (Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308). Trận đánh Nghĩa Lộ, tôi là Quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 23, mũi diện của Trung đoàn 88.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đào Chính Nam (1908-1987). Ảnh do gia đình cung cấp

Trong trận Tu Vũ, đơn vị tôi đã bí mật cắt hết các hàng rào và gỡ hết mìn, chỉ để lại hàng rào cuối cùng... nhằm che mắt địch. Điều đặc biệt là trong trận này, tôi chỉ huy Đại đội đánh theo đội hình “hàng ngang”, không máy móc tuân thủ theo đội hình “đầu nhọn, đuôi dài” đã được học trước đó. Khi có lệnh tấn công, chỉ với một ống bộc phá, tất cả chướng ngại vật đã được dọn sạch, một quả bộc phá cối đánh vào lô cốt đầu cầu là mở xong đột phá khẩu. Xung kích tràn vào tung thâm của địch, chúng tôi còn dùng trung liên bắn chi viện sang lô cốt đầu cầu của Tiểu đoàn 29, mũi điểm của Trung đoàn cho đến khi đơn vị phá hết các chướng ngại vật bằng bộc phá, tiếp cận lô cốt đầu cầu và yêu cầu ngừng bắn chúng tôi mới thôi.

Trong trận Nghĩa Lộ, địa hình và địch tình có khác với trận Tu Vũ nên trước trận đánh, ta cố tình để lại hai hàng rào và mìn, phải dùng bộc phá ống để đánh. Do địa hình phức tạp nên khi Tiểu đoàn 23 chúng tôi đánh vào tung thâm thì Tiểu đoàn 29 vẫn còn ở phía ngoài hàng rào. Chúng tôi phát triển sang diệt lô cốt đột phá khẩu của Tiểu đoàn 29, tạo điều kiện cho đơn vị nhanh chóng dùng thang ván vượt qua chướng ngại vật để tấn công đồn. Xét về kết quả, trong trận Tu Vũ, Đại đội do tôi chỉ huy không có thương vong trong chiến đấu tiền duyên, còn trong trận Nghĩa Lộ, đơn vị do tôi chỉ huy có 2 chiến sĩ thương vong trong lúc chiến đấu mở đột phá khẩu.

Kết luận buổi tọa đàm, ngoài kinh nghiệm trong các giai đoạn chiến đấu, đồng chí Đào Chính Nam nhấn mạnh: Trong tác chiến công kiên, giai đoạn mở đột phá khẩu là ác liệt nhất, thương vong nặng nề nhất. Muốn hạn chế điều đó, người chỉ huy phải giỏi về kỹ thuật gỡ mìn, cắt hàng rào và phải huấn luyện được cho chiến sĩ của mình thực hành thành thạo.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Đỗ Hạp (bên phải) trao đổi với ông Đào Đức Thanh - con trai đồng chí Đào Chính Nam (tháng 9-2020). Ảnh: ĐÀO THANH

Đầu năm 1954, Ban giám hiệu Trường Cán bộ Cung cấp (nay là Học viện Hậu cần) có công văn đề nghị đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng bố trí thời gian sang giảng cho lớp cán bộ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hậu cần đại đoàn, trung đoàn đang tập trung tại Trường. Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị Trường Lục quân Việt Nam cử giáo viên sang giảng bài. Tôi được Phó hiệu trưởng Đào Chính Nam phân công thực hiện nhiệm vụ này.

Tôi rất lo lắng khi nghĩ mình mới chỉ huy ở cấp tiểu đoàn, lại đi giảng cho các cán bộ cấp trung đoàn, đại đoàn. Tôi trình bày với đồng chí Đào Chính Nam băn khoăn ấy và đề nghị đồng chí cử một người khác giảng thay mình. Đồng chí Nam phân tích cho tôi hiểu nhiệm vụ, định hướng một số nội dung và động viên tôi chuẩn bị bài giảng cho tốt. Sau 4 ngày lên lớp, tôi cùng đồng chí trợ giáo Trương Đình Đắc được các học viên đánh giá giảng bài rõ ràng, dễ hiểu. Năm nay, tôi bước sang tuổi 99, trải qua vài lần tai biến nên sức khỏe, trí nhớ giảm nhiều, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng trong quân ngũ, tôi luôn biết ơn người thầy, thủ trưởng, người anh Đào Chính Nam.

THÁI GIANG (Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Đỗ Hạp, nguyên Trưởng ban liên lạc truyền thống khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1)